Viglacera đầu tư chiều sâu lĩnh vực vật liệu xây dựng, dồn lực cho BĐS khu công nghiệp
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Viglacera diễn ra sáng 11/5 đã thông qua kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển cho từng lĩnh vực, phương án chia cổ tức năm nay cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Năm 2023, Viglacera cho biết doanh nghiệp đầu tư chiều sâu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng với mục tiêu phát huy năng lực của các nhà máy, dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng hiện có và đang đầu tư, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hoá sản phẩm và phát triển vào nhóm sản phẩm mũi nhọn như kính tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm kính gia công sau kính chất lượng cao, sứ vệ sinh – sen vòi, gạch ốp lát, gương cao cấp…
Viglacera chia sẻ sẽ triển khai đầu tư nhà máy kính nổi siêu trắng giai đoạn 2, dự án đầu tư nhà máy gạch Viglacera Eurotile (nhà máy Mỹ Đức 2) với công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu tư mở rộng tại các nhà máy hiện có của các đơn vị thành viên như Công ty Cổ phần Viglacera Hà Nội, Công ty Cổ phần Viglacera Thăng Long, nhà máy Mỹ Đức tại Bà Rịa-Vũng Tàu…
Ngoài ra, doanh nghiệp cho hay cũng tập trung hoàn thành dây chuyền sản phẩm mới kích thước lớn Vasta stone nhằm đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, công ty cho biết cũng thực hiện đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao công suất, chất lượng; ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm gia tăng mức độ tự động hóa, tỷ lệ thu hồi, tiết giảm chi phí trong quá trình sản xuất; chú trọng đầu tư mở rộng các hệ thống kênh phân phối đi cùng với chiến lược phát triển thương hiệu.
Năm nay, Viglacera chia sẻ quyết tâm dồn tổng lực cho bất động sản khu công nghiệp (KCN). Hiện Viglacera đã đầu tư và kinh doanh 11 KCN tại Việt Nam và 1 KCN tại Cuba, thu hút 16 tỷ USD vốn FDI từ hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: BYD, Deli, Texhong, Qisda, Foxconn, Samsung, Amkor, Hyosung, Anam Electronics, Kortek, Orion, Ottogi, Canon,...
Năm 2023, công ty dự kiến tập trung phát triển đầu tư, kinh doanh và vận hành hạ tầng kỹ thuật KCN và dịch vụ tại các KCN hiện có, đồng thời phát triển mở rộng quỹ đất tại các địa bàn có tiềm năng.
Viglacera đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng số các KCN của công ty lên hơn 20 KCN với trên 10 KCN mới với tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000 - 3.000 ha.
Đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, công ty cho hay đang lên kế hoạch từng bước thực hiện chương trình triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022 - 2030.
Trong đó, tiếp tục phát triển các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đồng bộ với phát triển KCN hiện có tại các KCN Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai; nhà ở xã hội tại Kim Chung; khu nhà ở xã hội 9,8ha tại Yên Phong - Bắc Ninh; dự kiến khởi công mới nhà ở công nhân Tiền Hải (5,2ha), nhà ở xã hội Phú Hà (8,4ha), chuẩn bị đầu tư nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh…
Đối với lĩnh vực nhà ở thương mại, Viglacera cho biết tiếp tục triển khai đầu tư nhà ở/chung cư thương mại tại khu đô thị Đặng Xá (Hà Nội); Tiên Sơn, Yên Phong - Bắc Ninh. Công ty sẽ tiếp tục triển khai dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải giai đoạn 1 với diện tích 35ha, dự án dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành khách sạn 5 sao quốc tế trong quý II/2023; triển khai các bước chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 với diện tích 40 ha.
Đặc biệt, Viglacera chia sẻ còn mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Năm 2023, công ty sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Cuba, trong đó, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 tại các dự án KCN ViMariel và dự án Liên doanh SanVig; tiếp tục khảo sát dự án đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Cuba (1 nhà máy Gạch Cotto, 1 nhà máy Granite) và nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án khu công nghiệp, khu đô thị và sản xuất vật liệu xây dựng tại Cộng hòa Dominicana.
Năm 2023 được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, HĐQT tổng công ty đã họp thống nhất trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 tương đương năm 2022 và duy trì mức chia cổ tức 20%.