Còng lưng cõng nợ khi mua nhà ngẫu hứng

Ngày nay, khi nhà đất đang dần trở thành món “trang sức” thể hiện đẳng cấp, nhiều người vội vã xuống tiền chốt cọc ngay bằng vốn vay mà chưa có những phương án cân đối tài chính an toàn cho tương lai.

Còng lưng cõng nợ khi mua nhà ngẫu hứng - Ảnh 1

Còng lưng cõng nợ sau khi chốt cọc mua nhà ngẫu hứng, đây cũng là câu chuyện của Tâm (30 tuổi, quê Đồng Nai) khi anh chia sẻ rằng mình từng xuống tiền mua nhà mà chưa nghĩ đến bài toán tài chính trả nợ sau này.

Chốt giao dịch trong thoáng chốc

Tâm cho rằng anh luôn trân trọng cơ hội hơn là quan tâm đến rủi ro về sau. Khi tìm được căn hộ chung cư ưng ý về cả giá tiền và chất lượng, anh không ngần ngại tìm và huy động nguồn vốn để sở hữu được căn hộ anh mong muốn.

Nhiều năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM, khởi nghiệp bằng cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, anh Tâm chia sẻ rằng cho đến hiện tại nguồn tài chính của anh cũng ở mức khá thoải mái. Với tâm thế đó, trước đây anh gần như không hề đắn đo nhiều cho các khoản chi phục vụ mục đích giải trí, du lịch, mua sắm. Và câu chuyện mua nhà cũng nảy ra trong một phút cao hứng mà chưa có một kế hoạch nào trước đó.

“Một dịp được bạn học cũ mời sang ăn tân gia, trong không gian căn hộ mới tinh , tôi chợt nhận ra bản thân cũng muốn có nơi an cư chính thức. Sau nhiều năm thuê nhà, tôi bắt đầu có ý định sở hữu căn nhà của riêng mình. Vừa có nhà lại vừa có thêm động lực kiếm tiền và bớt tiêu xài hoang phí là những điều tôi nghĩ lúc đó”, anh Tâm chia sẻ.

Nghĩ là làm, anh quyết định tìm hiểu các căn hộ chung cư đang rao bán. Anh xác định mức tài chính cho 1 căn nhà là khoảng 2-2,5 tỷ đồng. Sau thời gian tìm kiếm, anh đã tìm được căn hộ ưng ý tại một tòa chung cư ở quận Gò Vấp. Căn hộ có 3 phòng ngủ 2 nhà vệ sinh rộng 79m2, được giao dịch với giá 2,2 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình tìm kiếm cho đến khi chốt hợp đồng chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng.

Thời điểm chốt giá mua nhà, anh Tâm chỉ có trong tay 600 triệu đồng, anh lựa chọn căn hộ đã bàn giao nên xác định sẽ phải chồng tiền thanh toàn trong một lần. Anh chỉ bắt đầu tính toán chi phi khi đã tìm được căn hộ ưng ý.

Cụ thể, căn hộ anh nhắm tới có giá 2,2  tỷ đồng, anh dự trù kinh phí làm nội thất khoảng 200 triệu đồng tương đương mức tài chính anh phải chuẩn bị là 2,4 tỷ đồng. Trừ đi khoản vốn tự thân, anh Tuấn sẽ phải vay thêm 1,8  tỷ đồng.

Đầu tiên, anh Tuấn nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình ở quê để vay vốn ngân hàng. Bằng việc thế chấp sổ đỏ, gia đình anh Tuấn đã vay được 1,5  tỷ đồng với lãi suất 12%/năm trong thời hạn 3 năm.

“Còn lại 300 triệu đồng, tôi vay bạn bè 100 triệu và nhờ mẹ vay thêm 200 triệu nữa để đủ kinh phí mua và sửa sang nhà”, anh Tâm cho biết.

Như vậy, anh Tâm phải dự trù một khoản tiền tầm 50 triệu đồng/tháng để thanh toán các khoản nợ và phải duy trì ít nhất 3 năm.

Còng lưng cõng nợ khi mua nhà ngẫu hứng - Ảnh 2

Áp lực chồng chất

Dù xác định trước con đường thanh toán hết các khoản vay mua nhà nhưng thời điểm tính toán số tiền thực tế phải trả mới là lúc anh cảm nhận rõ nhất áp lực chất.

“Giờ nghĩ phải gánh trên lưng khoản nợ 1,8 tỉ hay phải chuẩn bị 50 triệu đồng/tháng để trả nợ thì áp lực vô cùng. Nhưng mình cần áp lực này vì thời gian qua mình sống hơi thoải mái, chưa thực sự có động lực kiếm tiền”, anh Tâm chia sẻ.

Với số tiền dành ra trả nợ mỗi tháng thì anh không còn khoản nào để dự phòng cho sức khỏe và những vấn đề phát sinh. Chia sẻ thêm, anh cho rằng nếu được quyết định lại, anh nghĩ mình nên suy nghĩ và có bước chuẩn bị kỹ càng hơn. Việc vội vàng xuống tiền rồi chốt mua nhà nhưng còn nhiều khoản quan trọng hơn chưa được ưu tiên, điều này gây ra áp lực về tiền bạc thời gian nhất định. Chuỗi ngày gánh nợ còn dài và anh vẫn phải miệt mài nên đôi khi không thể tránh khỏi cảm giác chán nản giữa chừng.

Một số điều cần phải cân nhắc kỹ trước khi chốt đơn mua nhà bằng vốn vay mà người mua nhà lần đầu không thể bỏ qua để giảm nhẹ áp lực tài chính về sau.

Trước hết là đảm bảo một khoản tiền tiết kiệm dự trù và nguồn vốn tích lũy tương đương với 50% giá trị căn nhà và chi trả 50% còn lại trong thời gian thỏa thuận. Song, đặc biệt khi vay vốn ngân hàng, cần nắm vững quy tắc tính lãi suất. Lãi suất thời gian đầu tại một số ngân hàng sẽ có ưu đãi nhất định, tuy nhiên sau đó nhiều ngân hàng áp dụng tăng mức lãi suất theo nguyên tắc lãi suất thả nổi, gây nhiều bất ngờ cho người đi vay. Suy cho cùng, vẫn nên tập trung vào 3 yếu tố chính: Khả năng tài chính cá nhân, khả năng tài chính hỗ trợ và khả năng trả nợ.

Theo Chất lượng và Cuộc sống