Đa dạng hóa nguồn vốn, rút ngắn thời gian chờ phê duyệt để ngăn đà suy giảm thu hút FDI

Đây là giải pháp cấp thiết vừa được các chuyên gia kinh tế đưa ra trong bối cảnh tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, và khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác ít nhiều có thể xảy ra ...

Dòng vốn FDI toàn cầu bị bào mòn và Việt Nam vẫn “khó tính” cấp phép

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD; giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy đây là mức giảm “nhẹ nhàng” nhưng vẫn cần phân tích về bối cảnh, nguyên nhân cũng như tìm giải pháp ứng phó, khắc phục để khơi thông dòng vốn quốc tế; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trước hết, xét về nguyên nhân khách quan, nguyên nhân gốc vẫn là dịch COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã đủ “ngấm” vào đời sống kinh tế thế giới, đẩy cộng đồng doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, dẫn đến sự suy giảm hoặc ngưng trệ hoạt động đầu tư trên diện rộng.

Dịch COVID-19 diễn biến với nhiều biến thể, đặc biệt là biến thể Delta làm các nước tăng cường phong toả dẫn tới đình trệ các hoạt động kinh doanh sản xuất. Nhu cầu tiêu dùng hàng hoá lớn từ người dân giảm sút kéo theo nhu cầu hàng hoá sản xuất giảm ở nhiều thị trường, từ đó, một số lĩnh vực giảm nhu cầu đầu tư.

Cùng với đó, tình hình bất ổn ở các thị trường tài chính quốc tế đang diễn ra, đặc biệt là sự khủng hoảng của Tập đoàn Evergrande – tập đoàn địa ốc lớn nhất Trung Quốc đang tác động mạnh tới thị trường tài chính quốc tế đã khiến cho niềm tin vào thị trường của các nhà đầu tư quốc tế giảm sút. Các dòng vốn bị co lại, tốc độ lưu chuyển dòng tài chính quốc tế suy giảm.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, dòng vốn FDI toàn cầu bị bào mòn, giảm mạnh làm ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Cùng với đó, sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gia tăng (điều kiện môi trường, lao động của nhiều nước dễ dãi hơn); hoạt động mua bán và sáp nhập toàn cầu cũng giảm sút.

Xét về nguyên nhân chủ quan, Việt Nam đang thực hiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc (giảm số lượng, tăng chất lượng). Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường chọn lọc và “khó tính” hơn trong cấp phép đầu tư, loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng, sử dụng nhiều mặt bằng theo chủ trương thu hút vốn quốc tế. Đây cũng là xu hướng mới, nhất quán trong thời kỳ mới.

Việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày của Việt Nam đã làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát hoặc làm các thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp đã làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng của doanh nghiệp. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và logistic làm cho quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài trở lên khó khăn. Nguồn cung nguyên liệu không ổn định, nguồn lao động bị giãn cách phong toả làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, môi trường thu hút FDI của Việt Nam vẫn tồn tại sự chậm cải thiện về thể chế môi trường đầu tư kinh doanh; năng lực cán bộ ở một số nơi còn yếu kém; hạ tầng giao thông, logistic vẫn chậm cải thiện, đào tạo nhân lực chưa đáp ứng với nhu cầu các doanh nghiệp đầu tư, vừa thiếu vừa yếu.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc thắt chặt đi lại, giảm sút trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư cũng như những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội hoặc triển khai kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.

Trên thực tế, do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên đã có đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác ít nhiều có thể xảy ra.

Phương thức “phản ứng nhanh” thúc đẩy làn sóng đầu tư  
Phương thức “phản ứng nhanh” thúc đẩy làn sóng đầu tư  

Bàn về các giải pháp khắc phục suy giảm thu hút FDI, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với ưu tiên cao nhất là sớm kiểm soát dịch COVID-19 ngay trong tháng 9/2021.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vaccine gắn với mở rộng cơ sở tiêm, đối tượng tiêm. Đặc biệt, nên chủ động cho phép doanh nghiệp FDI tự tìm và tự đáp ứng việc tiêm vaccine cho người lao động để chia sẻ gánh nặng cho Nhà nước cũng như tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư. Tăng cường triển khai tiêm vaccine phủ các vùng trong điểm thu hút đầu tư FDI, các khu vực đông dân cư, thị trường cung lao động lớn ở các tỉnh. Tạo hành lang xanh tối đa cho logistic, huyết mạch kinh tế bằng các giải pháp y tế, công nghệ thực sự có hiệu quả.

Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cơ quan chức năng cần tăng cường đồng hành với nhà đầu tư, có những hỗ trợ kịp thời và thiết thực. Trước vướng mắc, khó khăn nhà đầu tư nêu ra cũng nên tìm cách giải quyết theo phương thức “phản ứng nhanh”, linh hoạt để duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam nên theo dõi, đồng hành cùng những diễn biến phòng chống COVID-19 của thế giới, nhất là những đối tác, thị trường lớn để kịp thời mở cửa.

Không thể chậm trễ mà phải song hành, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện an toàn kết hợp biện pháp phù hợp để thúc đẩy làm sóng đầu tư cũng là ý kiến được nhiều chuyên gia nhấn mạnh trong những ngày vừa qua.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Inoue Souichi đề xuất: Doanh nghiệp FDI cần được hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính do còn nhiều dự án đang chờ phê duyệt để được triển khai hoạt động.

Nên đa dạng hóa nguồn đầu tư, tập trung xúc tiến, quảng bá tiềm năng để tranh thủ thu hút FDI từ những đối tác đối tác truyền thống; quan tâm thỏa đáng tới việc kêu gọi đầu tư từ khu vực Trung Đông, nhất là từ các quỹ đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD ở khu vực này. Đây là khu vực giàu tiềm năng tài chính cũng như vẫn có nhu cầu đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng như hạ tầng, hóa dầu, năng lượng…

Đặc biệt, thủ tục đầu tư cần đươc thông thoáng, làm nhanh, số hoá phục vụ các nhà đầu tư, tránh việc đi lại nhiều dẫn tới rủi ro dịch bệnh. Tại các địa phương nên có các tổ công tác liên ngành y tế, công an, đầu tư, môi trường để giải đáp trực tiếp nhanh các vấn đề vướng mắc khó khăn, vấn đề phát sinh của các nhà đầu tư trong 24h.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam