'Cõng' khoản nợ 4.100 tỷ, chủ chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ vẫn báo lãi hơn 1,7 tỷ mỗi ngày
Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ vừa công bố tình hình tài chính năm 2023 với mức lãi sau thuế hơn 633 tỷ đồng trong năm, tương ứng lãi hơn 1,7 tỷ đồng/ngày.
Công ty cổ phần Y Khoa Hoàn Mỹ vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022 và năm 2023.
Theo đó, năm 2023, Y Khoa Hoàn Mỹ báo lãi sau thuế 633 tỷ đồng, tăng 31,1% so với khoản lãi ròng năm 2022 là 483 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 2 năm vừa qua, doanh nghiệp ngành y tế này đã lãi ròng hơn 1.116 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm tài chính 2021, Y Khoa Hoàn Mỹ báo lỗ sau thuế hơn 481 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm trùng với giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng nổ mạnh, nhiều tỉnh thành trong cả nước thực hiện phong tỏa nhiều tháng trời.
Về sức khỏe tài chính, tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Y Khoa Hoàn Mỹ đạt gần 2.004 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2022 là 1.411 tỷ đồng.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 3,63 lần ở năm 2022 xuống 2,06 lần ở năm 2023, tương ứng dư nợ phải trả của doanh nghiệp là 4.128 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 1.400 tỷ đồng.
Dữ liệu trên HXN cho thấy Y Khoa Hoàn Mỹ hiện đang lưu hành lô trái phiếu có mã HMGH1825001. Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 5/10/1018, với giá trị 1.400 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm và sẽ đến kỳ đáo hạn vào ngày 5/10/2025.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Y Khoa Hoàn Mỹ có địa chỉ tại lầu 11, toà nhà Friendship, số 31 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 và hoạt động trong lĩnh vực y tế. Doanh nghiệp hiện do bà Nguyễn Thị Châu Loan làm tổng giám đốc. Ngoài ra, bà Loan đang là đại diện của nhiều doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Phúc sinh An Medilas, Công ty cổ phần Sức khoẻ Hoàn Mỹ, Công ty cổ phần Bác sĩ Gia đình Hoàn Mỹ; Công ty cổ phần Liên kết Hoàn Mỹ; Công ty cổ phần HMTW Tân Phú, Công ty TNHH MTV Phòng khám Đa khoa Thánh Tâm cơ sở 2; Công ty cổ phần Bệnh viện Thế giới Kỹ thuật; Công ty TNHH Belmont; Công ty cổ phần Dịch vụ Sức khoẻ Hoàn Mỹ…
Trước đó, Hoàn Mỹ từng được một số cá nhân quốc tịch nước ngoài đứng tên doanh nghiệp như ông Low Tzeh Shyian Russell (quốc tịch Singapore) làm Chủ tịch HĐQT, ông Miao Yin-Wei Philip (quốc tịch Anh) làm Thành viên HĐQT, ông Sofiane Hemici (quốc tịch Pháp) làm Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Hạnh Vinh làm thành viên HĐQT, ông Vu Kim Hoan (quốc tịch Mỹ) làm tổng giám đốc.
Trong lần thay đổi vốn gần nhất vào tháng 04/2020, Y Khoa Hoàn Mỹ đăng ký giảm vốn điều lệ từ 757,35 tỷ còn 392,35 tỷ đồng. Trong đó, 99,6% vốn điều lệ do nước ngoài nắm giữ với 3 cổ đông là Hoan My SPV3 Limited (trụ sở tại British Virgin Island) nắm 44,375%; Hoan My SPV2 Limited (trụ sở tại Cayman Island) nắm 16,062%; Hoan My SPV1 Pte.Ltd (trụ sở tại Singapore) nắm 39,511%.
Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ, còn được biết đến là Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, hiện sở hữu với mạng lưới gồm 15 bệnh viện (như Hoàn Mỹ Sài Gòn, Mắt Quốc tế Hoàn Mỹ, Quốc tế Hạnh Phúc, Hoàn Mỹ Bình Dương, Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, Hoàn Mỹ Vạn Phúc, Hoàn Mỹ Cửu Long, Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Hoàn Mỹ Vinh…) và 6 phòng khám, tổng quy mô hơn 2.900 giường bệnh.
Hơn một thập kỷ về tay 'đại gia' Singapore
Nhắc đến Bệnh viện Hoàn Mỹ, không thể không nhắc đến bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng. Vào năm 1997, bác sĩ Tùng đã mở phòng khám Hoàn Mỹ tại TP. HCM, đặt nền móng đầu tiên cho hệ thống y tế Hoàn Mỹ. Sau đó 2 năm, Công ty Cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ - chủ sở hữu Bệnh viện Hoàn Mỹ được thành lập.
Đang trên đà phát triển, Hoàn Mỹ liên tục mở rộng quy mô với nhiều bệnh viện trải dài từ miền Trung đến miền Nam. Nhưng sau 10 năm phát triển mà không quan tâm đến vấn đề dòng tiền, Hoàn Mỹ đối mặt với số nợ lớn đến mức trên bờ vực phá sản.
Trong bối cảnh đó, năm 2009, VinaCapital và Deustche Bank đã rót 20 triệu USD để thâu tóm 44% Hoàn Mỹ, VinaCapital đã đưa ra những yêu cầu về IPO và tăng trưởng lợi nhuận cũng như mức chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu, mức hoàn vốn, lãi phạt phải chịu nếu Hoàn Mỹ không đạt tăng trưởng như yêu cầu.
Cũng từ đây, ông Nguyễn Hữu Tùng buộc phải chấp thuận "luật chơi mới" với những áp lực từ các nhà đầu tư. Kết quả, trước những áp lực về chuyển đổi quản trị lẫn tăng trưởng lợi nhuận, ban lãnh đạo bệnh viện Hoàn Mỹ đã không đáp ứng được yêu cầu
Sau thời gian gần 2 năm hợp tác không mấy suôn sẻ với quỹ ngoại, ông Tùng buộc phải đưa ra quyết định tìm một đối tác khác thay thế cho VinaCapital và Deutsche Bank, đó là Tập đoàn y tế Fortis (Ấn Độ).
Sau khi bán lại Hoàn Mỹ cho Fortis, tập đoàn này lại bán cổ phần cho Richard Chandler Corp (Tập đoàn Clermont), một tập đoàn đa ngành có trụ sở tại Singapore, đầu tư vào Hoàn Mỹ 100 triệu USD vào 2012, tăng lên 120 triệu USD chỉ sau một năm.
Sau khi về tay Richard Chandler Hoàn Mỹ liên tục mở rộng quy mô sau, tích cực mua bán và sáp nhập các bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành khác vào hệ thống.
Chấp nhận rời bỏ bệnh viện mà mình “khai sinh", chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Hữu Tùng bộc bạch rằng: “Sau khi ký hợp đồng với Fortis, tôi có cảm giác như mình vừa gả đứa con của mình vào một nhà khác. Tôi không còn được chăm sóc, nuôi nấng nó nữa, mà chỉ có thể làm một nhà tư vấn, giống như một 'thái thượng hoàng' mà thôi”.