Thu hút FDI 9 tháng bất ngờ tăng 4.4%

Bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm vẫn tăng 4,4%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm, theo đó, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này gây bất ngờ, bởi thu hút FDI 8 tháng đầu năm đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm Việt Nam thu hút được 1.212 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký là 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn điều chỉnh có 678 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 6,4%, tăng 25,6%. Vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 9 tháng đầu năm có 2.830 lượt, tổng vốn đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn FDI giải ngân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp những tháng gần đây dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, đã khiến FDI giải ngân giảm.

Ảnh minh hoạ.  
Ảnh minh hoạ.  

Có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2, với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7%; Nhật bản đứng thứ 3, với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố của Việt Nam trong 9 tháng, trong đó Long An dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta từ đầu năm đến nay.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong sản xuất và kinh doanh.

Trước sự sụt giảm đáng kể số lượng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.

Việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

“Đặc biệt, do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác”, Cục Đầu tư nước ngoài cảnh báo.

Mỹ Quyên

Theo Kinh doanh & Phát triển