Đà Nẵng dự kiến bãi bỏ 56 dự án ‘treo’ nhiều năm

Qua rà soát các dự án trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng tham mưu UBND thành phố bãi bỏ 56 dự án "treo" nhiều năm.

Ngày 4/8, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức họp báo quý II năm 2022.

Tại buổi họp báo, trả lời báo chí liên quan đến các dự án "treo" trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Đà Nẵng, cho biết hiện nay theo quy định của pháp luật đất đai, đối với các dự án quá 3 năm chưa triển khai sẽ rà soát, điều chỉnh để có đề xuất thu hồi nếu dự án không khả thi.

Trong thời gian qua, thành phố đã giao các quận, huyện cùng Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng liên tục rà soát các dự án "treo". Qua đó, trong năm 2021 và đầu năm 2022, toàn thành phố đã rà soát ra hơn 50 dự án "treo" và hiện nay, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên – Môi trường đang rà soát để trình thành phố điều chỉnh, quy hoạch đối với các dự án này và đối với các dự án không khả thi sẽ thu hồi.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Đà Nẵng trả lời báo chí tại buổi họp báo.  
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Đà Nẵng trả lời báo chí tại buổi họp báo.  
Đối với dự án Rạp xiếc trung ương, ông Vinh cho biết, thành phố đã có chủ trương thu hồi và hiện nay đang thực hiện để xây dựng Trung tâm văn hóa điện ảnh của thành phố.

Thông tin thêm về các dự án "treo", ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, cho biết qua rà soát 1.884 dự án trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng trên cơ sở tổng hợp các quận, huyện, tham mưu UBND thành phố bãi bỏ 56 dự án.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng trả lời báo chí tại buổi họp báo.  
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng trả lời báo chí tại buổi họp báo.  
Nói về những khó khăn trong việc thu hồi các dự án "treo", ông Vinh cho biết, đối với 56 dự án "treo" thu hồi mà Phó Giám đốc Sở Xây dựng đề cập, đây là những dự án chưa giao cho chủ đầu tư nên việc thu hồi đối với các dự án này không phát sinh các vấn đề nghĩa vụ tài chính.

Riêng các dự án đã giao cho chủ đầu tư, các dự án này nếu chậm triển khai được gia hạn 24 tháng. Nếu sau 24 tháng mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi và không bồi thường về đất và tài sản trên đất. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn cả nước chưa có trường hợp nào thực hiện được theo quy định.

“Mặc dù pháp luật đất đai quy định như vậy nhưng ở đây còn liên quan đến quyền tài sản của người dân, chủ đầu tư. Hiện nay, việc sau khi gia hạn 24 tháng mà nhà đầu tư chưa đưa đất vào sử dụng, có phát sinh một số trường hợp, trong đó pháp luật đất đai có quy định chưa đưa đất vào sử dụng mà vì những lý do bất khả kháng trong đó có thiên tai, dịch bệnh”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, vừa qua, một số dự án cụ thể do ảnh hưởng về thiên tai, dịch bệnh nên chưa đưa đất vào sử dụng, cũng nằm trong trường hợp bất khả kháng. Hiện nay cũng có một số trường hợp do các lý do bất khả kháng khác như về thủ tục, về pháp lý chưa đủ điều kiện, chưa đủ cơ sở để triển khai, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên – Môi trường rà soát các trường hợp, các lý do về bất khả kháng.

“Hiện nay Bộ Tài nguyên – Môi trường đang được Chính phủ giao quy định cụ thể về các lý do bất khả kháng khác để xem xét một cách hợp tình, hợp lý thuộc trường hợp do bất khả kháng, chưa đưa đất vào sử dụng. Xem xét một cách thấu đáo và những trường hợp nào mà nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng sau khi đã được gia hạn sẽ xem xét xử lý theo quy định”, ông Vinh thông tin thêm.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance