Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/9): VTP, BMP và BMI
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của BMP trong năm 2022 lần lượt ở mức 5.527 tỷ đồng và 513 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,4% và 139,7% so với cùng kỳ. Công ty chứng khoán này khuyến nghị mua cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 76.900 đồng/cổ phiếu.
VTP: SSI khuyến nghị mua với giá mục tiêu 85.500 đồng/cổ phiếu
Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (UPCoM: VTP) vừa có quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng âm (quý II/2022), cụ thể lợi nhuận giảm 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 giảm 7%, đạt 250 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 40% kế hoạch cả năm.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, nhìn vào mảng kinh doanh cốt lõi của VTP là dịch vụ chuyển phát nhanh, doanh thu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 35% so với cùng kỳ, đạt 4,6 nghìn tỷ đồng do thị trường thương mại điện tử Việt Nam liên tục tăng trưởng.
Theo đó, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được Google dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 29% trong giai đoạn 2022-2025. Sau thời kỳ bùng phát đại dịch, Google ước tính thị trường Việt Nam đã có gần 8 triệu khách hàng thương mại điện tử mới, trong đó 97% vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ sau đại dịch. Nhìn ra các thị trường trong khu vực, tên tuổi thương mại điện tử lớn như tập đoàn SEA (công ty mẹ của Shopee) cũng báo cáo mức tăng trưởng đơn hàng đáng kể 37% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022.
SSI cho biết, tỷ suất lợi nhuận gộp hiện tại của VTP thấp hơn so với mức cao trước đó là 12%. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp đã cho thấy sự cải thiện nhẹ, với mức tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý I/2022, lên 7,7%.
Đây là lần đầu tiên tỷ suất lợi nhuận gộp của VTP tăng lên trong 3 quý vừa qua, theo SSI. Kết quả này vượt quá kỳ vọng, trong bối cảnh vẫn còn những lo ngại về cạnh tranh khốc liệt và chi phí nhiên liệu cao hơn, là một dấu hiệu rất tích cực trong bối cảnh VTP đang tái cấu trúc bộ máy quản lý.
SSI cho biết sau cuộc trao đổi với ban lãnh đạo VTP vào tháng 5/2022, một số thay đổi đã xảy ra ở doanh nghiệp này. Thứ nhất là chất lượng được cải tiến. Thời gian giao hàng tổng thể cải thiện từ 100 giờ/hóa đơn xuống còn 50 giờ/hóa đơn. Thời gian giao hàng chặng cuối giảm từ 17 giờ trong năm 2021 xuống còn 10 giờ vào thời điểm hiện tại.
Thứ hai là thời gian phục vụ, VTP bắt đầu cung cấp dịch vụ giao hàng cả thứ Bảy và Chủ nhật. Thứ ba là kiểm soát chi phí. Theo đó, chi phí được quản lý ở cấp bưu cục, với mục tiêu là chi phí phù hợp với doanh thu tại mỗi bưu cục. Chi phí mid-mile có thể giảm xuống nhờ các biện pháp tối ưu hóa.
Thứ tư là việc xử lý khiếu nại. VTP đã thành lập bộ phận xử lý khiếu nại, là trọng tâm chính trong hoạt động của ban lãnh đạo mới.
Thứ năm là đội giao hàng chặng cuối. VTP thay đổi từ sử dụng dịch vụ MyGo (giống Grab) sang dịch vụ thuê ngoài chuyên biệt để cải thiện chất lượng giao hàng chặng cuối. Vì MyGo là nền tảng cho phép mọi tài xế tự do tham gia và giao hàng bất cứ lúc nào mà không cần phải là nhân viên của Viettel Post, nên phương thức này sẽ bị hạn chế về quyền kiểm soát đối với cách tài xế giao tiếp hoặc giao hàng cho người nhận cuối.
SSI dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 và 2023 của VTP lần lượt đạt 595 tỷ đồng (tăng 61% so với cùng kỳ) và 771 tỷ đồng (tăng 29,6% so với cùng kỳ). Công ty chứng khoán này khuyến nghị mua cổ phiếu VTP với giá mục tiêu 85.500 đồng/cổ phiếu.
BMP: BSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 76.900 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 1.555 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3,5 lần, đạt 145 tỷ đồng nhờ hưởng lợi giá nguyên liệu giảm.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần tăng 11%, lợi nhuận sau thuế tăng 117%, lần lượt đạt 2.905 tỷ đồng và 273 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá tình hình tài chính của BMP ở mức tốt, hầu như không có nợ vay, số dư tiền và đầu tư tài chính chiếm 35% tổng tài sản. Ngoài ra, tài sản cố định lớn dự kiến sẽ khấu hao hết trong năm 2024 và sẽ bổ sung thêm khoảng 200 tỷ đồng vào lợi nhuận hoạt động hàng năm của doanh nghiệp.
