Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/7): HPG, STB và HSG

SSI nhận định lợi nhuận 6 tháng đầu năm của HPG giảm mạnh có thể do biên lợi nhuận thu hẹp trong bối cảnh giá thép giảm và chi phí đầu vào tăng lên, đặc biệt là giá than cốc...

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/7): HPG, STB và HSG
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/7): HPG, STB và HSG

SSI: Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu HPG

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II, trong đó doanh thu tăng 7% so với cùng kỳ lên 37.714 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng giảm 59% so với cùng kỳ xuống còn 4.023 tỷ đồng, thấp hơn kỳ vọng của Công ty Chứng khoán SSI. Việc lợi nhuận giảm mạnh có thể do biên lợi nhuận thu hẹp trong bối cảnh giá thép giảm và chi phí đầu vào tăng lên, đặc biệt là giá than cốc.

SSI cho biết, sản lượng thép quý II đã chững lại do nhu cầu trong nước yếu. Theo đó, sản lượng thép xây dựng của HPG ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn là 6% so với cùng kỳ, đạt 1,04 triệu tấn, nhờ vào sản lượng xuất khẩu tăng trưởng 40% so với cùng kỳ trong quý II. Đây là kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong bối cảnh tiêu thụ toàn ngành giảm 10% so với cùng kỳ.

HPG phải đối mặt với nhiều thách thức trong quý, bao gồm hoạt động xây dựng chững lại do giá vật liệu xây dựng cao, việc giá thép giảm khiến các nhà phân phối giảm lượng hàng tồn kho, cùng với đó là sự giảm tốc của thị trường bất động sản đã ảnh hưởng đến nhu cầu toàn thị trường. Dẫu vậy, HPG đã nỗ lực tăng thị phần lên 36,25% trong nửa đầu năm 2022 so với 32,4% vào năm 2021.

Mặt khác, sản lượng HRC của doanh nghiệp giảm nhẹ xuống còn 658.000 tấn (giảm 1,3% so với cùng kỳ), trong khi sản lượng của các phân khúc thép khác như phôi thép và thép ống giảm đáng kể, lần lượt ở mức 47% và 17% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận ròng giảm xuống 10,7%, thấp nhất kể từ quý I/2020. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thép xây dựng giảm hơn 10% so với mức đỉnh hồi tháng 3 và giá than cốc ước tính tăng khoảng 150% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của HPG tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 82.120 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng giảm 27% so với cùng kỳ, xuống 12.230 tỷ đồng, hoàn thành 49% kế hoạch năm.

Ước tính lợi nhuận và luận điểm đầu tư hiện tại, SSI khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HPG, với giá mục tiêu 1 năm là 27.000 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán này cho biết sẽ cập nhật ước tính và định giá sau khi HPG công bố báo cáo tài chính đầy đủ cho quý quý II.

Yuanta: Khuyến nghị mua STB, giá mục tiêu 28.860 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) cho biết 6 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc đề án tái cơ cấu. Lợi nhuận trước trích lập đề án của STB đạt hơn 10.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí đề án, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và đạt 55,1% kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao.

Các chỉ số an toàn hoạt động luôn tuân thủ quy định và cải thiện tích cực, đặc biệt là hệ số CAR luôn duy trì trên mức 9%, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu an toàn hoạt động và khai thác hiệu quả nguồn vốn.

Quy mô hoạt động của Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ, tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 551.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt gần 415.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,22%. Chỉ số ROA, ROE tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt mức 0,77% và 11,86%.

Tổng thu nhập tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 11.200 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ tăng gần 85% với sự đóng góp lớn từ mảng dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng điện tử. Hiệu suất lao động được cải thiện, tỷ lệ CIR đạt mức 48,3%, giảm 8% so với cùng kỳ.

Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 của STB sẽ đạt 4.200 tỷ đồng (tăng 23% cùng kỳ). Dự báo này thấp hơn 12% so với mức trung bình của các bên, có thể là do giả định trích lập dự phòng của Yuanta cao hơn. Trong khi đó, dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2023 lại thấp hơn 35% so với các công ty chứng khoán khác vì dường như họ đang cho rằng STB sẽ hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022.

Trên thị trường, STB hiện đang giao dịch tương ứng với P/B 2022 là 1,1 lần so với trung vị ngành là 1,4 lần, mức định giá khá hấp dẫn. Yuanta tăng giá mục tiêu lên 20% sau khi điều chỉnh các giả định về lợi nhuận trước đó và kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ phục hồi mạnh trong năm 2024 sau khi ngân hàng giải quyết hết 100% lượng tài sản tồn đọng (theo giả định) vào năm 2023.

Giá mục tiêu mới cho STB là 28.860 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời trong 12 tháng là 29%. Tuy định giá hấp dẫn, nhưng các nhà đầu tư cũng nên cân nhắc liệu phân bổ vốn vào cổ phiếu có câu chuyện phục hồi nhưng rủi ro cao có phải là tối ưu trong chu kì thị trường hiện tại.

Yuanta nâng khuyến nghị cổ phiếu lên mua (từ khuyến nghị bán trước đó), với lưu ý rằng STB ở thời điểm hiện tại vẫn là cổ phiếu mang tính đầu cơ, và hiệu quả đầu tư dựa trên khả năng dẫn dắt của ban lãnh đạo. Nói cách khác, câu chuyện phục hồi vẫn có rủi ro.

MASVN: Khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu HSG

Luỹ kế 6 tháng của niên độ 2021-2022, Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group, HoSE: HSG) ghi nhận doanh thu hơn 29.594 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ niên độ trước. Giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu, làm lợi nhuận gộp chỉ tăng nhẹ ở mức 3%, đạt hơn 3.552 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, doanh thu của HSG tăng là nhờ giá HRC duy trì ở mức trên 800 USD/tấn giai đoạn tháng 9/2021 - tháng 3/2022.

Trừ đi các loại chi phí, HSG báo lãi sau thuế luỹ kế 6 tháng niên độ 2021-2022 đạt hơn 873 tỷ đồng, giảm 48% so với mức thực hiện cùng kỳ niên độ trước.

Nguyên nhân là vì hàng tồn kho của HSG hầu hết được mua vào giai đoạn giá HRC ở mức trên 800 USD/tấn. Như vậy, so với kế hoạch đưa ra trong đại hội cổ đông thường niên 2022, HSG đã hoàn thành 64,5% chỉ tiêu doanh thu và 43% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

MASVN cho biết, giá HRC đã liên tục giảm trong thời gian qua. Cụ thể thị trường HRC trong tháng 1-6/2022 chứng kiến sự trái ngược khi chi phí đầu vào như than, nhiên liệu đốt đã tăng trên 50% nhưng giá HRC toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm do nhu cầu xây dựng giảm mạnh. Trong đó, giá HRC Trung Quốc và Mỹ trong tháng 6/2022 đã giảm về mức 694 USD/tấn và 1.200 USD/tấn, lần lượt giảm 10% và 25% so với thời điểm đầu năm 2022.

Trong bối cảnh giá thép nội địa lẫn HRC đã giảm hơn 20% kể từ tháng 4/2022, việc tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản của HSG tăng lên mức kỷ lục 61% ở cuối tháng 3 sẽ tạo rủi ro lớn về mặt lợi nhuận trong nửa cuối niên độ 2021-2022.

Do đó, MASVN dự phóng biên lợi nhuận gộp của HSG trong niên độ này sẽ giảm mạnh về mức 13%, thấp hơn mức 18% của niên độ 2020-2021.

Mặt khác, thị trường nội địa lẫn xuất khẩu của HSG cũng chịu nhiều khó khăn trước áp lực lạm phát và giá thép sụt giảm. MASVN cho rằng tình trạng dư cung và tồn kho ở mức kỷ lục sẽ khiến sản lượng thép và tôn mạ của HSG trong niên độ 2021-2022 giảm thấp. Sang niên độ 2022-2023, khi ngành thép có sự hồi phục, sản lượng thép và tôn mạ của HSG mới kỳ vọng tăng trưởng trở lại.

Thị giá của HSG hiện đã giảm 65% từ mức đỉnh về mức định giá tương đối hấp dẫn, do đó MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu này với định giá 18.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng là 7,2 lần.

Tân Mai

Theo VietnamFinance