Công ty Golf Việt Nam kinh doanh thế nào trước khi đổi tướng?

Công ty Cổ phần dịch vụ Golf Việt Nam báo lỗ sau thuế 2,9 tỷ đồng trong năm 2021, nâng mức lỗ luỹ kế đến ngày 31/12/2021 lên gần 5 tỷ đồng.

Bất động sản sân golf nở rộ

VGS Group thay tướng

Theo Golf New, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2022 của Công ty Cổ phần dịch vụ Golf Việt Nam (VGS Group) mới đây, ông Bùi Đức Long đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT của VGS Group thay ông Nguyễn Hồng Đức.

Ông Bùi Đức Long hiện đang giữ chức Chủ tịch T99 Group và Quỹ đầu tư mạo hiểm Risemount Capital, cổ đông lớn của VGS Group từ cuối năm 2021. Vào đầu tháng 7/2022, T99 Group đã cùng các đối tác của mình thành lập Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng trẻ Golf Việt Nam – PVG dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Golf Việt Nam với số tiền ban đầu là gần 10 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm 2022, T99 Group đã có những sự đầu tư và tài trợ khá nhiều cho golf Việt Nam, trong đó có việc đồng hành cùng đội tuyển golf Quốc gia tại SEA Games 31, là nhà tài trợ Danh xưng của hệ thống giải vô địch golf Nghiệp dư Quốc gia và giải chuyên nghiệp Tour Championship.

Ngoài ra, ông Bùi Đức Long còn được biết đến với vai trò Chủ tịch Hội đồng sáng lập Vicoland Group; Chủ tịch sáng lập thương hiệu BĐS nghỉ dưỡng cao cấp Risemount.. Trước đó, trong giai đoạn 6/2020 – 4/2021, ông Long thuộc Thành viên HĐQT (không điều hành) Ngân hàng Quốc dân (NCB).

Trong khi đó, Công ty Cổ phần dịch vụ Golf Việt Nam được thành lập ngày 22/12/2016 tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Cổ đông sáng lập bao gồm ông Hồ Minh Đức góp 30%, ông Nguyễn Hồng Đức góp 30% và ông Nguyễn Xuân Tài góp 40%. Người đại diện pháp luật VGS Group là ông Nguyễn Hồng Đức (cập nhật trước tháng 8/2017, vốn điều lệ ở mức 9,9 tỷ đồng).

Tuy nhiên đến tháng 8/2017, cả 3 cổ đông sáng lập VGS Group đồng loạt giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại doanh nghiệp về còn: ông Hồ Đức Minh 21%; ông Nguyễn Xuân Tài 28%; ông Nguyễn Hồng Đức 21%. Đáng chú ý, cổ đông mới không được cập nhật.

Cập nhật đến tháng 1/2022, Vốn điều lệ VGS Group đạt 50,1 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

VGS Group lỗ luỹ kế gần 5 tỷ đồng

Sau gần 6 năm thành lập, VGS Group đã tạo dựng được hệ sinh thái ấn tượng với với 9 công ty thành viên bao gồm:  VGS Holding, VGS Media, VGS Event, VGS Booking, VGS Sport, VGS Southern, VGS Travel, VGS Shop, VGS Central.

Tính đến cuối năm 2021, Tổng tài sản Công ty Cổ phần dịch vụ Golf Việt Nam (riêng lẻ) đạt 98,2 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với hồi đầu năm. Phần biến động này đến từ việc doanh nghiệp phát sinh 40 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác (cùng kỳ không ghi nhận); VGS Group đầu tư 19,6 tỷ đồng vào công ty liên danh, liên kết và 1 tỷ đồng vào công ty con...

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả doanh nghiệp tăng gấp đôi sau 12 tháng, đạt 10,4 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính xấp xỉ 6 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ phải trả VGS Group.

Kết thúc năm 2021, doanh thu Công ty Cổ phần dịch vụ Golf Việt Nam đạt 16,5 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2020. Giá vốn bán hàng thấp giúp doanh nghiệp báo lãi gộp 13,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự phình to của các chi phí như chi phí bán hàng (6,9 tỷ đồng), Chi phí quản lý doanh nghiệp (9,2 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ), chi phí khác (1,1 tỷ đồng).. bào mòn toàn bộ lợi nhuận VGS Group thu về trong kỳ.

Kết quả, Công ty Cổ phần dịch vụ Golf Việt Nam báo lỗ sau thuế 2,9 tỷ đồng trong năm 2021, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp lãi hơn 3,5 tỷ đồng.

Luỹ kế đến ngày 31/12/2021, tổng lỗ luỹ kế VGS Group còn 4,8 tỷ đồng.

Theo Chất lượng và cuộc sống