Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (21/12): FRT, PC1 và POW

Giai đoạn 2023-2024, VNDirect kỳ vọng sản lượng nhiệt điện của POW sẽ tăng nhờ mở rộng công suất. Trong 2023, công ty chứng khoán này dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của POW tăng lần lượt 24% và 61% so với cùng kỳ lên 34.008 tỷ đồng và 2.767 tỷ đồng, nhờ tổ máy 1 Vũng Áng 1 (600MW) hoạt động trở lại, và 308 tỷ lợi nhuận bất thường từ thoái vốn Điện Việt Lào.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (21/12): FRT, PC1 và POW
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (21/12): FRT, PC1 và POW

FRT: MBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 82.100 đồng/cổ phiếu

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 21.708 tỷ đồng và 369 tỷ đồng, tăng trưởng 55% và 2,7 lần so với cùng kỳ. Với kết quả này, FRT đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận năm.

Chuỗi FPT Shop đem về 15.233 tỷ doanh thu, tăng 32% so với cùng kỳ, đóng góp 70% vào tổng doanh thu. Doanh số bán hàng online tăng 39% và đạt 4 nghìn tỷ đồng, chiếm 26% doanh thu của FPT Shop. Doanh thu chuỗi Long Châu đạt 6.562 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với 2021.

Chuỗi FPT Shop có 745 cửa hàng, tăng thêm 98 cửa hàng so với 647 cửa hàng cuối năm 2021. Long Châu sở hữu 800 nhà thuốc trên cả nước, mở mới 400 nhà thuốc so với đầu năm, hoàn thành kế hoạch mở mới đưa ra đầu năm.

Các nhà thuốc của Long Châu chỉ trong quý III/2022 đạt doanh thu trung bình theo tháng đạt 1,1 nghìn tỷ đồng sau khi tác động từ dịch Covid 19 đã dần bị loại bỏ. Biên lợi nhuận gộp đạt 22%, mục tiêu trong 4-5 năm tới sẽ lên mức 25. Tính đến tháng 12/2022, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đã chính thức vượt mốc 1.000 nhà thuốc, phủ khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam, vượt 125% kế hoạch mở mới của năm 2022.

FRT cũng dự kiến sẽ tăng tổng số cửa hàng lên 3.000 trong 5 năm tới. Khi mảng ICT được dự phóng là sẽ tăng trưởng nhưng không đột biến nữa, Long Châu được kỳ vọng sẽ là mũi nhọn dẫn dắt tăng trưởng chính cho FRT trong các năm tiếp theo với mục tiêu đóng góp khoảng 50% doanh thu, ngang bằng với FPT Shop vì dư địa phát triển trong ngành dược phẩm còn nhiều.

Long Châu có danh mục sản phẩm đa dạng, chuyên thuốc theo toa và đang có kế hoạch bổ sung thêm 50 SKU thương hiệu riêng trong 2022 để tăng biên lợi nhuận. Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, giá cả ở mức cạnh tranh so với đối thủ Pharmacity và khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng về thuốc kê toa giúp Long Châu chiếm lợi thế hơn khi tiếp cận được mọi đối tượng khách hàng.

Long Châu được giới thiệu như một chuỗi hiệu thuốc có giá thuốc bán ra thấp hơn so với thị trường chung, tương đương với giá bán sỉ.

Về chuỗi FPT Shop, tuy chỉ mới gia nhập vào thị trường bán lẻ điện thoại di động từ năm 2012 so với các đối thủ như MWG (2004) hay Viettel Store (2006), FRT đã có hệ thống cửa hàng lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau MWG. Chiến lược kinh doanh mảng điện thoại di động và phụ kiện của FRT tập trung vào sản phẩm của Apple, doanh nghiệp cũng đã nhận được giấy phép ủy quyền cho cả 3 mô hình cửa hàng của Apple: AAR (Apple Authorized Reseller), APR (Apple Premium Reseller) và iCorner.

Hiện tại, chính sách bảo hành của Apple chỉ hỗ trợ các đơn vị phân phối sản phẩm có giấy phép, do vậy, các sản phẩm xách tay sẽ không được bảo hành. Chính sách này, cùng với việc giá bán tại Việt Nam các sản phẩm của Apple sau khi áp dụng các ưu đãi thường không chênh lệch quá nhiều so với giá bán xách tay, thời gian giao hàng và thời gian mở bán so với nước ngoài cũng rút ngắn đã gia tăng sức cạnh tranh cho FRT, khi hiện tại sản phẩm của Apple chiếm khoảng 1/3 doanh thu mảng điện thoại di động và phụ kiện của công ty

Theo Euromonitor dự phóng, CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) giai đoạn 2016-2021 của mảng smartphone ở Việt Nam dự kiến đạt 6,4%. Việc Apple tăng số lượng nhà phân phối ủy quyền tại Việt Nam (4 nhà phân phối mới trong năm 2021) cũng gia tăng cạnh tranh cho FRT.

