Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng xem xét chiều cao Tháp tài chính 108 tầng tại Hà Nội
Tháp tài chính 108 tầng là toà nhà cao nhất Việt Nam, một phần của dự án Thành phố thông minh có tổng số vốn đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD và có diện tích quy hoạch lên đến 272ha thuộc địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét về chiều cao tĩnh không công trình Tháp tài chính 108 tầng tại dự án đầu tư Thành phố thông minh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Theo UBND thành phố, việc xây dựng công trình Tháp tài chính cao 108 tầng thuộc dự án Thành phố thông minh là phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, đồng thời tán thành và ủng hộ về chủ trương việc nghiên cứu thiết kế công trình thành tổ hợp công trình mang tầm cỡ quốc tế.
Để có cơ sở cho Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu chấp thuận độ cao tĩnh không công trình Tháp tài chính và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp với Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá phương án chiều cao tĩnh không dự kiến xây dựng công trình và các yêu cầu kỹ thuật có liên quan.
UBND thành phố Hà Nội cho biết hiện nay Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (là Tổ chức kinh tế thực hiện dự án) đang triển khai các thủ tục đầu tư dự án Trung tâm tài chính thương mại, hỗn hợp nêu trên (Tháp tài chính) có quy mô công trình cao 108 tầng, chiều cao dự kiến 639m với mục tiêu trở thành toà nhà cao nhất Việt Nam.
Báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội cho biết công ty đã liên hệ với Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu để xin chấp thuận độ cao tĩnh không của công trình Tháp tài chính.
Về vấn đề này, theo Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân, chiều cao 639m của công trình không ảnh hưởng tới hoạt động bay của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng như không ảnh hưởng đến hành lang diễu binh, duyệt binh Ba Đình.
Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải cho rằng chiều cao trên không ảnh hưởng đến các bề mặt giới hạn chướng ngại vật tại sân bay Nội Bài, tuy nhiên, công trình này ảnh hưởng đến các phương thức bay hàng không dân dụng tại sân bay Nội Bài hiện hữu..., và còn ảnh hưởng đến các sơ đồ độ cao tối thiểu phân khu (MSA) và sơ đồ độ cao tối thiểu giám sát phân khu (MVA). Độ cao không ảnh hưởng đến hệ thống phương thức bay hiện hữu tại sân bay Nội Bài là 354m.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị xem xét tính chất quan trọng của công trình. Trong trường hợp vẫn quyết định xây dựng công trình này thì yêu cầu Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và đo đạc liên quan phối hợp với Cục Tác chiến, Cục Hàng không Việt Nam cùng Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam rà soát, bổ sung độ chính xác các số liệu đầu vào để có phương án nghiên cứu sâu, đánh giá tác động, tính toán chi tiết và xem xét độ cao của công trình hay điều chỉnh hệ thống phương thức bay liên quan tại sân bay Nội Bài.
Tháp tài chính 108 tầng là một phần của dự án Thành phố thông minh có tổng số vốn đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD và có diện tích quy hoạch lên đến 272ha thuộc địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Dự án được BRG và Sumitomo ký thỏa thuận cùng phát triển hồi giữa năm 2017.
Tháng 10/2019, nhà đầu tư đã tổ chức lễ động thổ. Sau đó, dự án chưa triển khai thêm vì phải chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Cuối năm 2023, nhiều nguồn tin cho rằng trước thông tin dự án xây dựng Thành phố thông minh Bắc Hà Nội dự kiến sẽ khởi công tháp trung tâm tài 108 tầng vào ngày 10/11/2023 nhưng sau đó dự án chỉ ở mức khởi động.
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội được thành lập vào năm 2019 với vốn điều lệ 3.538 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Sumitomo Corporation (50%), Tập đoàn BRG (20%), Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường (14%), Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (11%), Công ty Cổ phần Dịch vụ và Kinh doanh Bất động sản Hà Nội (5%).
Vào tháng 10/2023, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên 14.260 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành tăng vốn, Tập đoàn Sumitomo vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ, tương ứng 7.130 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông trong nước không được tiết lộ.