Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (31/1): POW, ACV và KBC

Công ty Chứng khoán Á Châu (ACBS) dự báo sản lượng tổng thể từ 7 nhà máy điện hiện tại của POW sẽ tăng ấn tượng 47% vào năm 2023. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ việc nối lại toàn bộ hoạt động tại Cà Mau 1 & 2 và Vũng Áng 1 sau khi trải qua kế hoạch bảo trì trong năm 2022 và chu kỳ El Nino quay trở lại được kỳ vọng sẽ hỗ trợ triển vọng tích cực của POW trong giai đoạn 2023 - 2024.

POW: ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 15.007 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HoSE: POW) vừa công bố doanh thu ước tính của toàn tổng công ty đạt 28.527 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty ước đạt 2.071 tỷ đồng, vượt 140% kế hoạch.

Công ty Chứng khoán Á Châu (ACBS) dự báo sản lượng tổng thể từ 7 nhà máy điện hiện tại của POW sẽ tăng ấn tượng 47% vào năm 2023. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ việc nối lại toàn bộ hoạt động tại Cà Mau 1 & 2 và Vũng Áng 1 sau khi trải qua kế hoạch bảo trì trong năm 2022 và chu kỳ El Nino quay trở lại được kỳ vọng sẽ hỗ trợ triển vọng tích cực của POW trong giai đoạn 2023 - 2024.

Ngoài ra, ACBS dự báo giá bán sẽ tăng bình quân lũy kế 1% trong giai đoạn 2022 – 2030 theo kỳ vọng của Bộ Công Thương trong báo cáo dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất.

Theo ACBS, POW tiếp tục trải qua giai đoạn đầy thách thức với giá nhiên liệu hóa thạch đầu vào ở mức cao cho đến ít nhất là đầu năm 2023. Công ty chứng khoán này kỳ vọng giá dầu và khí đốt sẽ giảm do nhu cầu giảm trước áp lực suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của năng lượng được bán trên GM, mà ACBS kỳ vọng sẽ chiếm một phần nhỏ – khoảng 10 đến 15%. Nhìn chung, ACBS kỳ vọng tình hình áp lực lên giá vốn hàng bán sẽ trở nên tích cực hơn từ năm 2024 do giá dầu giảm.

Chi phí vận hành của POW khá ổn định trong những năm gần đây và có thể duy trì tỷ lệ khoảng 3% doanh thu trong tương lai. POW dự kiến sẽ nhận một số khoản nợ đáng kể từ năm 2023 để tài trợ cho các dự án mới đang được triển khai.

Trong giai đoạn 2023-2024, ACBS kỳ vọng rằng công ty sẽ có thể nhận được các gói vay với lãi suất ưu đãi là khoảng 9%, vì vị thế thực hiện các dự án năng lượng tầm cỡ quốc gia liên quan đến các vấn để an ninh năng lượng. POW đã lưu ý rằng họ không có kế hoạch chia cổ tức trong giai đoạn 2022-2025 để tập trung mọi nguồn lực phát triển hai dự án này.

ACBS cho biết POW có thể đàm phán thành công hợp đồng mua bán điện với EVN trước khi Nhơn Trạch 3 & 4 đi vào vận hành thương mại. Do đó, sản lượng hàng năm đạt khoảng 9 tỷ kWh công suất thiết kế và tình hình tương tự đối với nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.

Nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4 được vận hành thương mại theo kỳ vọng là quý IV/2024 và quý II/2025. ACBS kỳ vọng các nhà máy sẽ đại tu lớn vào năm 2028 do đạt 25.000 EOH. Theo ACBS, bản chất tuần hoàn của hiện chu kỳ thời tiết thay đổi giữa La Nina – El Nino sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng và kết quả kinh doanh chung của POW.

Áp dụng phương pháp kết hợp DCF và chỉ số P/E với tỷ trọng bằng nhau, ACBS đưa ra mức giá mục tiêu là 15.007 đồng/cổ phiếu và đưa ra khuyến nghị mua với tổng mức sinh lời kỳ vọng là 23,5% tương ứng cho tập đoàn niêm yết hàng đầu về lĩnh vực năng lượng điện khí.

ACV: Agriseco khuyến nghị với giá mục tiêu 100.000 đồng/cổ phiếu

Kết thúc 9 tháng năm 2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (HoSE: ACV) ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.725 tỷ đồng (tăng 156% so với cùng kỳ), lợi nhuận ròng đạt 5.164 tỷ đồng (tăng 3.060% so với cùng kỳ).

Tại báo chiến lược năm 2023, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết ACV là cổ phiếu tiềm năng với mức giá mục tiêu đưa ra là 100.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, sản lượng khách nội địa qua cảng ACV đã hồi phục mạnh mẽ. Năm 2022, sản lượng khách nội địa qua Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng hơn 190%, đạt 87 triệu khách, vượt 20% so với trước dịch.

Năm 2023, sản lượng khách du lịch tiếp tục kỳ vọng ở mức cao khi dịch bệnh được kiểm soát toàn diện. Agriseco cho rằng các dự án hạ tầng hàng không trọng điểm như Sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài sẽ là động lưc tăng trưởng trong dài hạn cho ACV.

Sản lượng khách quốc tế qua cảng ACV vẫn trên đà hồi phục trong năm 2022. Theo ACV, luỹ kế sản lượng khách quốc tế qua các cảng trong năm qua ghi nhận mức tăng hơn 2.200%, đạt khoảng 12 triệu khách. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn khoảng 67% so với trước dịch. Mặc dù vậy, sản lượng khách quốc tế vẫn đang có xu hướng tăng qua các tháng, kể từ khi Việt Nam dỡ bỏ hoàn toàn các quy định về nhập cảnh trong đại dịch Covid-19.

Agriseco kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp kích thích nhu cầu di chuyển từ tới Việt Nam. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 1/3 sản lượng khách quốc tế tại Việt Nam trước dịch Covid-19. Mặc dù rủi ro của việc xuất hiện các chủng Covid-19 mới là hiện hữu, tuy nhiên Agriseco cho rằng ảnh hưởng tới hoạt động trong nước sẽ không quá lớn do tỷ lệ bao phủ vaccine trong nước ở mức rất cao và đa phần người dân đã tiêm chủng các mũi vaccine tăng cường.

KBC: Agriseco khuyến nghị với mục tiêu 35.000 đồng/cổ phiếu

Quý III/2022, doanh thu thuần và lãi gộp của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) đều giảm so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 203 tỷ đồng và 97 tỷ đồng, giảm 38% và 39%. Luỹ kế 9 tháng, KBC ghi nhận doanh thu thuần 1.286 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước; lãi gộp đạt 560 tỷ đồng, giảm 68%.

Tại báo cáo chiến lược năm 2023, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết KBC là cổ phiếu tiềm năng trong ngành bất động sản khu công nghiệp với giá mục tiêu 35.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, KBC sở hữu quỹ đất KCN sẵn sàng cho thuê lớn khoảng hơn 1.200ha khắp cả nước với các vị trí thuận lợi cho giao thương nằm gần cao tốc, cảng biển, sân bay. Agriseco cho rằng KBC là một trong những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản KCN kinh nghiệm tại miền Bắc với việc thu hút vốn FDI từ các tập đoàn lớn Samsung, LG, Foxconn.

Agriseco dự báo kết quả kinh doanh 2022 của KBC kém khả quan nhưng sẽ phục hồi trong 2023. Doanh thu năm 2022 dự kiến giảm do hoạt động cho cho thuê KCN giảm. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng nhờ vào việc ghi nhận lợi nhuận 2.000 tỷ đồng từ việc nâng tỷ lệ sở hữu Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng.

Agriseco ước tính doanh thu và lợi nhuận của KBC trong năm 2023 sẽ tăng trở lại nhờ cho thuê được đất KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu mở rộng; KCN Tân Phú Trung và KCN Tràng Duệ 3; bán đất KĐT Tràng Duệ.

Agriseco cho biết KBC có thể trả nợ 2.900 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong nửa đầu năm 2023 nhờ tiến độ cho thuê KCN trong năm 2023 và nhận cổ tức tiền mặt hơn 1.000 tỷ đồng từ công ty con Sài Gòn-Hải Phòng. Tuy nhiên, với việc mua lại cổ phiếu quỹ và trả cổ tức 20% tiền mặt dự kiến gần 4.000 tỷ đồng sẽ gây nhiều thách thức cho dòng tiền của KBC.

Theo Agriseco, nhiều dự án gối đầu có thể tạo động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Các dự án mới được chấp thuận đầu tư ở Long An, Hải Dương, Hưng Yên với tổng diện tích 2.000ha sẽ nối tiếp quỹ đất hiện tại góp phần thúc đẩy tăng trưởng đà tăng của KBC trong dài hạn. KĐT Tràng Cát kỳ vọng nếu bán buôn được 30ha theo giá trị thị trường hiện này sẽ góp phần giúp lợi nhuận của KBC tăng trưởng mạnh trong dài hạn.

Hải Đường

Theo VietnamFinance