Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (7/4): QNS, DBD và DGC
Theo QNS, mức tiêu thụ sữa đậu nành và tỷ suất lợi nhuận gộp của sữa đậu nành ước tính sẽ đi ngang trong năm 2023 so với năm 2022 do mức tiêu thụ yếu. Đối với mảng đường, sản lượng đường tinh luyện (RS) dự kiến sẽ đạt 160.000 tấn (tăng 23% so với cùng kỳ) trong năm 2023, do QNS sẽ được hưởng lợi từ sản lượng mía cao hơn trong mùa vụ 2022/2023.
QNS: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 46.600 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần trong 2 tháng đầu năm 2023 của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 210 tỷ đồng (tăng 90% so với cùng kỳ).
Mảng đường là động lực tăng trưởng chính đối với doanh thu và lợi nhuận trước thuế, với sản lượng tiêu thụ ở mức cao là 22 nghìn tấn (tăng 140% so với cùng kỳ). Mảng đường ghi nhận doanh thu thuần đạt 400 tỷ đồng (tăng 142% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 85 tỷ đồng (tăng gấp ba so với cùng kỳ).
Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế mảng sữa đậu nành lần lượt đạt 535 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ) và 65 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ). Tăng trưởng của mảng sữa đậu nành là nhờ giá bán bình quân tăng 5% so với cùng kỳ. Mức tiêu thụ sữa đậu nành đạt 32 triệu lít (tăng 1% so với cùng kỳ).
Doanh thu mảng F&B đạt 412 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 60 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ). Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ đường trong nửa đầu năm quá khứ 2022 ở mức thấp do ban lãnh đạo chủ động giữ lượng đường tồn kho để tiêu thụ trong nửa cuối năm 2022 với kỳ vọng giá bán cao hơn (thuế AD-AS có hiệu lực từ tháng 8/2022).
Ngoài ra, QNS thường ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí bán hàng cao hơn trong quý I/2023. Do đó, SSI kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2023 sẽ thấp hơn so với 2 tháng đầu năm 2023.
Công ty Chứng khoán SSI duy trì ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt là 9 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) và 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) do sản lượng đường tiêu thụ tăng trong 2T2023 vẫn phù hợp với ước tính của SSI.
Theo QNS, mức tiêu thụ sữa đậu nành và tỷ suất lợi nhuận gộp của sữa đậu nành ước tính sẽ đi ngang trong năm 2023 so với năm 2022 do mức tiêu thụ yếu. Đối với mảng đường, sản lượng đường tinh luyện (RS) dự kiến sẽ đạt 160.000 tấn (tăng 23% so với cùng kỳ) trong năm 2023, do QNS sẽ được hưởng lợi từ sản lượng mía cao hơn trong mùa vụ 2022/2023.
SSI giả định sản lượng RE sẽ đi ngang ở mức 20.000 tấn cho năm 2023. QNS hiện giao dịch với P/E dự phóng năm 2023 là 9,2 lần, nằm ở khoảng giữa dải P/E lịch sử 4 năm. SSI áp dụng mức P/E mục tiêu là 12 lần cho mảng sữa đậu nành (từ 11 lần) và 7 lần cho các mảng khác (từ 6 lần).
SSI đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm mới cho cổ phiếu QNS là 46.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 11% (ROI là 18%). SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu QNS.
DBD: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 52.600 đồng/cổ phiếu
Lũy kế hai tháng đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (HoSE: DBD) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 238 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và 42 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ) tương ứng hoàn thành 13% và 12% dự phóng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).
Trong đó, doanh thu kênh ETC và OTC lần lượt đạt 140 tỷ đồng và 90 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 15% và 14% dự phóng của VDSC.
Theo VDSC, kênh ETC của DBD tiếp tục được hưởng lợi nhờ chính sách ưu tiên sử dụng thuốc nội của Bộ Y Tế.
Đối với kênh OTC, đến hết tháng 2/2023, số lượng khách hàng nhà thuốc đã đạt 21.200, tăng 1.200 khách hàng so với thời điểm cuối năm 2022. Doanh thu trung bình mỗi khách hàng nhà thuốc của DBD ước tính giảm 12% so với năm 2022 do các khách hàng mới chưa có nhiều đóng góp.
Kế hoạch cho năm 2023, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DBD lần lượt là 1.800 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 11% và 0% so với thực hiện năm 2022.
Sau khi hoàn thành nhà máy sản xuất thuốc ung thư Nhơn Hội, DBD tiếp tục đầu tư thêm hai nhà máy mới là thuốc vô trùng và OSD – Non – Betalactam với tổng mức đầu tư dự kiến lần lượt là 840 tỷ đồng và 822 tỷ đồng. Nguồn vốn chuẩn bị cho dự án xây dựng hai nhà máy từ vốn huy động từ đợt phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược và vốn vay.
