Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/5): DGW, VGC và CTG

CTG là một trong số các cổ phiếu ưa thích của VNDirect nhờ danh mục cho vay đa dạng và tỷ trọng cho vay thấp với nhóm bất động sản. VNDirect dự đoán EPS của CTG sẽ tăng bền vững ở mức 11% và 21% trong giai đoạn 2023-2024.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/5): DGW, VGC và CTG
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/5): DGW, VGC và CTG

DGW: MBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 31.400 đồng/cổ phiếu

Vào quý I/2023, Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld, HoSE: DGW) đạt 3.960 tỷ đồng doanh thu và 79 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, ghi nhận giảm lần lượt 44% và 63% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu năm và 20% kế hoạch lợi nhuận sau thuế theo như kế hoạch kinh doanh công bố vào đầu năm 2023.

Trong thời kỳ ngành bán lẻ có nhiều khó khăn và thách thức, biên lợi nhuận ròng của DGW vẫn đạt 2%, tốt hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, cho thấy được hiệu quả tối ưu chi phí trong việc vận hành hệ thống SAP ERP của DGW.

Về mảng máy tính xách tay và máy tính bảng và mảng điện thoại di động, DGW ghi nhận doanh thu lần lượt đạt 1.094 và 1.899 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ do tình hình vĩ mô thế giới không thuận lợi, lạm phát cao dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.

Ngành hàng thiết bị văn phòng thu về 682 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm ngoái là 8%. Bên cạnh đấy, mảng thiết bị gia dụng ghi nhận 165 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ, sở hữu tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất quý I/2023 mặc dù hiện tại, tình hình “đóng băng” thị trường bất động sản vẫn chưa có cải thiện thanh khoản tích cực. Dự báo vào cuối năm 2023, khi tình hình vĩ mô khởi sắc, mảng thiết bị gia dụng sẽ mang lại đóng góp đáng kể cho doanh thu DGW.

Ngành hàng tiêu dùng đạt 120 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 69% so với quý I/2022. Đây là một dấu hiệu tích cực. Theo chia sẻ của MWG, trong năm 2023, tiềm năng tăng trưởng mới cho ngành hàng tiêu dùng là mảng bia với nhà cung cấp AbinBev, giúp cho doanh thu ngành hàng tiêu dùng dự kiến tăng trưởng 157% so với cùng kỳ.

Bắt đầu từ quý II/2023, doanh thu của DGW sẽ có thêm sự đóng góp doanh thu từ thương hiệu Lotte Chilsung và Westinghouse.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 ghi nhận doanh thu đạt 20.172 nghìn tỷ đồng (giảm 8,4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 471 tỷ đồng (giảm 31% so với cùng kỳ) với giả định hoạt động kinh doanh phục hồi nhẹ vào cuối năm 2023 đến từ tỷ trọng tiêu thị Apple gia tăng, doanh thu mới ghi nhận từ ngành hàng đồ gia dụng và FMCG.

Năm 2022, DGW tăng mạnh nợ vay dài hạn và ngắn hạn cùng hàng tồn kho, nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 0,6 lên 0,8 lần. Trong năm 2023, MBS dự báo vòng quay hàng tồn kho tăng nhẹ cùng nợ/vốn chủ sở hữu giảm về mức năm 2022 do xu hướng chi tiêu thắt chặt của người tiêu dùng. Lạm phát kéo dài ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng, đặc biệt với mặt hàng ICT.

Với tình hình kinh tế vĩ mô như hiện tại, MBS dự phóng doanh thu ICT 2023 vẫn sẽ giảm so với mức nền năm 2022, ngành hàng đồ gia dụng và tiêu dùng tăng trưởng lần lượt 53% và 81% nhờ vào doanh thu ngành hàng mới. MBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu của DGW là 31.400 đồng/cổ phiếu (sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền) dựa trên 3 luận điểm chính.

Một là vòng quay hàng tồn kho nằm trong tầm kiểm soát doanh nghiệp, sự phục hồi của thị trường bán lẻ ICT tại Việt Nam từ quý IV/2023, tăng trưởng tốt vào năm 2024. Hai là hướng đến mục tiêu gia tăng thị phần ngành điện gia dụng tại Việt Nam thông qua việc phân phối sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới: Xiaomi, Westinghouse, Yojoung và Whirlpool. Ba là khai thác mạnh mẽ ngành FMCG tại Việt Nam, liên tục tìm kiếm các cơ hội M&A để gia tăng quy mô phân phối trên thị trường.

VGC: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 43.600 đồng/cổ phiếu

Doanh thu thuần quý I của Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) đạt 2,7 nghìn tỷ đồng (118 triệu USD; giảm 27,6% so với cùng kỳ). Lợi nhuận ròng đạt 151 tỷ đồng (giảm 79,9% so với cùng kỳ).

Doanh thu mảng vật liệu xây dựng (kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch granite & ceramic, gạch ngói - chiếm 55% tổng doanh thu) giảm 28,4% so với cùng kỳ do thị trường bất động sản sụt giảm. Theo CBRE, doanh số bán căn hộ tại TP. HCM giảm 23% so với cùng kỳ, đây là mức thấp kỷ lục trong quý I/2023; số lượng căn hộ mới chào bán tại TP. Hà Nội giảm 43% so với quý trước và giảm 44% so với cùng kỳ – đây là mức tăng trưởng so với quý trước thấp nhất kể từ quý I/2020.

Doanh thu kính xây dựng giảm 48% so với cùng kỳ. Doanh thu thiết bị vệ sinh và ngói lần lượt giảm 34% và 30% so với cùng kỳ trong quý I/2023. Doanh thu gạch granite & ceramic tăng 4% so với cùng kỳ nhờ thị trường xuất khẩu tăng trưởng 2,3 lần so với cùng kỳ (chiếm 35% doanh thu), bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu của thị trường nội địa.