Biên lợi nhuận gộp của sản phẩm Iphone thấp hơn khoảng 4-5% so với các sản phẩm smartphone khác, trong khi đây là sản phẩm chủ lực trong mảng kinh doanh điện thoại di động của FRT, do đó, cơ hội để cải thiện biên lợi nhuận của mảng này trong những năm tới là thấp.

Hiện MWG cũng đã mở ra chuỗi cửa hàng TopZone để phân phối riêng các sản phẩm Apple. Áp lực cạnh tranh cùng việc thị trường điện thoại di động đã dần bão hòa là thách thức lớn cho FRT trong trung và dài hạn.

Với việc FRT đang cố gắng để có thể duy trì được thị phần ở mảng điện thoại di động, MBS dự đoán tăng trưởng mảng điện thoại của FRT sẽ chỉ ở mức tương đương với tăng trưởng của ngành trong trung hạn.

FRT chia hệ thống bán lẻ hàng điện tử thành 2 chuỗi: FPT Shop chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động như điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện và dịch vụ công nghệ; F.Studio By FPT là chuỗi cửa hàng được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam chuyên kinh doanh sản phẩm chính hãng Apple.

Doanh thu laptop của FRT trong 9 tháng đạt 3.590 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ với việc tập trung đầu tư cho các trung tâm laptop và triển khai thành công chương trình “Back to school”. Dòng sản phẩm Laptop Gaming tiếp tục tăng trưởng mạnh giúp FPT Shop giữ vững vị trí số 1 thị trường về dòng sản phẩm này. FPT Shop sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các dịch vụ nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất

Với áp lực lạm phát khiến nhu cầu suy yếu cùng với mức nền so sánh cao của quý IV/2022, cùng với tình hình vĩ mô không mấy khả quan, MBS cho rằng doanh thu mảng ICT của FRT quý IV năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ và vẫn sẽ tăng trưởng trong 2023 tuy nhiên không còn đột biến như giai đoạn trước nữa

MBS khuyến nghị nắm giữ với FRT với giá mục tiêu là 82.100 đồng/cổ phiếu bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF), phản ánh đà tăng trưởng dần chậm lại của FPT Shop, cũng như đà tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng sinh lời dần được cải thiện của chuỗi nhà thuốc Long Châu. Ngoài ra, nhờ mở rộng quy mô và chú trọng cơ cấu sản phẩm, biên lợi nhuận gộp của FRT đang trong xu hướng được cải thiện.

PC1: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 34.123 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, mảng năng lượng tái tạo vẫn sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 (HoSE: PC1). PC1 đặt mục tiêu tổng công suất điện gió sẽ đạt 350MW vào năm 2025, tăng 206MW (tăng 143%) so với công suất hiện tại là 144MW. Do đó, PC1 sẽ được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh của Việt Nam trong dài hạn, phù hợp với cam kết COP26 của chính phủ, phấn đầu đạt phát thải carbon ròng bằng “0” vào năm 2050.

Lấn sân sang khai thác Niken. PC1 sở hữu 57% cổ phần tại một công ty khai thác và chế biến Niken, mảng này sẽ bắt đầu tạo ra doanh thu đầu năm 2023. Yuanta dự báo doanh thu niken năm 2023 sẽ đạt 592 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp là 30%.

Con số này thấp hơn đáng kể so với kế hoạch của công ty với doanh thu kỳ vọng là 1 nghìn tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp là 40% trong năm tới, tương ứng với tiềm năng tăng giá đối với dự báo của Yuanta.

Lợi nhuận sau thuế sau cổ đông thiểu số 9 tháng năm 2022 giảm 52,5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng 66,4%, đạt 877 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng ghi nhận kết quả trái chiều là do doanh thu 9 tháng năm 2022 giảm 21,8%; và chi phí tài chính thuần tăng đến 762%, phần lớn là chi phí lãi vay và khoản lỗ ngoại hối phi tiền mặt.

Theo Yuanta, PC1 có tiềm năng được hoàn nhập dự phòng. Khoản nợ bằng USD của PC1 và việc VND mất giá trong 9 tháng năm 2022 đã gây ra khoản lỗ tỷ giá phi tiền mặt là 179 tỷ đồng. Do đó, sự gia tăng của VND tính đến thời điểm hiện tại trong quý IV/2022 hàm ý rằng công ty có thể sẽ hoàn nhập dự phòng trong tương lai, từ đó thúc đẩy lợi nhuận.

