Condotel được cấp sổ đỏ, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng liệu có “hồi sinh”?
Sau một thời gian dài nhà đầu tư rao bán cắt lỗ thì thông tin Condotel được cấp sổ đỏ đã phần nào củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào phân khúc này nói riêng và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung. Tuy nhiên, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có phục hồi được ngay hay không thì vẫn là một câu hỏi.
“Cắt cơn” rao bán cắt lỗ?
Thời gian qua, thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm condotel và biệt thực du lịch nghỉ dưỡng được rao bán “cắt lỗ” rầm rộ. Thậm chí nhiều trường hợp được giảm giá tới 50% so với giá mua ban đầu.
Mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có công văn số 3382 gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương triển khai thực hiện quy định mới của pháp luật về đất đai theo Nghị định 10/2023/NĐ-CP.
Nhiều thông tin cho rằng, Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ được xem là tín hiệu rất tích cực đối với nhiều chủ sở hữu bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là phân khúc condotel.
Theo đó, Bộ TNMT đã đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận/sổ đỏ) cho người sử dụng đất.
Trong đó, đối với các căn hộ khách sạn, condotel (căn hộ du lịch nghỉ dưỡng), officetel (văn phòng lưu trú), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và các công trình khắc phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc KDI Holdings - chủ đầu tư dự án Vega City Nha Trang (Khánh Hoà) cho rằng Nghị định số 10/2023 của Chính phủ là một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel. Bởi đây là một loại hình có nhiều tiềm năng phát triển nhưng trước đây gặp không ít khó khăn do chưa có văn bản pháp lý cụ thể.
Trong khi đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc được cấp sổ đỏ cho loại hình này là thông tin rất tích cực, sẽ giúp củng cố một phần niềm tin của các nhà đầu tư nhất là khi thời gian qua thị trường bất động sản gần như đóng băng.
“Do tính pháp lý chưa rõ ràng, thị trường bất động sản khó khăn, lợi nhuận không được như cam kết của các chủ đầu tư nên nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, từ Nghị định số 10/2023 đến văn bản của Bộ TN-MT yêu cầu cấp sổ đỏ và có hướng dẫn cụ thể hơn là bước tiến mới cho thị trường, làm cho nhà đầu tư yên tâm hơn khi quay lại đầu tư phân khúc này” – ông Thịnh nói.
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm “hồi sinh”?
Sau thời gian dài bùng nổ, có thể thấy phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang bị bão hòa, cộng thêm những vấn đề pháp lý khiến tâm lý nhà đầu tư không thực sự hào hứng, chủ đầu tư cũng từ từ ra hàng.
Nút thắt chủ yếu đối với bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua là việc xác định khái niệm đầy đủ, rõ ràng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng cũng như phân chia quyền sở hữu, xác định thời hạn sở hữu và quản lý, khai thác…
Theo đó, trước thông tin condotel, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng,…được cấp sổ đỏ khi đủ điều kiện nhiều chuyên gia đánh giá đây là một động thái tích cực đối với sự “hồi sinh” của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi từng nhận xét, vấn đề cần quan tâm hiện nay là chính sách pháp luật về bất động sản nghỉ dưỡng cần khơi thông như thế nào? Chúng ta chưa thực sự đặt bất động sản nghỉ dưỡng song song với các mô hình bất động sản khác để phát triển nên hệ thống pháp luật giai đoạn 2015 chưa nêu rõ, cách hiểu, triển khai có sự khác nhau.
Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta cần phải làm rõ chính sách phát triển BĐS nghỉ dưỡng là những chính sách gì?
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường bất động sản du lịch từ khi Covid - 19 tới nay gần như đóng băng, tình trạng rao bán cắt lỗ, cắt lãi rất nhiều và lan rộng. Nguyên nhân là do pháp lý của loại hình này không rõ ràng, gây ra cảm giác không yên tâm và không còn mặn mà gì của các nhà đầu tư.
“Việc phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phục hồi lại được sau khi nhận sổ đỏ hay không vẫn rất khó trả lời. Bởi còn quá sớm để khẳng định. Hơn nữa, phân khúc này không phục vụ nhu cầu thiết yếu như nhà ở hay căn hộ chung cư, trong khi thị trường chung vẫn trầm lắng. Vì vậy, thanh khoản các sản phẩm bất động sản du lịch vẫn khó khăn. Tuy nhiên, xét về dài hạn thì phân khúc này vẫn có nhiều tiềm năng khai thác và phát triển” - Ông Đính nhấn mạnh.
Bà Uyên Nguyễn, Trưởng Bộ phận Tư vấn, Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương nhận định đây là tín hiệu tích cực đáp ứng nhu cầu thực tế rất lớn, góp phần giải quyết được vướng mắc tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo bà Uyên, giữa việc ban hành Nghị định đến khi đi vào thực tiễn sẽ có độ trễ nhất định.
“Về pháp lý thì có những thủ tục cần nhiều thời gian. Vì vậy, vẫn phải chờ để địa phương có những hành động, đưa ra những văn bản hướng dẫn thực hiện” – Bà Uyên nói.
Trong năm 2023 sẽ nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp được hoàn thiện, đưa sản phẩm vào vận hành, như: Angsana & Dhawa Hồ Tràm, JW Marriott Cam Ranh, Hyatt Regency Nha Trang, La Festa Phú Quốc Curio Collection by Hilton, và Voco Ma Belle Hotel Đà Nẵng... Trong bối cảnh thị trường còn gặp nhiều thách thức, đây cũng là cơ hội để chủ đầu tư xem xét, đánh giá lại, từ đó tinh chỉnh mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, bền vững hơn.