Các ngân hàng được nới room tín dụng, người mua nhà có dễ dàng hơn?
Sau khi việc nới room tín dụng được thực hiện, các ngân hàng tập trung giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế... còn với bất động sản, một số ngân hàng sẽ tiếp tục hạn chế cho vay. Tuy nhiên, một số chuyên gia bất động sản vẫn nhận định, việc nới room tín dụng sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp BĐS và tăng dư địa cho thị trường phục hồi, tái phát triển.
Sau khi việc nới room tín dụng được thực hiện, các ngân hàng tập trung giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế... còn với bất động sản, một số ngân hàng sẽ tiếp tục hạn chế cho vay. Tuy nhiên, một số chuyên gia bất động sản vẫn nhận định, việc nới room tín dụng sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp BĐS và tăng dư địa cho thị trường phục hồi, tái phát triển.
Ngày 7/9, 15 ngân hàng có điểm chấm tốt hoặc tham gia tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm hạn mức tín dụng từ 1 - 4%.
Sacombank (STB) được cấp thêm hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng năm nay là 4%; Agribank là 3,5%; HDBank (HDB) 3,4%; MB (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%). Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%; TPBank được bổ sung thêm 1,2%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức khiêm tốn hơn.
Đây là lần đầu tiên NHNN đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho một số tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm nay. Các năm trước, NHNN thường có 1 - 2 đợt nới room trong năm, sau khi đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu năm.
Sau khi được nới room tín dụng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành của Vietcombank cho hay ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát, tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng đảm bảo nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp.
Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng cho biết cùng với tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, VIB cũng dự định tăng cho vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe và tập trung tăng trưởng thẻ tín dụng nhằm kích thích nhu cầu chi tiêu của người dân, qua đó tạo sức tiêu thụ cho các sản phẩm của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Vũ Thành Trung, thành viên ban điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng cho biết:” Với việc được nới room thêm 3,2%, tương đương tăng thêm 12.000 tỷ đồng, chúng tôi định hướng trong vòng 1 tháng tới số vốn này sẽ được phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đây là lĩnh vực có nhu cầu vốn rất lớn trong thời gian qua".
Mặc dù số lượng ngân hàng nới room ở mức độ cho phép, nhưng theo các chuyên gia, động thái này đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý, kỳ vọng thị trường bất động sản cuối năm sẽ ấm trở lại.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, động thái nới hạn mức tín dụng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khó khăn, dự án đình trệ vì thiếu vốn khi ngân hàng dừng giải ngân do hết room. Thị trường đã có xu hướng giảm nhiệt rõ ràng cả về cung và cầu. Vậy nên nới room tín dụng kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tín hiệu tích cực hơn cho cả người mua nhu cầu ở thực, nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp phát triển.
Nhìn nhận diễn biến này, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, việc nới room tín dụng sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản và tăng dư địa cho thị trường phục hồi, tái phát triển. Thị trường bất động sản TP HCM được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào những tháng cuối năm lúc dòng tín dụng khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho và tích cực hơn trong phát triển nguồn cung mới. Tuy nhiên room tín dụng mới được cấp phần nào chỉ giải toả được cơn khát vốn cho doanh nghiệp và người dân, nhưng khó lòng đáp ứng hết nhu cầu, nhất là vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Dòng tiền sẽ vẫn chỉ chảy vào các dự án có quy mô, chất lượng của các chủ đầu tư giàu uy tín.
Đánh giá về thị trường bất động sản cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, sau hơn nửa năm thắt chặt, room tín dụng của các ngân hàng đã được nới ra. Đây là tín hiệu tích cực cho toàn thị trường bất động sản phát triển theo hướng đi lên. Quý 4 sẽ là giai đoạn bật dậy sau quãng nghỉ, doanh nghiệp bất động sản đón chờ dòng vốn mới tiếp sức sẽ mạnh tay hơn trong phát triển dự án còn nhà đầu tư cũng chuẩn bị cho chu kỳ đầu tư mới với loạt dự án tốt sắp ra hàng. Giai đoạn cuối năm, thị trường dự kiến sẽ hoạt động tích cực hơn.
Tuy nhiên, về phía người dân có nhu cầu mua nhà ở vẫn có những lo ngại nhất định, chia sẻ của Minh Vi (quận Ba Đình, TP Hà Nội): Trước đó, hồ sơ vay mua nhà của những khách hàng như chúng tôi đã đủ điều kiện nhưng ngân hàng không còn room nên người mua nhà khó khăn. Hiện tại, tuy đã nới nhưng hồ sơ vay vẫn phải xếp hàng vì trước đó quá nhiều hồ sơ tồn từ quý II-III/2022.
Tuy nhiên, giá căn hộ chung cư ở thị trường Hà Nội đang có xu hướng tăng mạnh. Hiện mức giá phổ biến với căn hộ mới bàn giao hoặc dự kiến bàn giao vào thời gian tới hay cả những dự án được đưa vào sử dụng 3-5 năm tại Hà Nội là từ 40 - 60 triệu đồng/m2. Cá biệt, có chung cư gây sốc khi rao bán với mức giá từ 100 triệu đồng/m2.
Có thể thấy việc nới room nhưng thị trường bất động sản chưa phản ánh đúng giá trị nhà đất thì việc bão giá sẽ trở thành nguyên nhân khiến nhiều người dân có cơ hội mua nhà.