Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/2): MBB, ACV và BMP
Yuanta kỳ vọng thu nhập lãi ròng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của MBB năm 2023, khi NHNN cấp hạn mức tín dụng cho MBB cao hơn mức trung bình ngành.
MBB: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 25.480 đồng/cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) vừa công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) quý IV/2022 đạt 3,4 nghìn tỷ đồng (giảm 30% so với quý trước/giảm 3% so với cùng kỳ), phần lớn là do dự phòng tăng. PATMI năm 2022 đạt 17,5 nghìn tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ) do thu nhập lãi ròng tăng mạnh.
Tín dụng tăng trưởng tăng 27% so với cùng kỳ trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành là tăng 14,5% so với cùng kỳ. Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng cao hơn cho MBB khi MBB tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Thu nhập lãi thuần quý IV/2022 đạt 9,6 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với quý trước/tăng 34% so với cùng kỳ). Thu nhập lãi thuần cả năm 2022 là 36 nghìn tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ).
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tỷ lệ NIM trên tổng tài sản bình quân năm 2022 của MBB là 5,39% (tăng 64 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Thu nhập phí ròng quý IV/2022 là 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với quý trước/giảm 9% so với cùng kỳ). Thu nhập phí ròng cả năm 2022 là 4,1 nghìn tỷ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ).
Trong quý IV/2022, ngân hàng ghi nhận lãi 363 tỷ đồng từ việc kinh doanh ngoại hối (giảm 10% so với quý trước /giảm 13% so với cùng kỳ) và lãi 78 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh/đầu tư chứng khoán (giảm 54% so với quý trước /giảm 67% so với cùng kỳ).
Thu nhập khác (phần lớn là thu từ xử lý nợ xấu) đạt 451 tỷ đồng (giảm 23% so với quý trước/giảm 50% so với cùng kỳ). Chi phí hoạt động đạt 3,6 nghìn tỷ đồng (giảm 3% so với quý trước nhưng tăng 5% so với cùng kỳ) trong quý IV/2022.
Tổng chi phí hoạt động của cả năm 2022 là 14,8 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ). Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) điều chỉnh là 34% (giảm 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ), theo tính toán của Yuanta.
Dự phòng quý IV/2022 tăng lên mức 3,6 nghìn tỷ đồng (tăng 273% so với quý trước/tăng 78% so với cùng kỳ), dự phòng tăng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm trong quý IV/2022.
Trong năm 2022, khoản trích lập dự phòng của MBB là 8 nghìn tỷ đồng (đi ngang so với cùng kỳ). Yuanta ước tính tỷ lệ tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) là 238% (tăng 30 điểm phần trăm so với quý trước/giảm 30 điểm phần trăm so với cùng kỳ) trong quý IV/2022. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) quý IV/2022 của MBB là 1,09% (tăng 6 điểm cơ bản so với quý trước/tăng 19 điểm cơ bản so với cùng kỳ).
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp giảm giảm 4% so với quý trước, chiếm 6,4% tổng tài sản trong quý IV/2022, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước so với mức 7,5% tổng tài sản trong quý III/2022. Tỷ lệ CASA giảm còn 40,6% tại thời điểm cuối quý IV/2022 (giảm 2 điểm phần trăm so với quý trước/giảm 8 điểm phần trăm so với cùng kỳ).
Yuanta kỳ vọng thu nhập lãi ròng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của MBB năm 2023, khi NHNN cấp hạn mức tín dụng cho MBB cao hơn mức trung bình ngành. Chất lượng tài sản quý IV/2022 vẫn duy trì vững chắc với tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp và tỷ lệ LLR cao, nhưng tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của MBB vẫn khá cao.
Tỷ lệ CASA giảm nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất ngành. Chi phí vốn thấp là một lợi thế lớn của MBB trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo Yuanta, MBB có chất lượng hoạt động vượt trội nhưng đang giao dịch tương ứng với P/B dự phóng năm 2023 chỉ ở mức 0,9 lần, thấp hơn so với trung vị ngành là 1 lần. Vì vậy, công ty chứng khoán này vẫn duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MBB.
ACV: VDSC khuyến nghị tích cực với giá mục tiêu 96.600 đồng/cổ phiếu
Tổng sản lượng hành khách đạt 24,8 triệu trong quý IV/2022 (quốc tế: 5,4 triệu, nội địa: 19,4 triệu), giảm 18% so với quý III/2022 chủ yếu do thị trường nội địa đã qua mùa cao điểm (giảm 25% so với cùng kỳ).
Mặt khác, sản lượng khách quốc tế đang trên đà phục hồi, với mức tăng 31% so với quý trước. Do khách hàng quốc tế đóng góp cao hơn trong cơ cấu sản lượng, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính rằng phí trung bình của dịch vụ hàng không tăng hơn 30% so với quý trước, qua đó bù đắp cho sự sụt giảm về tổng khối lượng và dẫn đến sự ổn định của doanh thu.
Trong quý IV/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (HoSE: ACV) ghi nhận khoản chi phí dự phòng nợ xấu từ các khách hàng là 663 tỷ đồng, đây là con số cao đáng kể, thậm chí cao gần gấp đôi con số của quý IV/2021. Trên thực tế, tất cả các hãng hàng không nội địa đều đang trả chậm cho ACV, nguyên nhân là do khó khăn về tài chính, có thể bắt nguồn từ chi phí nhiên liệu cao, bất chấp bối cảnh ngành đã phục hồi mạnh mẽ về mặt lượng hành khách.
Trong đó, Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN) dường như là khách hàng thanh toán tích cực nhất và không có khoản nào bị trả chậm sau 6 tháng (dẫn đến không có dự phòng cho khoản phải thu của HVN), trong khi dự phòng cho các khoản nợ xấu từ VJC, Bamboo Airways và Pacific Airlines tiếp tục tăng lên trong cả năm 2022.
Ngoài ra, dự phòng nợ xấu của các khách hàng khác cũng tăng mạnh lên hơn 100 tỷ đồng trong quý IV. Điều này dẫn đến chi phí bán hàng và quản lý tăng đột ngột và, dẫn đến, EBIT giảm 56% so với quý trước xuống còn 901 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm 31% so với quý trước trong quý IV/2022, chủ yếu dựa vào thu nhập lãi (428 tỷ đồng) do lãi tỷ giá không còn là nguồn thu nhập tài chính chính khi đồng Yên mạnh lên trong quý này. Do chi phí dự phòng tăng đột biến và lợi nhuận tài chính giảm đáng kể, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 46% so với quý trước xuống còn 1.283 tỷ đồng trong quý IV/2022 mặc dù lượng khách quốc tế tăng nhanh.
VDSC tin rằng thị trường quốc tế, đang trên quỹ đạo phục hồi lành mạnh kể từ quý II/2022, sẽ tiếp tục tăng trong năm tới. Cho đến hiện tại, Hàn Quốc là nhóm khách du lịch quốc tế lớn nhất của Việt Nam, tiếp theo là Mỹ và Thái Lan.
Với việc nới lỏng quy định nhập cảnh của Trung Quốc (miễn cách ly) từ ngày 8/1/2023 và nhiều khả năng là các nới lỏng khác trong tương lai, thị trường du lịch Trung Quốc (tới và từ Việt Nam) sẽ có sự cải thiện nhanh chóng vào năm 2023.
Trung Quốc từng là thị trường quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, với 5,8 triệu lượt năm 2019. Ngược lại, khách du lịch Việt Nam sang Trung Quốc cũng đứng đầu thị trường du lịch outbound với 4,5 triệu lượt. Hiện tại, VDSC không kỳ vọng sẽ có những con gió ngược lớn nào đối với thị trường hàng không quốc tế trong năm tới.
Về rủi ro giảm giá, VDSC lo ngại rằng đồng Yên mạnh hơn dự kiến và tiền gửi có kỳ hạn thấp hơn dự kiến sẽ làm giảm thu nhập tài chính, vốn đóng góp 47% vào lợi nhuận trước thuế năm 2022.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Nhật Bản đã tăng lên 4% vào tháng 12/2022, mức cao nhất kể từ tháng 1/1991, do giá nhập khẩu các loại nguyên vật liệu cơ bản tăng trong bối cảnh đồng Yên suy yếu. Theo đó, những thay đổi trong chính sách tiền tệ của BoJ nhằm hỗ trợ đồng Yên và kiềm chế lạm phát có thể dẫn đến rủi ro lỗ tỷ giá cho ACV trong năm 2023.
Ngoài ra, trong năm 2023, ACV sẽ tiến hành xây dựng Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất (đã khởi công ngày 24/12/2022) với tổng vốn đầu tư gần 11 nghìn tỷ đồng và Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng vốn đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng. Số tiền phải giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản là rất lớn, khiến tiền gửi kỳ hạn giảm nhanh hơn hơn kỳ vọng, kéo theo mức giảm tương ứng của thu nhập từ lãi tiền gửi.
VDSC duy trì quan điểm tích cực về ACV trong năm 2023, nhờ lượng khách hàng không quốc tế duy trì đà tăng sau khi Trung Quốc nới lỏng các điều kiện nhập cảnh, khả năng hoàn nhập một phần dự phòng các khoản phải thu, trong khi rủi ro giảm giá là thu nhập tài chính thấp hơn dự kiến do đồng Yên mạnh lên và tiền gửi có kỳ hạn giảm (do nhu cầu CAPEX lớn cho các dự án trọng điểm như Sân bay Quốc tế Long Thành và Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất).
Giá thị mục tiêu hiện tại cho cổ phiếu ACV là 96.600 đồng/cổ phiếu (mức sinh lời dự kiến 13%).
