Cuộc đại tu của các khu công nghiệp trên toàn thế giới

Cùng với xu hướng phát triển bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang bắt đầu xây dựng các khu công nghiệp sinh thái và có những thành công nhất định.

Cuộc “đại tu” các khu công nghiệp

Cuối năm 2024, tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã nhấn mạnh việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặt việc xây dựng một loạt các khu công nghiệp xanh, không phát thải carbon lên hàng đầu.

Không riêng Trung Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đẩy mạnh “xanh hóa” các khu công nghiệp. Nhiều quốc gia và khu vực đang tích cực tham gia vào việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái và đã đạt được nhiều thành tựu nhất định.

Nhu cầu phát triển các khu công nghiệp xanh ngày càng tăng trong bối cảnh phần lớn cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện nay đã sẵn sàng cho một “cuộc đại tu” dựa trên tính bền vững.

Không phủ nhận rằng các khu công nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và xã hội của nhiều quốc gia. Song, ở mặt tiêu cực, chính các khu công nghiệp là những tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và cạn kiệt tài nguyên. Chưa kể, tại nhiều khu vực, các khu công nghiệp đã lỗi thời, với các nhà xưởng cũ kỹ và cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng tiêu chuẩn vì môi trường.

Khi thế giới phải đối mặt với tình trạng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, áp lực về việc hoạt động có trách nhiệm hơn với xã hội và môi trường từ phía người tiêu dùng, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đặt lên vai các công ty ngày càng tăng.

Trong bối cảnh đó, các khu công nghiệp sinh thái đã trở thành một giải pháp đáng chú ý, bởi quá trình sản xuất không thể tách rời khỏi hoạt động bảo vệ môi trường. Một mặt, các khu công nghiệp sinh thái giúp giảm thiểu rủi ro về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, mặt khác, nó giúp các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả sử dụng vốn, tiết kiệm chi phí tiện ích, thu hút dòng vốn FDI.

Sự khác biệt giữa khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp truyền thống.
Sự khác biệt giữa khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp truyền thống.

Trên thực tế, ý tưởng về khu công nghiệp sinh thái lần đầu tiên được trình bày tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNICED) tại Rio de Janeiro vào năm 1992. Thời điểm thuật ngữ này được giới thiệu, nhiều quốc gia tại châu Phi, châu Á, châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ đã khởi động những kế hoạch phát triển khu công nghiệp sinh thái.

Mỗi quốc gia có một khái niệm riêng về khu công nghiệp sinh thái. Tại Việt Nam, theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, Khu công nghiệp sinh thái (EIP), còn được gọi là Khu công nghiệp sinh thái hoặc Khu công nghiệp xanh, là khu công nghiệp hoặc tổ hợp được thiết kế tập trung mạnh vào tính bền vững về môi trường và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Mục tiêu chính của khu công nghiệp sinh thái là giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong khi tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội. 

Từ thực tiễn phát triển của các khu công nghiệp sinh thái tại nhiều quốc gia, các khu công nghiệp sinh thái mang đến nhiều lợi ích, về cả kinh tế lẫn môi trường và xã hội. Những lợi ích của các khu công nghiệp sinh thái không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh doanh thông thường mà còn giúp giảm thiểu rủi ro về tài nguyên. Quan trọng hơn, đây cũng là cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến “xanh hóa”.

Những quốc gia tiên phong về khu công nghiệp sinh thái

Khu công nghiệp sinh thái Kalundborg (Đan Mạch) được coi là một ví dụ điển hình khi trở thành biểu tượng của nền kinh tế bền vững trên thế giới. Được thành lập từ năm 1972 với mục tiêu chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng bền vững, Kalundborg đã hình thành nên chuỗi sản xuất tuần hoàn giữa 16 các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Ở đó, các công ty sử dụng năng lượng và vật liệu thải từ những công ty khác làm đầu vào cho quy trình của riêng họ.

Đơn cử như 6 doanh nghiệp lớn ở Kalundborg đã tái sử dụng chất thải của nhau để tạo ra sản phẩm mang lại giá trị. Hay nhà máy điện đốt khí dư thừa của nhà máy lọc dầu để tạo ra điện và hơi nước.

Khu công nghiệp sinh thái Kalundborg (Đan Mạch).
Khu công nghiệp sinh thái Kalundborg (Đan Mạch).

Tại Hàn Quốc, khu công nghiệp Ulsan Mipo & Onsan – nơi có 1.000 công ty trong các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, đóng tàu, lọc hóa dầu,… - cũng được xem là một ví dụ thành công về xây dựng khu công nghiệp sinh thái.

Ulsan Mipo & Onsan là một phần của Sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái của Hàn Quốc nhằm mục đích chuyển đổi các khu phức hợp công nghiệp truyền thống thành các khu công nghiệp sinh thái bền vững.

Các công ty đặt tại hai khu công nghiệp này đã đầu tư khoảng 520 triệu USD vào các cải tiến thân thiện với môi trường, chẳng hạn như quản lý chất thải, sử dụng năng lượng tự nhiên,… Đến nay, khoản đầu tư này đã “tiết kiệm” cho những công ty trên 554 triệu USD. Các công ty trong khu công nghiệp sinh thái đã giảm lượng khí thải CO2 của họ trong năm 2015 - 2016 là 665.712 tấn, tái sử dụng 79.357 tấn nước và tiết kiệm được 279.761 tấn dầu tương đương trong việc sử dụng năng lượng.

Hay như khu công nghiệp Burnside Industrial Park tại Canada. Các công ty tại đây sử dụng các chương trình tái chế và tái sử dụng chất thải của các doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và giao thông xanh.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mô hình khu công nghiệp sinh thái được hình thành từ năm 2014. Tính đến năm 2023, Việt Nam có 7 KCN sinh thái trên cả nước, bao gồm: KCN Trà Nóc 1 và KCN Trà Nóc 2 (Cần Thơ), KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Hiệp Phước (TPHCM), KCN Đình Vũ (Hải Phòng) và KCN Amata (Đồng Nai).

Tuy vậy, số lượng khu công nghiệp sinh thái chỉ chiếm khoảng 1% trên tổng số khu công nghiệp cả nước, đặt ra câu hỏi lớn về việc làm thế nào để chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình sinh thái một cách hiệu quả và đồng bộ hơn.

Khánh Tú

Theo Vietnamfinance