Về triển vọng kinh doanh giai đoạn 2022-2023, BSC cho rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi về mức ổn định trước dịch bệnh. Riêng trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của BMP đã giảm 12% so với cùng kỳ, hoàn thành 48% kế hoạch tiêu thụ năm 2022. BSC cho rằng sản lượng tiêu thụ giảm do nhu cầu thị trường đang chậm lại khi giá vật liệu xây dựng tăng cao trong các tháng đầu năm và việc thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng.
BSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng 11,9% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022, đưa sản lượng cả năm 2022 sẽ tăng trưởng nhẹ, ở mức 5,9% nhờ sản lượng quý III/2022 sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ do không chịu tác động của dịch bệnh, và lợi thế về thị phần chi phối khu vực phía Nam sẽ giúp sản lượng tiêu thụ của BMP phục hồi về mức trước dịch.
Theo BSC, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ giá nhựa nguyên liệu giảm. Công ty chứng khoán này cho rằng giá PVC sẽ không tăng trở lại mức đỉnh đầu năm do nhu cầu PVC của Trung Quốc suy giảm và giá dầu giảm mạnh (vì hạt nhựa là một sản phẩm của quá trình lọc dầu).
Biên lãi gộp năm 2022 của BMP được kỳ vọng tăng lên mức 23,4%. Doanh nghiệp này chia sẻ không thực hiện việc tích trữ hàng tồn kho số lượng lớn, do đó giá nguyên liệu đầu vào có thể giảm trong nửa cuối năm 2022 và sẽ tác động đến giá vốn hàng bán ngay trong quý III, giúp tăng biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của BMP trong năm 2022 lần lượt ở mức 5.527 tỷ đồng và 513 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,4% và 139,7% so với cùng kỳ. Công ty chứng khoán này khuyến nghị mua cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 76.900 đồng/cổ phiếu.
BMI: VCSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 36.400 đồng/cổ phiếu
Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI) ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 2.068 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 2,5%, đạt hơn 139 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2022, thu nhập tài chính ròng của BMI giảm 33,3% so với cùng kỳ chủ yếu do lãi từ giao dịch chứng khoán giảm 72%, chi phí dự phòng 15 tỷ đồng do giá cổ phiếu giảm so với khoản hoàn nhập dự phòng 13 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 và khoản lỗ 2,6 tỷ đồng từ việc đánh giá lại các khoản phải thu/phải trả bằng ngoại tệ.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng thu nhập từ đầu tư của BMI sẽ cải thiện trong năm 2023 nhờ mức tăng trưởng phí bảo hiểm mạnh mẽ đạt 15% trong bối cảnh môi trường lãi suất huy động tăng và khả năng sinh lời từ HĐKD bảo hiểm được cải thiện.
Theo VCSC, BMI là công ty bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường thấp thứ 2 trong số 7 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu dù mất thị phần vào tay MIG. Cụ thể, BMI đã bảo vệ thành công vị trí top 4 thị phần trong năm 2021 ở mức 7,8%. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm này đã mất vị trí thứ 4 về thị phần vào tay của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIG) trong 6 tháng đầu năm 2022 do tổng phí bảo hiểm gốc của MIG cao hơn 3,2% so với BMI.
Mặc dù mất thị phần, BMI vẫn duy trì tỷ lệ bồi thường thấp thứ 2 trong top 7 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu. Tỷ lệ bồi thường trong 6 tháng đầu năm 2022 của BMI là 30%. VCSC cho rằng diễn biến này là nhờ vào chiến lược dài hạn của BMI nhằm tập trung vào mảng bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân - dòng sản phẩm chủ lực của công ty trong 6 tháng đầu năm 2022 (đóng góp 42% phí bảo hiểm ròng nửa đầu năm 2022 so với 38% trong nửa đầu năm 2021).
VCSC cho rằng khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BMI sẽ cải thiện do tỷ lệ kết hợp giảm 2,2 điểm % YoY xuống còn 96,4% trong năm 2022, điều này sẽ giúp bù đắp cho thu nhập tài chính bị ảnh hưởng do thị trường chứng khoán không thuận lợi.
Công ty chứng khoán này khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BMI với giá mục tiêu 36.400 đồng/cổ phiếu