BMP: BVSC khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 61.100 đồng/cổ phiếu
BMP công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 khởi sắc. Lợi nhuận ròng tăng kỷ lục, đạt 260,8 tỷ đồng (tăng 41,9% so với quý trước; tăng 117,1% so với cùng kỳ), với doanh thu thuần đạt 1.407,9 tỷ (giảm 5,9% so với quý trước; đi ngang so với cùng kỳ). Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của BMP đạt 5.808,3 tỷ (tăng 27,6% so với cùng kỳ) và 696,3 tỷ (tăng 224,9% so với cùng kỳ).
Doanh thu thuần quý IV của BMP đi ngang so với cùng kỳ đạt 1.407,9 tỷ, chủ yếu nhờ giá bán bình quân (ASP) tăng lên mức 59,4 triệu/tấn (tăng 8,6% so với cùng kỳ; giảm 0,9% so với quý trước).
Dù là mùa cao điểm, sản lượng quý IV có dấu hiệu suy yếu, giảm còn 23.960 tấn (giảm 5% so với quý trước; giảm 8,6% so với cùng kỳ). Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng việc thị trường bất động sản trầm lắng; lãi suất gia tăng; và chính sách giá bán của BMP không thay đổi trong bối cảnh giá PVC điều chỉnh mạnh, là những lý do khiến sản lượng tiêu thụ trong quý IV/2022 sụt giảm.
Dù việc duy trì giá bán không đổi có thể tạo áp lực lên thị phần của BMP, nhưng giúp BMP ở vị thế thuận lợi hơn, tránh bị tác động so với các đối thủ đặc biệt là khi giá PVC có khả năng tăng trở lại với việc Trung Quốc hoàn toàn mở cửa sẽ giúp cải thiện vấn đề dư cung PVC, theo quan điểm của BVSC.
Biên lợi nhuận hoạt động của BMP trong quý IV/2022 mở rộng lên mức kỷ lục 23,5% (tăng 6,8 điểm phần trăm so với quý trước; tăng 11,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ), nhờ biên lợi nhuận gộp tăng lên 33,7% (tăng 5,5 điểm phần trăm so với quý trước; tăng 13,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ) nhờ giá đầu vào rẻ (giá PVC điều chỉnh mạnh xuống 800-850USD/ tấn trong quý IV) trong khi giá bán duy trì không đổi và chi phí hoạt động/doanh thu thuần ổn định ở mức 10,2%
Trong quý IV/2022, lỗ tài chính ròng của BMP đã thu hẹp đáng kể 23,2% so với cùng kỳ xuống mức 20,7 tỷ (giảm 26,1% so với quý trước), hỗ trợ bởi chi phí tài chính giảm (chiết khấu thanh toán) nhờ sản lượng tiêu thụ giảm; và thu nhập lãi tăng, hưởng lợi từ vị thế tiền mặt gia tăng và lãi suất tăng.
Bảng cân đối kế toán của BMP cuối quý IV/2022 duy trì mạnh mẽ. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt 1.323 tỷ (43,5% tổng tài sản). BMP duy trì không vay nợ dài hạn, trong khi nợ ngắn hạn ở mức thấp 55,2 tỷ (giảm 3,6% so với cùng kỳ). Theo đó, vị thế tiền mặt ròng dồi dào ở mức 1.268,4 tỷ, tương đương 15.494 đồng/cổ phiếu. Đòn bẩy không đáng kể với D/E ở mức 0,02 lần. Dòng tiền hoạt động mạnh mẽ ở mức 888,5 tỷ.
Theo kiểm tra mới nhất của BVSC trên Bloomberg, giá hạt nhựa PVC đã có dấu hiệu gia tăng, hồi phục từ mức thấp 780 USD/tấn hồi đầu tháng 12/2022 lên 900 USD/tấn gần đây, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Theo quan điểm của BVSC, triển vọng tiêu thụ cải thiện có thể xoa dịu vấn đề dư cung và tiếp tục giúp giá PVC phục hồi. Tác động ròng lên các nhà sản xuất ống nhựa sẽ khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược giá và chiết khấu của từng nhà sản suất. Tác động sẽ được phản ánh rõ hơn sau quý I/2023, sau khi hàng tồn kho giá rẻ được sử dụng hết.
Hiện tại, BVSC duy trì quan điểm rằng BMP đang ở vị thế tốt, ít chịu tác động bởi việc tăng giá PVC, với chi phí trong ngắn hạn là một ít thị phần.
Theo BVSC, nhờ vào kết quả kinh doanh năm 2022 ấn tượng và việc cổ đông lớn nhất mua vào gần đây, giá cổ phiếu BMP đã tăng vượt trội (tăng 7,7%) so với mức giảm 26,4% của VN-Index trong vòng 1 năm qua.
Do triển vọng ngắn hạn sẽ khó khăn hơn từ cả hai phía đầu vào và đầu ra, BVSC duy trì khuyến nghị trung lập. Ở mức giá hiện tại, BMP đang giao dịch ở mức P/E 2023 là 10,9 lần, và suất cổ tức ở mức 10,4%.