Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 8/12: BCM, CTR và PC1
(VNF) - SSI đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu của CTR với giá mục tiêu 12 tháng theo pp DCF là 102.400 đồng (tương đương tiềm năng tăng giá là 15,4%).
BCM: SSI khuyến nghị khả quan
Lũy kế 9 tháng năm 2023, LNST của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (HoSE: BCM) giảm mạnh. BCM công bố doanh thu và LNST lần lượt đạt 3.012 tỷ đồng (giảm 46,5% so với cùng kỳ) và 264 tỷ đồng (giảm 84,1% so với cùng kỳ), lần lượt hoàn thành 31,8% và 14% kế hoạch năm 2023 của công ty. Lợi nhuận của BCM giảm mạnh do: nhu cầu thuê đất giảm; KCN Cây Trường lùi hoạt động cho thuê đất từ quý III/2023 sang năm 2024 và lợi nhuận từ công ty liên doanh giảm 97% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng tăng mạnh trong quý IV/2023. Công ty chứng khoán SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 lần lượt đạt 7.601 tỷ đồng (gấp 7,5 lần so với cùng kỳ) và 2.386 tỷ đồng (gấp 344 lần so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ việc ghi nhận doanh thu bán 18,9 ha đất tại dự án Thành phố mới Bình Dương cho Capitaland, với doanh thu đạt 5,05 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt 2.102 tỷ đồng.
Luận điểm đầu tư, SSI cho hay BCM là nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu với tổng diện tích đất sẵn sàng cho thuê đạt 659 ha cùng với diện tích đất thương mại còn lại là 141 ha tại Thành phố mới Bình Dương (100% thuộc sở hữu của Becamex). Ngoài ra, liên doanh VSIP được dự báo sẽ mang lại cổ tức ổn định hàng năm. SSI sử dụng phương pháp SOTP đưa ra mức giá mục tiêu là 84.700 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 28,3%) sau khi điều chỉnh cổ tức 800 đồng/cổ phiếu đã được trả vào ngày 28/11/2023 và khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu BCM.
CTR: SSI khuyến nghị khả quan
Theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, Chính phủ có kế hoạch phát triển khoảng 2.600 MW công suất điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu vào năm 2030 (đối với hộ gia đình và người tiêu dùng doanh nghiệp). Theo đó, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế hỗ trợ nguồn điện này. Nếu cơ chế này được thông qua, mảng giải pháp tích hợp (giải pháp năng lượng mặt trời) của Tổng công ty Cổ phần công trình Viettel (HoSE: CTR) sẽ được hưởng lợi (mảng này đóng góp 9%-12% lợi nhuận gộp của CTR).
Khi các hợp đồng xây dựng lớn được ký kết trong năm 2022 bắt đầu ghi nhận doanh thu, SSI cho rằng mảng xây dựng sẽ là động lực tăng trưởng chính so với cùng kỳ trong năm 2023 (theo SSI ước tính mức tăng trưởng doanh thu mảng này là 45% so với cùng kỳ và đóng góp 31%).
SSI kỳ vọng mức tăng trưởng NPATMI thấp hơn so với cùng kỳ cho năm 2024 (tăng 13,4% so với cùng kỳ so với 17,2% so với cùng kỳ trong năm 2023) do động lực tăng trưởng so với cùng kỳ có thể sẽ đến từ mảng vận hành khai thác, giải pháp tích hợp và hạ tầng cho thuê. Mức tăng trưởng mảng xây dựng sẽ trở về mức bình thường. Hướng đến một cuộc đấu giá quyền sử dụng băng tần 2.500-2.600 MHz trong tháng 12/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu triển khai 5G trong năm 2024.
SSI cho rằng việc tăng cường vùng phủ sóng 3G/4G sau khi tiếp tục ngắt sóng 2G và triển khai 5G sẽ cần nhiều trạm phát sóng (BTS) hơn, điều này sẽ mang lại lợi ích cho mảng hạ tầng cho thuê của CTR trong năm 2024. SSI đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu của CTR với giá mục tiêu 12 tháng theo pp DCF là 102.400 đồng (tương đương tiềm năng tăng giá là 15,4%).
PC1: VDSC khuyến nghị trung lập
Với quý IV/2023, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS của PC1 sẽ ghi nhận khoảng 196 tỷ đồng (tăng 192,9% so với quý trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ), với giả định: KQKD của mảng điện và xây lắp sẽ tích cực trong quý IV/2023, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với quý IV/2022;Mảng khai thác Niken sẽ đóng góp thêm 11.000 tấn quặng tinh xuất khẩu trong tháng 12/2023; KCN Nomura tiếp tục ghi nhận đóng góp; Mảng BĐS dân dụng với hoạt động chuyển nhượng sàn thương mại sẽ ghi nhận đóng góp đi ngang với quý III/2023 (trong khi quý IV/2023 không ghi nhận); Không ghi nhận thêm khoản lỗ tỷ giá như quý III/2023.
Tương ứng cho cả năm 2023, VDSC dự phóng doanh thu thuần và LNST sau lợi ích CĐTS của PC1 sẽ lần lượt đạt 7.639 tỷ đồng (giảm 8,6% so với cùng kỳ) và 252 tỷ đồng (giảm 45,2% so với cùng kỳ), tương đương mức EPS là 759 đồng/cổ phiếu.
Cho năm 2024, VDSC kỳ vọng LNST của PC1 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trên mức nền thấp của 2023. VDSC dự báo doanh thu thuần và LNST sau lợi ích CĐT sẽ lần lượt đạt 9.227 tỷ đồng (tăng 20,8% so với cùng kỳ) và 496 tỷ đồng (tăng 96,8% so với cùng kỳ), tương ứng EPS là 1.558 đồng/cp. Các giả định của VDSC bao gồm: Hoạt động thi công xây lắp và tổng thầu EPC sẽ sôi động hơn trong năm 2023; Lĩnh vực sản xuất điện phục hồi (chủ yếu là thủy điện); Mảng khai thác khoáng sản sẽ đóng góp sản lượng khoảng 40.000 tấn quặng tinh xuất khẩu khi vận hành cả năm; Mảng BĐS khu CN sẽ có đóng góp thêm từ KCN Yên Phong 2A; Khoản lỗ tỷ giá ghi nhận thấp hơn năm 2023.
VDSC đưa ra giá mục tiêu cho tầm nhìn một năm với PC1 là 27.200 đồng/cổ phiếu dựa trên hai phương pháp là tổng các thành phần (SoTP) và P/E với trọng số lần lượt là 70%/30%. Dù có triển vọng kinh doanh tích cực trong năm 2024, tuy nhiên VDSC cho rằng hiện tại triển vọng tăng trưởng đã phản ánh vào giá cổ phiếu. VDSC cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc thời điểm tích lũy cổ phiếu khi thị trường điều chỉnh sâu với mức giá hợp lý. Hiện tại, với tỷ suất sinh lời 0% dựa trên giá đóng của ngày 07/12/2023, VDSC khuyến nghị trung lập với cổ phiếu PC1.