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc trên kênh ETC kéo dài xuyên suốt trong thời gian dài bởi những bê bối trong công tác đấu thầu của ngành y tế, ngay trong quý I/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-BYT và Luật khám, chữa bệnh 15/2023/QH15 để tháo gỡ, tạo điều kiện phát triển trong dài hạn đối với kênh bệnh viện.
Hưởng lợi nhờ chính sách của Chính phủ, DBD có thể cải thiện được giá đấu thầu và sản lượng thuốc trên kênh ETC. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị trúng thầu thuốc của DBD đạt 133 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ, đang cho thấy những tín hiệu tích cực của kênh ETC trong tương lai.
Sự trở lại của kênh ETC sẽ đe dọa tới thị phần của kênh OTC, điều này tác động tới doanh thu trung bình mỗi khách hàng nhà thuốc có thể tiếp tục tăng trưởng âm trong năm 2023. Cùng với đó tốc độ gia tăng số lượng nhà thuốc dã có xu hướng chậm lại từ năm 2022 làm doanh thu trên kênh OTC giảm tốc trong năm 2023.
VDSC điều chỉnh nâng dự phóng cho năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.725 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và 292 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ), trong đó doanh thu kênh ETC và OTC lần lượt là 947 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và 649 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ), EPS cho năm 2023 là 3.894 đồng (tăng 20% so với cùng kỳ).
VDSC duy tri khuyến nghị mua cho cổ phiếu DBD với giá mục tiêu là 52.600 đồng/cổ phiếu, tương đương với định giá P/E dự phóng là 13,5 lần.
DGC: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 62.200 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC) trong quý IV tiếp tục giảm so với quý liền trước, đạt lần lượt 3.111 tỷ đồng (giảm 9,98% so với cùng kỳ) và 1.200 tỷ đồng (giảm 17,86% so với cùng kỳ). Nguyên nhân là do giá phốt pho vàng vẫn đang trong xu hướng giảm kể từ quý III/2021 trong khi giá phân DAP và axit phosphoric đã lần lượt tạo đỉnh vào quý II và quý III/2022.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ vừa qua, DGC công bố kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 10.875 tỷ đồng, giảm 24,7%. Trong bối cảnh giá đầu ra kém khả quan do nhu cầu suy yếu và chi phí đầu vào tăng cao, lợi nhuận sau thuế kế hoạch của công ty được dự báo ở mức 3.000 tỷ đồng, tương đương với việc biên lãi thuần giảm mạnh về mức 27,58% trong năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ dần hồi phục kể từ quý II và doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu axit phosphoric nhiệt mạnh (TPA) nhờ nhu cầu của mặt hàng này tăng cao và giúp bù đắp cho nhu cầu phốt pho vàng suy yếu.
Lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của DGC dự kiến đạt 700 tỷ đồng (giảm 50% so với cùng kỳ), phù hợp với định hướng của ban lãnh đạo. Lợi nhuận sau thuế kể từ quý II dự kiến sẽ dần hồi phục nhờ việc tiêu thụ hết hàng tồn kho đầu vào chi phí cao (vòng quay hàng tồn kho khoảng 2 tháng) và việc khai thác quặng apatit từ khai trường 19b sẽ giúp hạ chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, DGC dự kiến chia cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 30%, tương đương mức cổ tức 2022.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự phóng doanh thu thuần của DGC trong năm 2023 đạt 10.448 tỷ đồng, giảm 27,66% so với cùng kỳ sau khi cân nhắc các yếu tố rủi ro tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn đang chậm lại và giá các mặt hàng nông sản tiếp tục xu hướng giảm, khiến cho việc tiêu thụ các nguyên vật liệu đầu vào của chất bán dẫn và vật tư nông nghiệp suy yếu.
Trong khi đó, KBSV dự báo doanh thu tài chính tăng 33,2% lên mức 710 tỷ đồng nhằm phản ánh khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng có giá trị gần 7.500 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng nhẹ lên mức 156,72 tỷ đồng, do công ty không có nợ vay dài hạn và giá trị các khoản nợ vay ngắn hạn tương đối thấp, xấp xỉ 470 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế cuối năm 2023 của DGC được KBSV dự báo ở mức 3.470 tỷ đồng, giảm 42.51% so với cùng kỳ nhưng cao hơn 15,6% so với kế hoạch đề ra
Mức giá mục tiêu cho năm 2023 được KBSV xác định dựa theo 2 phương pháp định giá FCFE và EV/EBITDA, là 62.200 đồng/cổ phiếu. Dựa vào triển vọng các dự án doanh nghiệp đang triển khai cũng như các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV tiếp tục duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGC.