‘So găng’ kết quả kinh doanh của ông lớn ngành xây dựng 9 tháng đầu năm 2021: Lợi nhuận Hòa Bình khởi sắc, Coteccons tiếp tục lao dốc
Báo cáo tài chính quý III/2021 vừa được nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng công bố. Trong đó phải nói đến kết quả kinh doanh của Coteccons và Hòa Bình. Điều đáng nói là hai ‘bộ mặt’ khác nhau về tình hình làm ăn của hai ông lớn này.
Hòa Bình báo lãi, dòng tiền kinh doanh dương trở lại
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 vừa được CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) công bố công ty ghi nhận doanh thu hơn 2,092 tỷ đồng (giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Việc doanh thu giảm và không còn khoản thu nhập khác như quý III năm ngoái đã kéo lãi sau thuế công ty giảm 90% còn 5,2 tỷ đồng. Lãi ròng của công ty mẹ cũng giảm còn gần 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là hơn 52 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Hòa Bình ghi nhận 7.536 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6%. Tuy nhiên do doanh thu từ hoạt động tài chính trong nửa đầu năm tăng mạnh 115% (đạt gần 88 tỷ đồng) cùng với việc tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng, công ty báo lãi sau thuế tăng 17% lên 73,3 tỷ đồng.
Kết quả, ‘ông lớn’ ngành xây dựng báo lãi ròng 9 tháng đạt gần 81 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Theo kế hoạch năm 2021, công ty đặt mục tiêu đạt 13.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 235 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy tính đến cuối quý III, công ty đã thực hiện lần lượt 56% và 31% mục tiêu năm.
Tính đến cuối tháng 9, tình hình sức khỏe tài chính của HBC cũng ghi nhận nhiều sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, tại thời điểm 30/09/2021, tổng tài sản tăng 238 tỷ đồng so với con số hồi đầu năm, lên mức 15,790 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn nhảy vọt lên gần 72 tỷ đồng, gấp 5 lần hồi đầu năm với toàn bộ đến từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Hàng tồn kho cũng tăng 18%, giá trị gần 2,953 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ. Số dư hàng hóa bất động sản của công ty đạt 226 tỷ đồng, chủ yếu ở ba lô đất tại Nhà Bè và quận 12, TP Hồ Chí Minh cùng ba căn hộ Lerman.
Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn của HBC giảm 89 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn gần 10,567 tỷ đồng.
Tình hình nợ vay tài chính của công ty cũng ghi nhận giảm nhẹ so với đầu năm, trong đó nợ vay trong ngắn hạn là 4.232 tỷ đồng, giảm 15% và nợ trong dài hạn là 129 tỷ đồng, giảm 11%, chủ yếu là vay nợ ngân hàng.
Giá trị trúng thầu cần đạt trong năm nay là 14.000 tỷ đồng, bao gồm 10.000 tỷ đồng đến từ các dự án công nghiệp và 4.000 tỷ đồng từ dự án dân dụng. Đầu tháng 10, đơn vị nhận được thông báo trúng thầu 2 dự án mới tại Hà Nội gồm Heritage West Lake và Xây dựng nhà ở thấp tầng lô đất TT3 thuộc ô quy hoạch C14 tại Long Biên với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Qua đó, tổng giá trị trúng thầu từ đầu năm đến nay đạt 16.054 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch năm.
Vào cuối tháng 9, Xây dựng Hòa Bình đã lên kế hoạch phát hành hơn 11,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 5% (sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 5 cổ phiếu mới).
Ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức là 30/9, tương ứng 29/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền.
Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12 là hơn 846 tỷ đồng. Sau phương án trên, vốn điều lệ của Xây dựng Hòa Bình tăng từ 2.308 tỷ lên 2.423 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, công ty sẽ chia cổ tức tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu cho năm 2020. Năm 2021, tỷ lệ cổ tức dự kiến giữ mức 5% bằng tiền mặt hoặc/và bằng cổ phiếu.
Coteccons lần đầu báo lỗ sau 1 năm về tay Kusto
Trong quý III năm nay, CTCP Xây dựng Coteccons ( Mã CK: CTD) ghi nhận doanh thu giảm mạnh 61% xuống còn 1.070 tỷ đồng. Hoạt động xây dựng chiếm tỷ trọng lớn, chỉ một phần nhỏ đến từ những mảng kinh doanh khác như bán hàng, cho thuê văn phòng, thiết bị xây dựng.
Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty giảm mạnh chỉ còn vỏn vẹn 1/10 cùng kỳ, xấp xỉ 17 tỷ đồng. Trừ thêm các chi phí và thuế, CTD lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 89 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây cũng là quý đầu tiên Coteccons thua lỗ sau một năm về tay Kusto, cũng là khoản lỗ đầu tiên từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán cách đây hơn mười năm.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Coteccons đạt 6.189 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng gần 88 tỷ đồng; giảm 40% về doanh thu và 76% về lợi nhuận.
Được biết năm 2021 Coteccons đặt kế hoạch 17.413 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 340 tỷ đồng lãi sau thuế. So với kế hoạch này, Coteccons mới thực hiện được 35,5% mục tiêu doanh thu và chưa tới 25% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của CTD là 13.011 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là phải thu ngắn hạn của khách hàng với gần 6.319 tỷ đồng. Đáng lưu ý, khoản phải thu về cho vay tăng đột biến lên 719 tỷ trong khi cuối quý II chỉ 20 tỷ đồng và đã gấp 2,73 lần so với đầu năm.
Đồng thời nợ phải trả vào thời điểm cuối kỳ cũng giảm khoảng 1.000 tỷ đồng, còn 4.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bắt đầu dương trở lại vào quý 2 sau 13 quý âm liên tục và tiếp tục duy trì trong quý 3 do công ty thắt chặt quản lý dòng tiền, tập trung vào thu hồi công nợ.
Ban lãnh đạo Coteccons cho biết, việc tái cấu trúc trong năm 2020 tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh. Công ty gần như không ký được hợp đồng mới từ giữa đến cuối năm ngoái nên giá trị hợp đồng chuyển sang năm nay chỉ đạt gần 9.000 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ.
Điều này cộng thêm việc các công trình ở TP Hồ Chí Minh phải tạm dừng thi công, thị trường bất động sản bất ổn và giá nguyên vật liệu tăng cao trong quý 3 khiến doanh thu và biên lợi nhuận gộp giảm mạnh.