Cuối năm, nhà thầu xây dựng "méo mặt" vì giá vật liệu tăng cao
Việc các doanh nghiệp xi măng, thép, cát... đồng loạt điều chỉnh tăng giá trong 3 tháng cuối năm đang khiến nhiều nhà thầu xây dựng một lần nữa “méo mặt”, nguy cơ chậm tiến độ bàn giao công trình luôn hiện hữu.
Giá vật liệu xây dựng liên tục "nhảy múa"
Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng), thép xây dựng hiện chiếm khoảng 28% chi phí xây một căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng một căn nhà liền kề. Với giá thép hiện tăng lên tới 40-45% so với những tháng đầu năm, hiện đang bán với mức giá từ 17.000 - 190.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, những ngày cuối tháng 10, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đã điều chỉnh mức giá sản phẩm bán ra, với mức tăng từ 70.000-100.000 đồng/tấn so với những tháng đầu năm.
Không riêng gì xi măng và thép, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng khác cũng nhiều lần đưa ra thông báo thay đổi, điều chỉnh tăng giá bán khiến lượng sản phẩm tiêu thụ tại các cửa hàng vật liệu xây dựng giảm mạnh.
Ghi nhận tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng giá thép đều có sự biến động theo từng ngày. Ông Nguyễn Minh Thanh - Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tư Thành Phát cho biết, nếu so với đầu năm thì hiện nay giá thép liên tục tăng. Cụ thể, thời điểm tháng 1, giá thép cuộn P06 chỉ có giá 15.260 đồng/kg thì nay đã lên đến 16.500 đồng/kg. Giá thép cuộn P08 - P28, thép văn D12 - D32, thép cây D10 CB300… cũng đều tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm.
“Từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng do các nhà sản xuất đưa ra đã nhiều lần thay đổi, tăng giá khiến cho lượng bán ra của các cửa hàng vật liệu xây dựng của công ty tôi bị giảm mạnh. Việc giá vật liệu tăng trong thời gian qua đã khiến nhiều chủ thầu và chủ đầu tư quyết định giãn, thậm chí tạm ngưng thi công để chờ giảm giá. Theo tôi tìm hiểu, việc giá thép tăng mạnh là do đứt gãy chuỗi cung ứng và hiện nay giá sắt thépthế giới cũng tăng mạnh, cộng với nhu cầu xây dựng hồi phục sau dịch COVID-19 tăng nhanh, do đó cầu tăng thì cung tăng”, ông Thanh cho hay.
Còn ông Nguyễn Văn Trường - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xây dựng Long Trường (Quận Tân Phú) cho biết, từ tháng 1 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, gạch, cát sỏi, xi măng… tăng giá liên tục so với những năm trước; trong đó, tăng mạnh nhất là sắt thép, có thời điểm tăng hơn 40%.
“Lúc trước, nếu có tăng thì chỉ tăng một vài trăm đồng/kg, nhưng từ đầu năm đến nay có thời điểm tăng hơn 8.000 đồng/kg, tùy từng loại sắt thép. Giá vật liệu tăng đã khiến nhiều chủ thầu xây dựng quyết định giãn, thậm chí tạm ngừng thi công để chờ hạ giá rồi mới triển khai. Cũng có khách hàng vẫn tiếp tục hợp đồng cung ứng vật liệu nhưng để bớt chi phí, họ phải cắt giảm diện tích xây dựng, hoặc giảm bớt chất lượng nguyên vật liệu ở những hạng mục khác để bù lại phần phát sinh. Điều này khiến cho lượng vật liệu bán ra của công ty giảm mạnh, doanh thu giảm hơn 50% so với những năm trước”, ông Trường nói.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 3,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như: giá thép xây dựng tăng 30 - 40% (mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường), giá nhựa đường tăng 9 - 10%, giá xi măng tăng 3 - 5%... Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới, trong khi một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng phải nhập khẩu dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, từ đó làm tăng giá vật liệu xây dựng…
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay dịch bùng phát ở hầu hết các quốc gia, việc hạn chế đi lại, thông quan hàng hóa chậm lại dẫn đến thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa xuất khẩu kéo dài, nhân công bốc xếp, vận tải hàng hóa bị đình trệ cũng làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước.
Nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư "méo mặt"
Có thể thấy, việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp, nhà thầu bởi chi phí xây dựng tăng mạnh, khiến giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng. Không những thế, việc tăng giá trên cũng làm cho nhiều nhà thầu có nguy cơ phá vỡ hợp đồng đã ký với khách hàng trước đó, bởi tại thời điểm hợp đồng với khách hàng, giá sắt thép còn thấp nhưng đến lúc thi công giá sắt thép lại tăng cao.
Ông Nguyễn Lộc Thành - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Tín Đức (Quận 12) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp xây dựng thường làm hợp đồng với chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói nên khi giá các loại vật liệu tăng thì phía nhà thầu phải tự chịu. Việc tăng giá vật liệu xây dựng thời gian qua đã khiến không ít nhà thầu “không chịu được nhiệt” đành chấp nhận đền bù hợp đồng hay bỏ ngang công trình để cắt lỗ.
“Hiện nay, không chỉ sắt thép mà trên thị trường, các loại vật liệu khác như cát sỏi, xi măng cũng đồng loạt tăng giá. Để giữ chữ tín với đối tác, là một công ty nhỏ, nhưng thời gian qua chúng tôi đã phải bù lỗ gần 1 tỷ đồng tiền vật liệu xây dựng để hoàn thiện các công trình đã ký kết.
Mặc dù nhiều địa phương đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, song dịch COVID–19 hiện vẫn diễn biến phức tạp khó lường nên các doanh nghiệp như chúng tôi khó vẫn hoàn khó. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn phải loay hoay tự tìm các giải pháp để khắc phục những khó khăn nêu trên”, ông Thành cho hay.
Ở một góc nhìn khác, ông Võ Anh Thuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng Tiến Thịnh (Quận Gò Vấp) phân tích, trong một dự án bất động sản thì sắt thép chiếm chi phí rất cao, từ 15-25%, những chi phí đó đều tính vào giá bán và người phải gánh thiệt hại đó không ai khách ngoài khách hàng mua nhà. Do vậy, việc giá vật liệu xây dựng tăng đồng nghĩa với việc các chủ đầu tư phải tăng giá bán sản phẩm bất động sản thêm 10%, thậm chí cao hơn. Trường hợp khách hàng ít thì chủ đầu tư buộc phải chấp nhận cắt giảm lợi nhuận xuống để giữ giá bán và kéo khách hàng.
“Trong thời gian tới, tình hình giá vật liệu xây dựng vẫn chưa thể giảm. Có thể phải đến cuối năm nay hay thậm chí cuốiđầu năm sau, giá các loại vật liệu phục vụ xây dựng mới có thể giảm xuống ổn định. Với tình hình dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp công với việc giá thép tăng trong thời gian qua đã gây rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và cả các đơn vị xây dựng. Đây là vấn đề cực kỳ lớn của doanh nghiệp, do vậy, cả các doanh nghiệp buôn bán vật liệu xây dựng lẫn các chủ thầu, nhà đầu tư vẫn phải tự tìm các giải pháp để khắc phục", ông Thuấn nói và nhận định giá bán nhà ở thời gian có khả năng sẽ tăng theo giá bán của các loại vật liệu xây dựng để bù đắp chi phí.
Còn ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam thì cho biết, việc giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua sẽ tác động đến các dự án bất động sản đang triển khai và ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu, chủ đầu tư. Khi chi phí tăng cao thì lợi nhuận chắn chắn sẽ giảm xuống, khi đó một số dự án có thể sẽ bị thi công cầm chừng, hoặc phải đàm phán lại giữa chủ đầu tư và nhà thầu giãn tiến độ xây dựng để chờ giá nguyên vật liệu giảm xuống.
“Nếu không kìm hãm được đà tăng giá của các vật tư đầu vào thì nhiều khả năng thị trường bất động sản sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, ảnh hưởng đến người mua và tiến độ của các công trình xây dựng", ông Hoàng nhấn mạnh.