Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (29/9): FPT, NKG và BMP
Trong dài hạn, Agriseco đánh giá cao tiềm năng của FPT và kỳ vọng mức sinh lời hàng năm khi nắm giữ đạt trên 20%/năm. FPT hiện đang được giao dịch ở mức P/E dự phóng năm 2022 là 15,4 lần, ngang trung bình giai đoạn 2019 - 2021. Do đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 105.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 năm.
FPT: Agriseco khuyến nghị tăng tỷ trọng với giá mục tiêu 105.000 đồng/cổ phiếu
Luỹ kế 8 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) lần lượt đạt 27.060 tỷ đồng và 4.951 tỷ đồng, tăng 24% và 23,6% so với cùng kỳ.
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), kết quả kinh doanh của FPT tiếp tục duy trì đà tăng bền vững trong khoảng 25 – 30% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ đà tăng từ mảng công nghệ nước ngoài và lợi nhuận cải thiện từ PayTV ở mảng viễn thông.
Doanh thu và LNTT mảng công nghệ lần lượt đạt 15.481 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2.256 tỷ đồng (tăng 25%) nhờ mảng công nghệ thông tin nước ngoài ghi nhận các hợp đồng ký mới tăng mạnh 42%.
Agriseco dự báo mảng công nghệ các tháng cuối năm sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tăng trưởng doanh thu ký mới từ các thị trường quốc tế như Mỹ, APAC và sự phục hồi mạnh của Nhật Bản khi ký kết hợp tác phát triển với các tập đoàn công nghệ lớn của Singapore và Nhật Bản như NCS và SCSK; mảng công nghệ thông tin trong nước dự kiến tăng hơn 20% nhờ các khoản hợp đồng blacklog 5.000 tỷ đồng và mảng chuyển đổi số tăng tốc với đà tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu từ mảng Cloud, AI, Blockchain.
Doanh thu mảng viễn thông tăng 17%, lợi nhuận tăng 21% nhờ cải thiện từ mảng PayTV. Agriseco kỳ vọng doanh thu mảng viễn thông tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ số lượng người đăng ký thuê bao Internet băng thông rộng tăng 15%/năm và FPT duy trì thị phần trong top 3. Bên cạnh đó, tăng trưởng từ mảng Data center và mảng truyền hình sẽ là động lực trong tương lai của FPT. Lợi nhuận trước thuế được cải thiện nhờ mảng Pay TV tăng tốt.
Doanh thu mảng giáo dục, đầu tư của FPT tiếp tục tăng mạnh 68% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ số lượng người học tăng lên. FPT đang tăng quy mô chuỗi giáo dục ở Hà Nam và Huế (cuối quý IV/2022) và hợp tác với các tỉnh FPT đang chuyển đổi số để mở rộng hệ thống giáo dục, kỳ vọng sẽ giúp doanh thu mảng này năm 2022 tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận duy trì ở mức cao trong 8 tháng đầu năm và sự phục hồi của thị trường Nhật Bản và thị trường trong nước ở nhóm Chính phủ, Agriseco đánh giá FPT sẽ hoàn thành vượt kế hoạch năm 2022 ở cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi.
Trong dài hạn Agriseco đánh giá cao tiềm năng của FPT và kỳ vọng mức sinh lời hàng năm khi nắm giữ đạt trên 20%/năm.
FPT hiện đang được giao dịch ở mức P/E dự phóng năm 2022 là 15,4 lần, ngang trung bình giai đoạn 2019 - 2021. Do đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 105.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 năm.
NKG: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 25.200 đồng/cổ phiếu
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đạt doanh thu 14.347 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 708 tỷ đồng (giảm 39%). Kết quả này đã hoàn thành 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá đầu vào cao và tiêu thụ nội địa thấp đã ăn mòn lợi nhuận quý II của NKG. Theo đó, trong quý II, NKG chứng kiến lợi nhuận giảm sâu 76% so với cùng kỳ xuống 201 tỷ đồng, mặc dù doanh thu tăng 2,7% lên 7.196 tỷ đồng.
Nhờ diễn biến xuất khẩu tốt, NKG có thể duy trì giá bán nội địa ổn định trong quý II so với quý I. Giá bán bình quân quý II theo ước tính của VDSC là 27.600 đồng/kg, tăng 8,5% so với cùng kỳ và giảm 0,5% quý liền trước. Biên lãi gộp của NKG giảm từ 13,4% trong quý I/2022 và 18,6% trong quý II/2021 xuống còn 12,4% do giá HRC nguyên liệu cao.
Sản lượng xuất khẩu tăng kết hợp với chi phí vận chuyển tăng cao trong quý II đã khiến chi phí bán hàng tăng 121% so với cùng kỳ lên 540 tỷ đồng. Theo VDSC, chi phí vận chuyển tăng có thể do sự gián đoạn nghiêm trọng trong vận tải ở khu vực Biển Đen trong giai đoạn đầu chiến tranh Nga - Ukraine và giá dầu leo thang trong thời gian này.
Công ty chứng khoán này cho biết duy trì quan điểm thận trọng đối với cả giá và sản lượng của các nhà sản xuất riêng lẻ, bao gồm NKG, do nhu cầu từ nước ngoài vẫn yếu và các nhà sản xuất sẽ phải cạnh tranh ở thị trường trong nước nhằm giảm lượng hàng tồn kho giá cao dự trữ trong quý II.
Nhiều nhà sản xuất tôn mạ đã tăng dự trữ HRC trong giai đoạn đầu chiến tranh Nga-Ukraine (tháng 3 - 4/2022), với kỳ vọng chiến tranh sẽ gây ra tình trạng thiếu thép và nguyên liệu sản xuất thép. Cạnh tranh gây gắt hơn trong một thị trường quy mô nhỏ dường như hạn chế việc tăng giá bán, theo đó thu hẹp khả năng phục hồi của biên lợi nhuận.
Các điều kiện thị trường tích cực được kỳ vọng sẽ vững chắc hơn trong quý IV, do đó giúp giải tỏa áp lực lên lợi nhuận. Riêng NKG, VDSC cho rằng trong nửa cuối năm 2022, xuất khẩu tôn mạ có thể đạt 216 nghìn tấn (giảm 50% so với cùng kỳ) do nhu cầu toàn cầu giảm.
Tiêu thụ tôn mạ và ống thép trong nước lần lượt là 97 nghìn tấn (tăng 17% so với cùng kỳ) và 73 nghìn tấn (tăng 41%) do mức nền cơ sở thấp của đợt phong tỏa tại miền Nam trong quý III/2021.
Chênh lệch giá giữa Việt Nam - Mỹ và Việt Nam - EU thấp hơn và tỷ trọng của các thị trường có biên lợi nhuận cao này trong tổng xuất khẩu thấp hơn so với quý II, dẫn đến thu hẹp biên lợi nhuận gộp.
Tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ đạt 4,3% trong quý III và phục hồi lên 9% trong quý IV, thấp hơn đáng kể so với các mức tương ứng là 17,2% và 12,1% trong quý III và quý IV/2021.
Dự báo doanh thu 2 quý cuối năm 2022 là 9.834 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ) và lỗ 28 tỷ đồng, trong đó quý III lỗ 139 tỷ đồng, quý IV lãi 111 tỷ đồng.
VDSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu NKG là 25.200 đồng/cổ phiếu cho tầm nhìn một năm, phản ánh viễn cảnh lạm phát toàn cầu cao và sự bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong những quý tới.
Công ty chứng khoán này cho rằng quý III là đáy của lợi nhuận năm 2022 nhưng đà tăng trưởng sẽ không quay trở lại trước quý III/2023.
Về dài hạn, động lực tăng trưởng sẽ được củng cố mạnh mẽ từ năm 2024 đến năm 2027 cả về sản lượng và lợi nhuận với việc đầu tư và vận hành nhà máy mới Nam Kim Phú Mỹ. Tại giá thị trường hiện tại, PER dự phóng là 7,5 lần cho năm 2022 và 6 lần cho năm 2023. So với PER trung bình 6,5 lần của hai năm gần đây, VDSC đưa ra khuyến nghị mua.
BMP: VCBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 77.500 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2022 của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) đạt 2.905 tỷ đồng (tăng 11.5% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 273 tỷ đồng (tăng 117%). Doanh thu tăng trưởng chủ yếu đến từ mức giá bán tăng trưởng từ mức trung bình 47 triệu đồng/tấn trong nửa đầu năm 2021 lên 59,5 triệu đồng/tấn trong nửa đầu năm 2022 do BMP đã điều chỉnh tăng giá bán theo chi phí PVC đầu vào tăng cao.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lợi nhuận ròng 6 tháng đầu 2022 của BMP rất tích cực, trong đó biên lợi nhuận ròng tăng từ mức 4,8% (nửa đầu năm 2021) lên 9,4% trong nửa đầu năm 2022.
Nguyên nhân đến từ giá bán điều chỉnh tăng mạnh trong bối cảnh giá đầu vào tăng cao giúp mở rộng biên lợi nhuận; BMP tích trữ được nguyên vật liệu với giá thấp và tăng trưởng mạnh từ nền thấp của 2021 do thị trường tập trung của BMP tại phía Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19.
Sản lượng tiêu thụ của BMP trong 6 tháng đầu 2022 đạt 49.000 tấn (giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái). Nguyên nhân đến từ sự hụt hơi của thị trường bất động sản trong nước với các vướng mắc về vấn đề trái phiếu cũng như giá nguyên vật liệu cao làm trì trệ các dự án xây dựng tại khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, VCBS cho biết việc BMP duy trì mức chiết khấu kém hấp dẫn hơn đối thủ cũng khó để doanh nghiệp thúc đẩy sản lượng.
Chi phí đầu vào giảm mạnh và tiếp tục duy trì mức thấp giúp mở rộng biên lợi nhuận. Giá nguyên vật liệu đầu vào PVC sau khi có mức tăng từ 900 USD/tấn lên 2.000 USD/tấn vào tháng 11/2021 đã sụt giảm mạnh về mức 950 USD/tấn hiện nay.
BMP sau khi tăng giá bán lên 59 triệu đồng/tấn trong nửa đầu 2022 chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán trong nửa cuối 2022 sẽ là động lực tiếp tục mở rộng biên lợi nhuận, đặc biệt trên mức nền thấp của nửa cuối 2021 do Covid-19.
Trong nửa cuối 2022 và 2023, VCBS dự báo sản lượng tiêu thụ phía Nam sẽ chỉ hồi phục từ nền thấp của năm 2022 chứ không đạt mức tăng trưởng mạnh so với trước dịch do nguồn cung mới khá hạn chế.
Tuy nhiên trong dài hạn, VCBS kỳ vọng việc hồi phục nguồn cung từ các dự án bất động sản sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận chính cho BMP. Bên cạnh đó, BMP cũng đang thực thi mạnh mẽ kế hoạch gia tăng thị phần của mình tại các thị trường miền Bắc và miền Trung bằng các chính sách khuyến mãi hấp dẫn.
Biên lợi nhuận nửa cuối 2022 sẽ tiếp tục mở rộng khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào có mức giảm mạnh trong nửa đầu 2022 và giá bán neo cao, tuy nhiên các nhà sản xuất sẽ gia tăng mức chiết khấu để cạnh tranh nhờ giá đầu vào thấp, theo VCBS.
Biên lợi nhuận trong năm 2023 duy trì mức cao nhờ chi phí đầu vào thấp. - Sản lượng tiêu thụ năm 2023 tăng trưởng trở lại nhờ sản lượng hồi phục từ mức thấp giúp duy trì biên lợi nhuận gộp.
VCBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BMP, giá mục tiêu 77.500 đồng/cổ phiếu.