Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/9): MWG, BCG và MSB
Động lực tăng trưởng chính trong năm 2022 của MWG theo VCSC vẫn sẽ đến từ việc tiếp tục mở rộng quy mô Điện máy Xanh siêu mini (DMS) từ 800 vào cuối năm 2021 lên 1.100 cửa hàng vào cuối năm 2022 và chuỗi bán lẻ được Apple ủy quyền là TopZone từ 10 cửa hàng vào cuối năm 2021 lên 100 cửa hàng vào cuối năm 2022.
MWG: VCSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 94.000 đồng/cổ phiếu
Luỹ kế lại 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) ghi nhận doanh thu đạt 70.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.576 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 41% kế hoạch lợi nhuận mà đại hội cổ đông đặt ra và hoàn thành lần lượt 49% và 40% so với mức dự phóng của KBSV.
Riêng tháng 7, doanh thu của MWG đạt 8.400 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó chuỗi Thế giới Di động/Điện máy Xanh chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng 63% cùng kỳ, từ nền thấp của tháng 7 năm ngoái (phải đóng 70% các cửa hàng do dịch bệnh).
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong tháng 5 qua, doanh thu/cửa hàng hàng tháng của Bách Hoá Xanh đã không ngừng cải thiện so với tháng trước dù số lượng SKU (Stock keeping unit – hàng tồn kho) bị giảm. Doanh thu/cửa hàng trung bình hàng tháng đạt khoảng 1,3 tỷ đồng vào tháng 7/2022.
VCSC cho rằng trải nghiệm cửa hàng và các hoạt động khuyến mại của Bách Hoá Xanh được đổi mới đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện số liệu lưu lượng khách hàng. Công ty chứng khoán này kỳ vọng doanh thu/cửa hàng của Bách Hoá Xanh sẽ tăng từ năm 2023 khi người tiêu dùng phản hồi về trải nghiệm mua sắm tiện lợi và chất lượng tại chuỗi. Biên EBITDA giai đoạn 2023-2026 dự báo đạt 3,1 - 5,5%.
VCSC kỳ vọng nhà thuốc An Khang đạt mức hòa vốn lợi nhuận vào cuối năm 2022 với biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 20% và doanh thu/cửa hàng trung bình hàng tháng là 500 triệu đồng. An Khang được kỳ vọng sẽ tăng số lượng cửa hàng từ 178 tại vào cuối năm 2021 lên 800 vào cuối năm 2022.
Theo VCSC, việc tăng cường bán hàng trực tuyến và mở rộng cửa hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong ngành điện thoại di dộng và điện máy. Tổng doanh thu bán hàng trực tuyến của Thế giới Di động và Điện máy Xanh tăng 87% so với cùng kỳ lên 11,2 nghìn tỷ đồng (17% tổng doanh thu của Thế giới Di động và Điện máy Xanh) trong 7 tháng đầu năm 2022.
Động lực tăng trưởng chính trong năm 2022 của MWG theo VCSC vẫn sẽ đến từ việc tiếp tục mở rộng quy mô Điện máy Xanh siêu mini (DMS) từ 800 vào cuối năm 2021 lên 1.100 cửa hàng vào cuối năm 2022 và chuỗi bán lẻ được Apple ủy quyền là TopZone từ 10 cửa hàng vào cuối năm 2021 lên 100 cửa hàng vào cuối năm 2022.
VCSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 94.000 đồng/cổ phiếu.
BCG: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 21.520 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 881 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 355 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 12%. Tăng trưởng doanh thu được thúc đẩy bởi tăng trưởng doanh thu của mảng năng lượng và ghi nhận doanh thu từ mảng bảo hiểm (cùng kỳ năm 2021 không ghi nhận).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BCG ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,134 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 877 tỷ đồng, tăng trưởng 81%.
Đối với mảng bất động sản, BCG ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao 2 căn biệt thự còn lại của dự án King Crown Village với doanh thu ghi nhận ước tính vào khoảng 115 tỷ đồng.
Đối với mảng năng lượng, trong Quý 2/2022, sản lượng điện của các nhà máy năng lượng mặt trời (không bao gồm phần sản lượng của của các nhà máy điện mặt trời áp mái) đạt 164 triệu kWh, tăng trưởng +7% YoY. Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng điện đạt 313 triệu kWh, tăng trưởng +16.5% YoY. Sản lượng điện tăng so với cùng kỳ năm 2021 do việc cắt giảm sản lượng của các nhà máy điện mặt trời giảm trong năm 2022.
Mảng bảo hiểm ghi nhận doanh thu đạt 54 tỷ đồng trong quý II/2022 trong khi cùng kỳ năm 2021 mảng bảo hiểm không đóng góp doanh thu do BCG chỉ mới hoàn tất việc thâu tóm Bảo hiểm AAA vào cuối năm 2021.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, BCG đã hoàn tất bàn giao tất cả các căn biệt thự còn lại của dự án King Crown Village và ghi nhận doanh thu trong nửa đầu 2022. Ở giai đoạn nửa cuối năm 2022, công ty dự kiến sẽ bắt đầu bàn giao các căn Condotel của dự án Radisson Blu Hội An kể từ quý III/2022 và các căn Shophouse của dự án Hội An D’or kể từ quý IV/2022.
Tiến độ bán hàng của các dự án BCG đang phát triển diễn ra khá tích cực, theo Yuanta. Trong nửa cuối năm 2022, BCG khá bận rộn với các kế hoạch mở bán các dự án. Theo đó, BCG sẽ mở bán rổ hàng còn lại của dự án Malibu Hội An, mở bán giai đoạn tiếp theo của dự án King Crown Infinity và mở bán mới các dự án Casa Premium, Casa Mũi Né và Amor Riverside. Ngoài ra, hồ sơ IPO của BCG Land đã được gửi tới Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và dự kiến việc IPO sẽ được tiến hành trong quý III hoặc quý IV năm nay.
Về mảng năng lượng, BCG đã hoàn tất việc tăng tỷ lệ sở hữu tại các dự án BCG CME Long An 1 và 2 lên 100% trong nửa đầu năm 2022, qua đó hợp nhất vào báo cáo tài chính của BCG. Phần còn lại của dự án Phù Mỹ (114MWp) đã hoàn tất việc xây dựng và nghiệm thu, và sẽ phải chờ Chính phủ ban hành cơ chế về giá mua điện cho các dự án chuyển tiếp trước khi có thể ghi nhận doanh thu.
Các dự án chuyển tiếp khác mà BCG là chủ đầu tư như Krong Pa, Đông Thành 1, Khai Long 1 cũng đang được triển khai, trong đó dự án Krong Pa (49MWp) đã hoàn tất việc nhập thiết bị cho giai đoạn 1 và đang triển khai thi công xây dựng, dự kiến COD trong cuối tháng 10/2022. Hai dự án điện gió Đông Thành 1 (80MW) và Khai Long 1 (100MW) đang được thi công phần trạm và đường dây truyền tải.
Theo Yuanta, điểm nghẽn chính sách vẫn là trở ngại chính khiến cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo của BCG chậm hơn so với dự kiến. BCG vẫn đặt mục tiêu phát triển 2,5GW năng lượng tái tạo tới năm 2025. Bên cạnh đó, công ty cũng đang tiến hành các bước chuẩn bị cho việc IPO của BCG Energy trong cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Yuanta khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BCG với giá mục tiêu 21.520 đồng/cổ phiếu.
MSB: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 29.500 đồng/cổ phiếu
Kết thúc nửa đầu năm 2022, tín dụng của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) tăng trưởng 8.5% so với thời điểm đầu năm, nhưng giảm nhẹ 70 điểm cơ bản so với cuối quý I/2022 do Ngân hàng Nhà Nước chưa nới “room” trong quý II/2022.
Thu nhập lãi thuần tăng trưởng 39% so với cùng kỳ lên 4.024 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng giảm mạnh 52,7% còn 1.166 tỷ đồng do so sánh từ nền cao năm ngoái nhờ doanh thu một lần từ thành công gia hạn hợp đồng bancassurance trong năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế của MSB trong nửa đầu năm 2022 tăng trưởng chậm lại với mức tăng 7% so với cùng kỳ (nửa đầu năm 2021 tăng 220%), đạt 2.641 tỷ đồng. NIM của MSB cải thiện 64 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 lên 4.32%, thuộc top 7 ngân hàng có NIM cao nhất toàn ngành, theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS).
Theo PHS, bất chấp giãn cách xã hội, tăng trưởng tín dụng của MSB năm 2021 vẫn đạt 23,1%, thuộc top 25% ngân hàng có tăng trưởng tín dụng mạnh nhất. Chiến lược mạng lưới phân phối đa kênh, hoàn thiện kênh đối tác, và các kênh bán trực tiếp là lực lượng nòng cốt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Hơn nữa, chiến lược phát triển hệ sinh thái số, kênh số và chiến lược chuỗi cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng tín dụng cho MSB trong tương lai, theo PHS. Trong năm 2022, ngân hàng tiếp tục hai dự án chiến lược gồm thay mới Core-banking và xây dựng nhà máy số.
PHS cho rằng hoạt động bán chéo bảo hiểm là động lực tăng trưởng thu nhập phí. Vào ngày 3/3/2021, MSB đã hoàn thành việc gia hạn hợp đồng bancassurance độc quyền với Prudential trong vòng 15 năm. Dự kiến, hoạt động này sẽ tạo ra nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng đều 30% qua các năm cho MSB, chưa tính phí trả trước.
PHS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MSB với giá mục tiêu 29.500 đồng/cổ phiếu nhờ các yếu tố nội tại của ngân hàng và sự cải thiện chất lượng tài sản.