Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 24/7: QNS, BID và ANV
Với kết quả nửa đầu năm đầy ấn tượng, Công ty chứng khoán SSI cho biết sẽ nâng ước tính cho năm 2023/2024 của QNS. SSI cũng đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu QNS với giá mục tiêu là 58.000 đồng/cổ phiếu.
QNS: SSI khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu là 58.000 đồng/cổ phiếu
Theo ban lãnh đạo QNS, doanh thu thuần sơ bộ trong nửa đầu năm 2023 đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 1,15 nghìn tỷ đồng (tăng 78% so với cùng kỳ), kết quả ấn tượng lần lượt hoàn thành 66% và 96% kế hoạch hàng năm của công ty.
Theo đó, lợi nhuận của QNS lập đỉnh trong quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ) và LNTT đạt 793 tỷ đồng (tăng 82% so với cùng kỳ). Mảng mía đường tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho doanh thu và LNTT, với sản lượng tiêu thụ mạnh đạt 120 nghìn tấn (tăng 126% so với cùng kỳ).
Mảng mía đường đạt 2,2 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng 161% so với cùng kỳ), trong khi LNTT tăng vọt lên 470 tỷ đồng (tăng 488% so với cùng kỳ).
Mảng điện sinh khối cũng được hưởng lợi từ sản lượng mía tăng, với LNTT đạt 55 tỷ đồng (tăng 817% so với cùng kỳ). Doanh thu thuần và LNTT mảng sữa đậu nành lần lượt đạt 2 nghìn tỷ đồng (giảm 6% so với cùng kỳ) và 430 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, do sức tiêu thụ yếu nên lượng tiêu thụ sữa đậu nành chỉ đạt 115 triệu lít (-12% so với cùng kỳ).
Với kết quả nửa đầu năm đầy ấn tượng, Công ty chứng khoán SSI cho biết sẽ nâng ước tính cho năm 2023/2024 của QNS.
SSI cũng đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu QNS với giá mục tiêu là 58.000 đồng/cổ phiếu.
BID: ACBS khuyến nghị lướt sóng trung hạn vùng từ 46.000 - 50.000 đồng/cổ phiếu
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết về trung hạn, xu hướng chi phối giá cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BID) là xu hướng tăng bắt đầu từ tháng 10/2022 đến nay. Trong phiên 10/7, giá cổ phiếu này tăng mạnh, phá vỡ đồng thời xu hướng dao động trung hạn và vùng kháng cự 45.500 – 46.000 đồng/cổ phiếu.
Khối lượng giao dịch trung bình cải thiện đáng kể từ giữa tháng 5/2023. Khối lượng giao dịch từng phiên duy trì trên ngưỡng trung bình 20 ngày trong những phiên điều chỉnh gần đây.
ACBS cũng đánh giá việc giữ vững vùng hỗ trợ 45.500 - 46.000 trong những phiên điều chỉnh gần đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy cổ phiếu BID có tiềm năng tiếp tục tăng giá.
Theo đó, các nhà đầu tư được khuyến nghị tích lũy cổ phiếu BID tại vùng giá 45.500 – 46.000 đồng/cổ phiếu, chốt lời tại ngưỡng kháng cự 48.000 đồng/cổ phiếu trong ngắn hạn, hoặc 50.000 đồng/cổ phiếu trong trung hạn; cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm mạnh, đóng cửa dưới ngưỡng 45.000 đồng/cổ phiếu.
ANV: VCBS khuyến nghị mua, giá mục tiêu 39.782 đồng/cổ phiếu
Trong quý I/2023, tổng doanh thu của Công ty cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) đạt 1.158 tỷ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó doanh thu mảng cá tra đạt 1.123 tỷ đồng (tăng 5,1%), mảng công trình xây lắp bắt đầu có doanh thu đạt 2,7 tỷ đồng, doanh thu mảng điện mặt trời và khác giảm lần lượt là 3,6% và 96,4%. Biên lợi nhuận gộp của mảng cá tra đạt 16% (giảm 14%), mảng điện mặt trời giảm nhẹ 3% về mức 89%.
Cơ cấu doanh thu của ANV đang có xu hướng chuyển dịch sang thị trường Mỹ, trong quý đầu năm 2023, doanh thu thị trường Mỹ đạt 3% trong tổng doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp, trong khi doanh thu từ các thị trường Trung Quốc và EU giảm lần lượt là 9% và 10% so với thời điểm cuối năm 2022.
Hiện nay, ANV vẫn đang duy trì các đơn hàng ổn định, đảm bảo 100% công suất cho đến hết tháng 6/2023. Sau khi có kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR 19) cho giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022 xác định mức thuế suất mới ở thị trường Mỹ công ty sẽ lên kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ mạnh mẽ hơn trong năm sau, và bán được sản phẩm chủ đạo của mình với giá gấp đôi so với các thị trường cũ, giúp biên lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện trong tương lai.
ANV cũng kỳ vọng giá ở thị trường Trung Quốc sẽ được cải thiện khi nguồn hàng tồn kho cạn dần và tiêu dùng được cải thiện khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục trở lại. Công ty đã kết nối được 1 tập khách hàng mới ở Trung Quốc, lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu 35% tại quốc gia này.
Vào thời điểm tháng 11/2022, nhà máy C&G của ANV đã hoàn thành và đưa vào chạy thử. Tuy nhiên, nhu cầu ở các thị trường vẫn chưa được phục hồi do nền kinh tế ở nhiều thị trường vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nên trong năm 2023, ANV vẫn chưa thể đưa các sản phẩm giá trị gia tăng ra thị trường mà ưu tiên việc bán thô.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 cho nhà máy Amicogen, ANV dự định sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 để nâng công suất từ 780 lên 1.200 và 2.400 tấn/ năm. ANV sẽ bắt đầu triển khai giai đoạn 2 vào năm 2024 với chiến lược sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm tiêu thụ trong thị trường nội địa năm 2023-2025. Do mới bước đầu khai thác mảng C&G nên ANV được kỳ vọng sẽ còn nhiều dư địa để mở rộng biên lợi nhuận cho mảng này.
Mảng C&G được dự phóng sẽ đem về doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 85 tỷ và 4,25 tỷ đồng cho ANV trong năm 2023.
Dự án điện mặt trời của ANV ở Bình Phú đã hoàn thiện và đi vào hoạt động được 8% và đang có nguồn thu ổn định hàng tháng. Còn lại 300 MW trong dự án của năm 2022 đã bị hủy vì không phù hợp với chính sách của nhà nước, doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng đợt phê duyệt mới của Chính phủ để quay trở lại với các dự án điện trong giai đoạn 2025-2030.
Dự phóng, nếu dự án điện mặt trời của Nam Việt được chính phủ phê duyệt vào năm 2025, doanh thu mảng điện mặt trời sẽ đạt 628 tỷ đồng (tăng khoảng 436% so với năm 2024), nhờ việc cải thiện được công suất lưới điện.
Do đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ANV với giá mục tiêu 39.782 đồng/cổ phiếu.