Về mảng khu công nghiệp, VGC cho thuê 11ha tại các khu công nghiệp Yên Phong, Yên Phong mở rộng, Đông Mai, Phú Hà và các khu công nghiệp khác, giúp doanh thu đạt 1,09 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), chiếm 40,1% tổng doanh thu. Giá thuê trung bình là 91 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 11% so với cùng kỳ). Ngược lại, doanh thu bất động sản nhà ở chỉ đạt 43 tỷ đồng (giảm 92% so với cùng kỳ) khi chỉ ghi nhận kết quả của các dự án nhà ở cho công nhân như dự án Yên Phong

Công ty Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận của VGC trong năm 2023 sẽ gặp thách thức do nhu cầu và giá kính xây dựng dự kiến điều chỉnh giảm. SSI dự báo doanh thu thuần trong năm 2023 là 11,7 nghìn tỷ đồng (497 triệu USD; giảm 16,2% so với cùng kỳ), thấp hơn kế hoạch của công ty. Lợi nhuận trước thuế dự báo trong năm 2023 đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (giảm 30,1% so với cùng kỳ).

Theo SSI, VGC là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng bao gồm kính, gạch ốp lát và sứ vệ sinh. VGC đã phát triển 11 khu công nghiệp và có diện tích đất cho thuê là 740ha, tập trung ở miền Bắc và miền Trung, VGC đã thu hút được nhiều khách hàng lớn, bao gồm Samsung, Accor, BYD và nhiều doanh nghiệp khác. SSI kỳ vọng VGC sẽ duy trì nguồn lợi nhuận ổn định từ việc cho thuê các khu công nghiệp hiện tại trong dài hạn.

VGC đang giao dịch với P/E và P/B 2023 lần lượt là 13,6 lần và 1,8 lần. Về dài hạn, VGC sẽ có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận cao hơn từ diện tích cho thuê hơn 740ha hiện tại, đồng thời công ty tiếp tục mở rộng công suất trong mảng kính xây dựng (mở rộng kính siêu trắng tại nhà máy Phú Mỹ) và gạch granite and ceramic (nhà máy Eurotile sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023).

SSI sử dụng phương pháp SOTP và đưa ra giá mục tiêu là 43.600 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 21,8%) và khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VGC. Trong ngắn hạn, SSI cho rằng những thông tin mới về khách thuê diện tích lớn và tăng trưởng xuất khẩu gạch granite và ceramic sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu.

CTG: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 35.900 đồng/cổ phiếu

Tại cuối quý I/2023, tín dụng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) tăng 4,6% so với đầu kỳ, cao hơn hẳn mức tăng của hệ thống là 2,1%. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, hầu hết các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao ghi nhận mức tăng trưởng cho vay cao hơn so với các ngân hàng thương mại tập trung vào cho vay bán lẻ.

Thêm vào đó, lợi suất tài sản của CTG tăng mạnh 1,8% so với cùng kỳ khi ngân hàng chuyển dịch sang cho vay nhóm khách hàng hiệu quả cao (bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ), vượt trội so với mức tăng 1,6% của chi phí vốn. Tóm lại, NIM của ngân hàng ghi nhận mức cải thiện 28 điểm cơ bản so với cùng kỳ, khiến CTG là một trong số ít ngân hàng ghi nhận mức cải thiện NIM.

Về mặt chi phí, mặc dù CTG đã thành công trong việc giảm CIR từ 27% xuống 25% trong quý I/2023 – mức thấp thứ 2 trong số các ngân hàng niêm yết, LNR của ngân hàng chỉ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ do việc tăng mạnh hình thành nợ xấu. Trong quý I/2023, chi phí tín dụng (cả năm) của CTG tăng 56 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 2,1%.

Với cương vị là một trong số bên cho vay lớn nhất cho doanh nghiệp, CTG cũng bị ảnh hưởng từ những khó khăn trong nền kinh tế hiện tại. Tại cuối quý I/2023, nợ nhóm 2 của ngân hàng duy trì xu hướng tăng trong 10 quý liên tiếp gần đây, nhảy 163% so với cùng kỳ lên 35.620 tỷ đồng, gây áp lực lên dự phòng trong thời gian tới.

Mặc dù ngân hàng giải thích thêm cho xu hướng này là do CTG đã xây dựng các kịch bản chất lượng nợ, và chủ động phân loại nợ, VNDirect vẫn lưu ý về khả năng xu hướng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí dự phòng và chất lượng tài sản trong thời gian tới.

Tại thời điểm hiện tại, VNDirect dự phóng chi phí tín dụng 2023 sẽ duy trì so với cùng kỳ ở mức 1,8%, một phần do Thông tư 02/2023 cho phép tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.

VNDirect dự đoán NIM của ngân hàng sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn 2023-2024 nhờ sự chủ động của ngân hàng để tiết giảm chi phí vốn, phù hợp với các chiến lược giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Về mặt chi phí, VNDirect cho rằng chi phí tín dụng của CTG đạt 1,8% và 1,5% – giảm nhẹ so với mức 1,85% năm ngoái nhờ Thông tư 02/2023. Tóm lại, VNDirect dự đoán EPS của CTG sẽ tăng bền vững ở mức 11% và 21% trong giai đoạn 2023-2024.

CTG là một trong số các cổ phiếu ưa thích của VNDirect nhờ danh mục cho vay đa dạng và tỷ trọng cho vay thấp với nhóm bất động sản. VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 35.900 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư và mức P/B mục tiêu 1,3 lần cho giá trị sổ sách 2023 với tỷ trọng tương đương.

Hải Đường

Theo VietnamFinance