‘Công ty bán lẻ với phân khúc cao cấp sẽ gặp ít rủi ro hơn từ việc cắt giảm hầu bao’
VNDirect cho rằng thị trường xa xỉ Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ sự gia tăng của tầng lớp người dân thu nhập cao. Các thương hiệu/công ty kinh doanh trong ngành hàng xa xỉ có thể đối mặt với rủi ro thấp hơn trong đợt suy giảm tiêu dùng tới.
Theo báo cáo ngành tiêu dùng của Công ty Chứng khoán VNDirect, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn tăng trưởng tốt ở mức 25,3% so với cùng kỳ trong 10 tháng năm 2022, phần lớn nhờ vào mức nền thấp trong 2021. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao trong bối cảnh lãi suất tăng và sự suy yếu của các ngành thâm dụng lao động (da giày, dệt may…).
Cụ thể, VNDirect cho rằng xu hướng cầu tiêu dùng dồn nén đang giảm dần trong môi trường lãi suất tăng và đồng VND yếu khiến người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao.
“Hiệu ứng tài sản”, hiện tượng tâm lý liên quan đến sự thay đổi trong cách thức chi tiêu của người tiêu dùng khi giá trị tài sản chưa thực hiện gia tăng mạnh khi tất cả các kênh đầu tư (thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, thị trường tài sản kỹ thuật số…) đều tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021.
Khi tất cả các thị trường này đều bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh trong năm nay, khiến giá trị tài sản chưa thực hiện quay đầu giảm, sức tiêu dùng người dân sẽ giảm.
Theo VNDirect, hầu hết các ngành thâm dụng lao động đang phải đối mặt với những áp lực lớn. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu khiến dệt may, da giày, nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ… phải thu hẹp quy mô sản xuất.
VNDirect cho rằng tình trạng suy thoái này có thể kéo dài đến quý III/2023 khi lãi suất dự kiến sẽ giảm và việc tăng lương tối thiểu sẽ tạo ra một động lực nhẹ cho tiêu dùng hàng hóa.
Trong bối cảnh sụt giảm trong tiêu dùng, VNDirect vẫn lạc quan với nhóm hàng xa xỉ. Theo đó, trong khi chi tiêu của những người tiêu dùng có thu nhập thấp bị siết chặt bởi lạm phát, thì những người giàu có thường là những người cuối cùng cảm nhận được tác động từ các ảnh hưởng tiêu cực này vì quy mô tài sản lớn mà họ đang nắm giữ.
“Dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi nhưng thị trường xa xỉ Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ sự gia tăng của tầng lớp người dân thu nhập cao ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với các mặt hàng xa xỉ (như du lịch cao cấp, trang sức, xe hơi, sản phẩm kỹ thuật số cao cấp…)”, báo cáo nêu rõ.
Theo VNDirect, dù người tiêu dùng giàu có sẽ trở nên kén chọn hơn trong bối cảnh khó khăn hiện tại, nhưng các thương hiệu/công ty có kinh doanh trong ngành hàng xa xỉ có thể đối mặt với rủi ro thấp hơn từ đợt suy giảm tiêu dùng này.
“Chúng tôi kỳ vọng các công ty bán lẻ có các mảng kinh doanh với phân khúc cao cấp có thể gặp ít rủi ro hơn từ việc cắt giảm hầu bao”, chuyên gia của VNDirect cho biết.
Công ty chứng khoán này cho biết các công ty bán lẻ ở Việt Nam đang hoãn mở rộng kinh doanh để củng cố tài chính trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế.
Cụ thể, việc mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đã bị trì hoãn kể từ quý III/2022. Số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh, Circle K cũng có mức giảm so với đầu năm cho thấy sự thận trọng của các chuỗi bán lẻ trước diễn biến thị trường hiện tại.
Do đó, các công ty tiêu dùng niêm yết có xu hướng duy trì tình hình tài chính tốt hơn so với các ngành khác với đòn bẩy thấp và vị thế tiền mặt ròng.
“Với lãi suất vay tăng dần trong giai đoạn hạn mức tín dụng hạn chế và điều kiện vĩ mô toàn cầu không ổn định, chúng tôi cho rằng các cổ phiếu có dòng tiền mạnh, với vị thế tiền mặt ròng và đòn bẩy thấp sẽ ổn định hơn khi đối phó với các biến động vĩ mô”, báo cáo nêu rõ.
Theo đó, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM), Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ), Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) với lượng tiền mặt ròng trên mỗi cổ phiếu trong quý III/2022 lần lượt là 35.372 đồng, 6.184 đồng, 693 đồng và 462 đồng sẽ là những thành trì tốt trong ngành tiêu dùng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã có những thay đổi trong chiến lược nhằm đánh giá lại nhu cầu thị trường và bảo vệ cấu trúc tài chính lành mạnh trong thời gian tới. Đơn cử như MWG và Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đã thực hiện các khoản vay nước ngoài kỳ hạn 5 năm với giá trị lần lượt là 250 triệu USD và 600 triệu USD với lãi suất cố định khoảng 6,5% nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng lãi suất trong thời gian tới.
VNDirect cho rằng dù các khoản vay này sẽ chịu lỗ tỷ giá, tuy nhiên việc đảm bảo nguồn tiền ổn định là ưu tiên quan trọng hơn.
Hay như MWG và Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số (HoSE: FRT) đã giảm tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng để đánh giá lại nhu cầu thị trường và giảm chi phí mở mới nhằm bảo vệ sức khỏe tài chính.
VNDirect nêu 4 rủi ro khi đầu tư vào ngành tiêu dùng. Một là tiêu dùng Việt Nam suy thoái lâu hơn dự kiến do tác động kéo dài của suy thoái toàn cầu và những biến động vĩ mô trong nước.
Hai là việc dự trữ quá nhiều hàng tồn kho đã lỗi thời khi nhu cầu đạt đỉnh trong đại dịch khiến chi phí thanh lý hàng tồn kho tăng lên. Ba là chi phí tài chính cao hơn dự kiến do lãi suất và tỷ giá hối đoái tăng.
Bốn là sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc kéo dài hơn dự kiến, đặc biệt là đối với các sản phẩm của Apple sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà bán lẻ và nhà phân phối công nghệ thông tin.