“Cú hích” từ du lịch liệu có “cứu” được bất động sản nghỉ dưỡng?
Thực tế thị trường bất động sản trong thời gian qua cho thấy, trong khi các phân khúc khác đều đã có nhiều dấu hiệu phục hồi thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái “ảm đạm. Liệu rằng, những tín hiệu khởi sắc từ du lịch liệu có giúp bất động sản nghỉ dưỡng “thoát khó”?
Bất động sản nghỉ dưỡng “trượt dài”
Xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2015, các dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng bắt đầu phát triển bùng nổ với mức tăng trưởng lên tới 50% mỗi năm cho đến khi có sự giảm sút mạnh trong năm 2018 rồi liên tục biến động bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2017, cùng với sự phát triển đa dạng về du lịch, hàng nghìn dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được phát triển, tập trung ở khu vực Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...
Nhiều siêu dự án du lịch, nghỉ dưỡng hàng hiệu, mang nét đặc trưng riêng của vùng miền cũng được các “ông lớn” BĐS phát triển, với sự tham gia của các đơn vị nước ngoài có thương hiệu và uy tín toàn cầu. Đặc biệt là sản phẩm condotel, khi các dự án loại hình này ồ ạt mọc lên, đưa ra thị trường vào những năm 2016 - 2017 với mức hấp thụ rất tốt.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường đã giúp hàng nghìn khu nghỉ dưỡng, resort, và các dự án bất động sản du lịch cao cấp được hấp thụ.
Tuy nhiên, đến năm 2018, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đổi chiều suy giảm do có nhiều bất cập nội tại khiến nhà đầu tư e ngại như tính pháp lý của condotel; năng lực vận hành, cam kết của chủ đầu tư, giá,... Năm 2020, tác động của dịch Covid-19 khiến thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng có dấu hiệu đóng băng và không có giao dịch cho tới hết năm 2021.
Đầu năm 2022, dòng tiền dễ với lãi suất thấp được bơm vào thị trường, hướng vào hoạt động đầu cơ, kéo theo theo nhu cầu BĐS tăng cao ở tất cả các phân khúc. Thời điểm này, BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã mau chóng đón đầu làn sóng du lịch hậu Covid, đối với cả khách trong và ngoài nước. Ngay trong quý đầu năm 2022, các ông lớn BĐS dồn dập công bố, đề xuất đầu tư, tài trợ lập quy hoạch những dự án nghỉ dưỡng hàng trăm đến vài chục nghìn ha, thậm chí hàng tỷ USD.
Thế nhưng, đến giữa tháng 5 năm 2022, thị trường BĐS bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng nhiều lý do khác đã khiến điều kiện thị trường tài chính trở nên khó khăn hơn, kéo theo đó là nhiều rủi ro và lãi suất tăng. Dòng tiễn dễ gần như không còn khi càng về cuối năm. Cùng với các vấn đề pháp lý chưa được giải quyết, hàng loạt dự án BĐS phải tạm dừng triển khai, trong đó phần lớn là các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã chỉ ra, năm 2023 chỉ có 3.165 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới gia nhập nguồn cung, giảm hơn 80% so với năm 2022. Trong đó, phần lớn nguồn cung tạp trung chủ yếu tại khu vực miền Trung với hơn 1.200 sản phẩm.
Nửa đầu năm 2023, với tình trạng "đóng băng" của thị trường, nhiều chủ đầu tư đã dừng triển khai hoặc dời thời gian bán hàng. Trong 2 quý cuối năm, nguồn cung đã có dấu hiệu cải thiện nhưng chỉ bằng khoảng 30% cùng kỳ năm trước. Sản phẩm mới chủ yếu tập trung tại loại hình condotel
Về giá bán, giảm 50% trên thị trường thứ cấp, song vẫn khó khăn thanh khoản. Nhất là các sản phẩm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng giá trị cao trên 10 tỷ đồng. Mức giá sơ cấp tăng nhẹ so với các giai đoạn chào bán trước đó do các dự án đã gần hoàn thiện và đang được tập trung nhiều hạ tầng, tiện ích, dịch vụ. Sản phẩm căn hộ có dấu hiệu phục hồi tốt tại thời điểm cuối năm, ghi nhận mức tăng nhẹ khoảng 3-5%.
Kỳ vọng cú hích từ ngành du lịch
Theo dự báo của VARS, trong năm 2024, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội cải thiện nhờ tiến trình phục hồi chung của thị trường, cũng như các tín hiệu tích cực từ các yếu tố vĩ mô, nhưng không nhiều, tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Ngoài ra trong năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu cao hơn với việc đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Nếu đạt được các mục tiêu đã đề ra, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi nhanh hơn trong các giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó tín hiệu tích cực của bất động sản nghỉ dưỡng còn đến từ hàng loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện khung pháp lý cho condotel. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu ban hành sửa đổi bổ sung quy chuẩn tiêu chuẩn đối với condotel. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế quản lý, kinh doanh và Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với loại hình này.
Ngoài ra, Nghị định 10/2023 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/5/2023 cũng mở đường cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch (condotel, resort villa…) tạo hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương cần có chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng tại các vùng, khu du lịch, đẩy mạnh liên kết vùng; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
Theo ông Lực, các địa phương cần quan tâm xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu thị trường BĐS nói chung và BĐS du lịch nói riêng, vừa phục vụ quản lý, vừa thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực BĐS.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thời gian qua BĐS du lịch, nghỉ dưỡng bị thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động…
“Nhận thức rõ những khó khăn của thị trường và doanh nghiệp BĐS, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện các dự án bất động sản tại nhiều địa phương. Đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất ... để tiếp tục triển khai thực hiện tăng nguồn cung cho thị trường.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai quyết liệt về việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực BĐS”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.