Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (7/2): BMP, DHC và VEA
KBSV cho rằng BMP sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022 ở mức cao trong khoảng 7.000 – 8.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng lợi suất cổ tức ở mức hơn 10%.
BMP: KBSV khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 68.500 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) ghi nhận kết quả kinh doanh quý IV/2022 với lợi nhuận đạt 248,4 tỷ đồng (tăng 42% so với quý trước) và doanh thu đạt 1.415 tỷ đồng (giảm 6% so với quý trước).
Lợi nhuận tích cực nhờ giá nhựa đầu vào giảm mạnh trong khi giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao. Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận của BMP đạt 696 tỷ đồng (tăng 225% so với cùng kỳ), doanh thu đạt 5.808 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ) và sản lượng đạt 97,7 nghìn tấn (tăng 5,5% so với cùng kỳ).
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng giá PVC đã hồi phục về quanh mức trung bình giai đoạn 2018-2020 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức nền cao 2021/2022.
Năm 2023, KBSV duy trì dự báo giá PVC hồi phục lên mức trung bình 1.050 USD/tấn, do kỳ vọng nhu cầu PVC cải thiện từ thị trường Trung Quốc. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức giá trung bình trong lịch sử và đảm bảo biên lợi nhuận vẫn ở mức tốt khi giá bán đầu ra đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước.
Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022, dòng tiền mạnh, BMP hiện chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản lớn, KBSV cho rằng BMP tiếp tục duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022 ở mức cao trong khoảng 7.000 – 8.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng lợi suất cổ tức ở mức hơn 10%.
Năm 2023, trên quan điểm thận trọng, KBSV dự phóng lợi nhuận đạt 528,4 tỷ đồng (giảm 24,2% so với cùng kỳ) và doanh thu 5.391 tỷ đồng (giảm 7%) với giả định giá bán giảm 7,8% xuống mức trung bình khoảng 54,8 triệu đồng/tấn bởi áp lực từ nhu cầu giảm, giá nguyên liệu xuống mức trung bình 7 năm và cạnh tranh cao hơn, sản lượng tiêu thụ đi ngang mức 98 triệu tấn.
Tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức 24,7% với dự báo giá nguyên vật liệu biến động quanh mức trung bình 7 năm và giá bán giảm. Bên cạnh đó, chiết khấu thanh toán tiếp tục được dự phóng ở mức cao theo doanh thu để duy trì thị phần.
KBSV khuyến nghị nắm giữ đối với BMP, giá mục tiêu là 68.500 đồng/cổ phiếu. Mức giá mục tiêu được tính toán dựa trên hai phương pháp DCF và phương pháp chiết khấu cổ tức DDM với tỷ lệ tương ứng 50/50.
DHC: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 55.279 đồng/cổ phiếu
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (HoSE: DHC) quý IV/2022 giảm 11,2% so với cùng kỳ xuống còn 82 tỷ đồng, do doanh thu giảm 15,4% so với cùng kỳ xuống 946 tỷ đồng. DHC cho biết doanh số bán hàng ổn định nhưng giá bán bình quân lại giảm.
Ngoài ra, thuế suất hiệu dụng trong quý IV/2022 đạt 13%, tăng từ mức 6% trong quý IV/2022 do ưu đãi miễn thuế 0% của nhà máy giấy Giao Long 2 hết hạn và chuyển sang giảm 50%.
Biên lợi nhuận gộp trong quý IV/2022 tăng thêm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 12,6%. Do đó, doanh thu năm 2022 giảm 5,3% so với cùng kỳ xuống còn 3.942 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp năm 2022 giảm 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 15,4%. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 vì vậy giảm 21,4% so với cùng kỳ xuống 378 tỷ đồng.
Nợ ròng tại thời điểm cuối năm 2022 tăng 35,7% so với cùng kỳ lên 310 tỷ đồng. Như vậy, nợ ròng/vốn chủ sở hữu đạt 18%, tăng từ mức 13% vào cuối năm 2021. Chi phí lãi vay tăng tăng 20,2% so với cùng kỳ lên 19,9 tỷ đồng.
DHC đã hoàn thành 100% dự báo doanh thu năm 2022 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhưng chỉ đạt 74% dự báo lợi nhuận sau thuế cả năm. Điều này là do giá bán bình quân không tăng lên trong quý IV/2022, trái ngược với kỳ vọng của Yuanta.
Cổ phiếu DHC hiện đang giao dịch tương ứng với mức P/E là 6,8 lần, trong khi tỷ suất cổ tức vẫn hấp dẫn ở mức 8,1%, dựa trên cổ tức tiền mặt là 3.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2022. Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 55.279 đồng/cổ phiếu.
VEA: BVSC khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 45.500 đồng/cổ phiếu
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (HoSE: VEA) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 mạnh mẽ với lợi nhuận ròng tăng mạnh 33,8% so với cùng kỳ lên 2.512 tỷ đồng – mức kỷ lục theo quý mới, vượt 10% so với dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của VEA lần lượt đạt 4.748 tỷ đồng (tăng 18,1% so với cùng kỳ) và 7.602 tỷ đồng (tăng 32,2% so với cùng kỳ), vượt 3% so với dự báo tương ứng năm 2022 của BVSC.
Lợi nhuận từ liên doanh của VEA trong quý IV/2022 tăng mạnh 38,6% so với cùng kỳ, đạt 2.369 tỷ đồng. Kết quả khởi sắc này được củng cố bởi việc tiêu thụ ô tô đạt dự báo; và tiêu thụ xe máy vượt dự báo.
Về sản lượng ô tô, tổng doanh số từ 3 liên doanh của VEA (Toyota, Honda và Ford) trong quý IV/2022 khá sát với dự báo của BVSC. Trong số các nhà sản xuất ô tô, Ford vượt trội hơn hẳn nhờ ra mắt Ford Ranger thế hệ mới, trong khi Toyota và Honda ghi nhận giảm tốc, sản lượng thấp hơn kỳ vọng của BVSC.
Về sản lượng xe máy, doanh số xe máy của Honda trong quý IV tăng 14,6% so với cùng kỳ lên 715.118 chiếc nhờ nguồn cung bình thường hóa, cho phép cơ cấu bán hàng cải thiện và đáp ứng nhu cầu khách hàng, đặc biệt vào mùa cao điểm.
Mặc dù kết quả kinh doanh quý IV/2022 vượt kỳ vọng, BVSC duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 cho VEA ở mức 7.513 tỷ đồng (giảm 1,2% so với cùng kỳ) do duy trì quan điểm thận trọng đối với nhu cầu ngắn hạn với hàng hóa không thiết yếu.
Ở mức giá hiện tại, VEA đang giao dịch tại P/E 7,2 lần so với trung bình 5 năm là 9,4 lần. Kể từ cập nhật gần nhất vào tháng 11/2022 của BVSC, giá cổ phiếu VEA đã tăng 13,8%, do đó upside so với giá hiện tại khá khiêm tốn là 12,3%.
BVSC hạ khuyến nghị từ khả quan xuống trung lập, trong khi duy trì giá mục tiêu là 45.500 đồng/cổ phiếu. BVSC ưa thích với VEA với định giá hợp lý, bảng cân đối kế toán mạnh và suất cổ tức hấp dẫn. Ở mức giá hiện tại, suất cổ tức giai đoạn 2023-2024 của VEA là rất hấp dẫn ở mức lần lượt là 10-14%