Cấp sổ hồng cho condotel có giúp thị trường hồi phục?
Lãnh đạo một doanh nghiệp cho rằng việc cấp sổ hồng cho condotel mang tính chất đặt tên, khai sinh cho dòng sản phẩm bất động sản, sẽ giải quyết về mặt pháp lý. Tuy nhiên, giá trị của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nằm ở việc khai thác, vận hành sản phẩm. Do vậy, việc dự báo phân khúc này khi nào hồi phục là rất khó.
Cấp sổ hồng cho condotel là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong suốt nhiều năm qua. Chủ đề này tiếp tục được quan tâm khi mới đây, Nghị định 10/2023/NĐ-CP nêu các công trình lưu trú du lịch được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được cấp chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Với nghị định này, các công trình căn hộ khách sạn (condotel), nhà phố - biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được cấp sổ hồng.
Ngay sau Nghị định 10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3382/BTNMT-ĐĐ, gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị cấp sổ hồng cho các công trình như condotel, officetel… theo Điều 32 Nghị định 43/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Trao đổi với VietnamFinance liên quan đến việc cấp sổ cho condotel, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường nên có thông tư hướng dẫn sớm để các địa phương dựa vào đó cấp sổ cho chủ sở hữu.
Theo ông Toản, việc cấp sổ mang tính chất đặt tên, khai sinh cho dòng sản phẩm bất động sản, sẽ giải quyết về mặt pháp lý. Tuy nhiên, giá trị của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nằm ở việc khai thác, vận hành sản phẩm.
Theo nguyên lý, bất động sản được định danh chắc chắn sẽ tăng giá, xấu nhất là giữ giá. Tuy nhiên, làn sóng bán cắt lỗ thứ cấp trước đó rất nhiều, thậm chí có rất nhiều người bán lỗ tới 50% nhưng vẫn không có khách, điều này khiến nhiều người cảm thấy rất chán, muốn "dứt cơn đau" sớm.
“Do vậy, việc dự báo phân khúc này khi nào hồi phục rất khó, cần phải có thêm yếu tố thay đổi cách làm, vận hành của chủ đầu tư. Tôi cho rằng các chủ đầu tư nên hạ giá bán ra”, ông Toản nêu quan điểm.
Tổng giám đốc EZ Property nhìn nhận thời gian qua, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng gần như khó khăn nhất trên thị trường. Ngoài vướng mắc về pháp lý thì đến nay các chủ đầu tư đều không thể thực hiện cam kết lợi nhuận như ban đầu, dẫn đến các nhà đầu tư cảm thấy sợ hãi khi đầu tư vào condotel.
Ông Toản tiết lộ bản thân ông cũng đang nắm giữ sản phẩm của một chủ đầu tư lớn nhưng công ty này đã có văn bản hoãn trả quyền lợi cam kết và đưa ra phương án thay thế, như có thể hoán đổi sang sản phẩm khác hoặc tính như một khoản chiết khấu khi mua bất động sản của công ty.
“Những nhà đầu tư đang nắm giữ phân khúc này ở trong tình thế đã đâm lao phải theo lao, còn những người mới gần như không tham gia trong thời gian qua. Không chỉ không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận, có chủ đầu tư còn không thể bàn giao được sản phẩm. Hơn nữa, việc giao dịch cũng rất khó khăn, muốn chuyển nhượng phải tới gặp chủ đầu tư để xác nhận, nhưng có đơn vị lấy phí sang nhượng”, ông Toản cho hay.
Đồng quan điểm với ông Toản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), cho biết nhiều người đang mất niềm tin vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bởi việc mua bán rất khó khăn, lợi nhuận không được như cam kết của các chủ đầu tư.
“Tuy nhiên, việc được cấp sổ đỏ, đặt tên cho loại hình này là thông tin rất tích cực, sẽ giúp củng cố một phần niềm tin của các nhà đầu tư, còn việc tích cực đến đâu sẽ phụ thuộc vào kết quả xử lý của các cơ quan chức năng”, ông Đính nhấn mạnh.
Theo Phó chủ tịch VNREA, công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường gần đây chỉ mang tính nhắc nhở, thúc các địa phương thực hiện việc cấp sổ đỏ theo Nghị định 10. Để thực hiện sớm, ông Đính cho rằng cơ quan chức năng cần có thông tư hướng dẫn cụ thể về trình tự, đối tượng…
“Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có hồi phục sau khi được cấp sổ đỏ hay không vẫn là câu hỏi khó, vì vẫn quá sớm để khẳng định. Phân khúc này không phải sản phẩm thiết yếu như nhà ở, căn hộ chung cư, trong khi thị trường đang diễn biến trầm lắng. Do đó, thanh khoản của các sản phẩm bất động sản du lịch vẫn khó khăn”, ông Đính nhận định.