Yuanta cho rằng khoản nợ bằng USD không phải là vấn đề đáng lo ngại vì doanh thu bán điện được xác định bằng đồng USD.

Yuanta đã đưa tiềm năng của mảng khai thác niken vào mô hình định giá. Công ty chứng khoán này kỳ vọng PC1 ẽ ghi nhận 1 nghìn tỷ đồng doanh thu từ bất động sản vào năm 2023 thay vì năm 2022. Yuanta cũng tăng tỷ lệ WACC lên 12,4% sau khi tăng lãi suất phi rủi ro lên 7,4% (từ 5,5%) và hệ số Beta lên 1,07 lần (từ 0,7 lần).

Yuanta duy trì khuyến nghị mua nhưng giảm giá mục tiêu 23% còn 34.123 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu mới tương ứng với EV/EBITDA kỳ vọng năm 2023E đạt 5,9 lần, thấp hơn 18,8% so với trung vị ngành.

POW: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 18.400 đồng/cổ phiếu

Sản lượng điện 9 tháng năm 2022 của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (HoSE: POW) giảm 17% so với cùng kỳ chủ yếu do sản lượng Vũng Áng 1 giảm. Giá bán trung bình tăng 18% so với cùng kỳ do giá đầu vào tăng. Doanh thu giảm 1,9% so với cùng kỳ, đạt 20.556 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp 9 tháng năm 2022 giảm 7% so với cùng kỳ với biên lãi gộp giảm 4 điểm % khi Cà Mau 1 đại tu. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp 9 tháng tăng 32% so với cùng kỳ do NT2 phải trích lập dự phòng, trong khi chi phí tài chính tăng 7% so với cùng kỳ do lỗ tỷ giá tăng 426% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận ròng quý III/2022 giảm 86% so với cùng kỳ, kéo lợi nhuận ròng 9 tháng năm 2022 giảm 34% so với cùng kỳ xuống 1.210 tỷ đồng, hoàn thành 52% dự phóng của Công ty Chứng khoán VNDirect.

Trong năm 2022, dự báo lợi nhuận ròng sẽ giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận ròng quý IV/22 tăng so với mức lỗ quý IV/21. Tuy nhiên, dự phóng lợi nhuận ròng năm 2022 sẽ thấp hơn 27% so với báo cáo trước của VNDirect vì chi phí tài chính tăng và các thương vụ thoái vốn được chuyển sang năm 2023.

Giai đoạn 2023-2024, VNDirect kỳ vọng sản lượng nhiệt điện của POW sẽ tăng nhờ mở rộng công suất. Trong 2023, công ty chứng khoán này dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của POW tăng lần lượt 24% và 61% so với cùng kỳ lên 34.008 tỷ đồng và 2.767 tỷ đồng, nhờ tổ máy 1 Vũng Áng 1 (600MW) hoạt động trở lại, và 308 tỷ lợi nhuận bất thường từ thoái vốn Điện Việt Lào.

Trong 2024, sản lượng bổ sung từ Nhơn Trạch 3 sẽ là yếu tố giúp doanh thu và lợi nhuận ròng tăng lần lượt 23% và 15,5% so với cùng kỳ lên 42.049 tỷ đồng và 3.197 tỷ đồng. Mặc dù Nhơn Trạch 3 và 4 hiện vẫn chưa chốt được các điều khoản về sản lượng trong PPA, VNDirect dự kiến dự án sẽ vẫn có thể vận hành từ quý IV/2024 do tiến độ san lấp, giải phóng mặt bằng và thu xếp vốn tích cực.

Trong 9 tháng năm 2022, POW ghi nhận tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp, khoảng 0,3 lần, với tỷ lệ vay USD chiếm 27% tổng nợ. VNDirect nhận thấy áp lực từ lãi suất và tỷ giá sẽ cao hơn trong giai đoạn phát triển Capex sắp tới từ năm 2023-2025.

Chi phí tài chính sẽ tăng trung bình 45% trong thời gian này với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu đạt 1,1 lần trong 2025. Bên cạnh đó, POW sẽ vay khoảng 900 triệu USD theo dạng tín dụng xuất khẩu (ECA) và vay thương mại, do đó giá trị khoản vay quy đổi lớn hơn do tỷ giá USD/VND tăng có thể làm giảm hiệu quả của dự án.

VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với cổ phiếu POW, giá mục tiêu thấp hơn là 18.400 đồng/cổ phiếu dựa trên tỷ trọng tương đương của phương pháp DCF và EV/EBITDA.

Hair Đường

Theo VietnamFinance