Vì sao giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng vọt?

(CL&CS) - Thị trường phục hồi cùng làn sóng mở rộng thương hiệu, chi nhánh của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn khiến giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm Hà Nội, TPHCM đang gia tăng khoảng 20-30% so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19.

Chịu sức ép lớn vì mặt bằng tăng giá

Mới đây, PhinDeli rời đi khỏi số 325 Lý Tự Trọng - một trong những mặt bằng bán lẻ có vị trí đắc địa nằm trên ngã 6 Phù Đổng (quận 1, TP.HCM). Nguyên nhân được cho là do hết hợp đồng thuê.

Giá mặt bằng bán lẻ tăng cao tạo sức ép cho đơn vị bán lẻ
Giá mặt bằng bán lẻ tăng cao tạo sức ép cho đơn vị bán lẻ

Giới chủ của PhinDeli đặt mục tiêu phát triển hơn 100 cửa hàng trên cả nước trong 5 năm tới. Đây rõ ràng là tham vọng lớn. Vì vậy, việc thương hiệu này không thể “chịu được nhiệt” cho thấy sự khốc liệt của thị trường mặt bằng khu vực trung tâm.

Sau PhinDeli, nhiều nguồn tin cho hay cửa hàng số 325 sẽ thuộc về một hệ thống siêu thị chuyên kinh doanh vali và thời trang cao cấp. Còn trước đó, vào năm 2019, sau gần 5 năm kinh doanh với giá thuê 14.000 USD/tháng, “ông lớn” trà và cà phê Phúc Long đã buộc phải rời đi khi chuỗi đậu nành Soya Garden nhảy vào với giá thuê 25.000 USD/tháng.

Có thể thấy, chỉ trong vài năm, mặt bằng “siêu hot” này đã liên tục đón hàng loạt thương hiệu lớn đến rồi lại đi. Nhưng không chỉ ở ngã 6 Phù Đổng, mặt bằng giá tại nhiều căn nhà mặt tiền trung tâm TP.HCM cũng liên tục thiệt lập đỉnh mới, với tốc độ tăng 15-20% theo tháng hoặc quý.

Điển hình, thời gian qua, giá thuê mặt bằng kinh doanh trên đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) liên tục lập đỉnh mới sau khi được gỡ hệ thống rào chắn phục vụ thi công ga ngầm metro. Khảo sát hơn 20 mặt bằng trên con phố dài chưa đầy 1km này cho thấy giá thuê bình quân ở mức trên dưới 200 triệu đồng/tháng.

Còn tại Hà Nội, số liệu của CBRE cho biết, tại khu vực trung tâm TP Hà Nội, giá chào thuê mặt bằng ở tầng 1, không bao gồm VAT và phí dịch vụ đang đạt mức 144 USD/m2/tháng (tăng 9% theo quý và 39,5% theo năm).

Đây là mức giá thuê cao nhất ghi nhận từ trước đến nay ở khu vực trung tâm Thủ đô. Với các mặt bằng ngoài trung tâm, giá thuê cũng rơi ở mức đạt 27 USD/m2/tháng (tăng 6,9% theo quý và tăng 14% theo năm).

Đối với nhiều thương hiệu bán lẻ tại trung tâm thương mại (TTTM) có chất lượng vận hành tốt trong thời gian gần đây cũng đang góp phần thúc đẩy giá thuê mặt bằng tăng cao. Những dự án được vận hành bởi chủ đầu tư chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm như Vincom Retail (Việt Nam), Lotte (Hàn Quốc), Aeon Maill (Nhật Bản) hay Central Group của Thái Lan hiện vẫn giữ tỉ lệ lấp đầy cao.

Vì sao giá ngày một tăng?

Nguyên nhân đầu tiên là bởi tiềm năng khổng lồ của thị trường Việt Nam (được dự báo nằm trong top 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới cuối thập kỷ), khiến các đại gia bán lẻ trong và ngoài nước đua mở rộng quy mô nhằm chớp thời cơ.

Dữ liệu của trang Batdongsan thông tin, thị trường mặt bằng cho thuê đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Tổng lượt tin đăng rao cho thuê nhà phố mặt tiền tại TPHCM đang tăng 46%, lượng tìm kiếm cũng tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt bằng tại trung tâm quận 1 giá thuê tăng trên 20% so với cao điểm cùng kỳ năm 2021.

 Phía Savills Việt Nam cũng đánh giá, nhiều thương hiệu bán lẻ cao cấp được dự đoán sẽ gia nhập thị trường, một số sẽ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Nick Bradstreet - Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Savills cho biết, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bật cao hơn so với các thị trường trong Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan khi còn nhiều dư địa để các nhãn hàng cao cấp mở rộng, phát triển.

Minh chứng là mới đây, Uniqlo Việt Nam đã khai trương chi nhánh tại Vincom Bà Triệu (Hà Nội), với cửa hàng rộng 2.000 m2 tọa lạc tại một trong những trung tâm mua sắm lâu đời, sôi động nhất Thủ đô. Sau đó, thương hiệu này dự kiến mở thêm hai chi nhánh tại Vincom Royal City và Vincom Trần Duy Hưng.

Một số đại gia bán lẻ hàng đầu khác cũng rục rịch kế hoạch rót tiền vào thị trường Việt Nam. Điển hình, đầu tháng 10, Central Retail (sở hữu chuỗi siêu thị GO!) dự kiến chi gần 800 triệu USD để mở rộng gấp đôi. Hay như Lotte sau khi rót thêm 5 tỷ USD, cũng bày tỏ ý định đầu thêm nhiều dự án mới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước trong 3 quý đầu năm ước tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, với giá trị tuyệt đối hơn 4,17 triệu tỷ đồng. Đây là con số 9 tháng cao nhất trong 5 năm qua.

Bên cạnh tiềm năng của thị trường, theo nhiều chuyên gia, việc nhiều đơn vị bán lẻ lớn giữ vị trí đẹp với giá trên trời nhằm mục tiêu chính là quảng bá thương hiệu thay vì đặt mục tiêu lợi nhuận.

Đơn cử, đại diện chuỗi Chuk Tea & Coffee cho biết đang sửa sang lại một mặt bằng trên đường Lê Lợi để mở cửa đón khách. Tuy nhiên, cửa hàng tại đây mang ý nghĩa “tuyên ngôn cho thương hiệu”, cùng mục tiêu đem lại trải nghiệm cho khách hàng hơn là chú trọng doanh số.

Có thể thấy rằng, Việt Nam vẫn đang được đánh giá là một trong số các thị trường bán lẻ hàng đầu và hấp dẫn nhất trên toàn cầu, vì vậy giá mặt bằng cho thuê tăng theo thời gian là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn, việc “hét giá” một các vô lý sẽ khó có thể tồn tại lâu dài. Đã đến lúc chủ mặt bằng và khách thuê cần nhìn về một hướng để cùng có lợi.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống