Đặc khu kinh tế: Bay trực thăng 3 vòng Vân Đồn, tỷ phú Mỹ ngậm ngùi về nước
3 đặc khu kinh tế của Việt Nam Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đang rục rịch được thành lập, từ cơ sở hạ tầng cho đến khung khổ pháp lý cho đặc khu đều đã sẵn sàng. Trên thế giới, đặc khu có nhiều nhưng không phải nơi nào cũng thành công.
Mua 800 triệu, bán 18 tỷ: Đất đặc khu sốt cực điểm, lãi khổng lồ
4 câu hỏi, 5 năm mới có câu trả lời
Tháng 10/2012 Quảng Ninh chính thức báo cáo cơ quan Trung ương và được cho phép nghiên cứu đề án đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Đầu năm 2013, Quảng Ninh xúc tiến mạnh mẽ, mời gọi các nhà đầu tư lớn vì xác định nhà đầu tư lớn đảm bảo cho thành công đặc khu tương lai.
Khi đó, một nhà đầu tư hàng đầu Hoa Kỳ đã bay chuyên cơ đến Hà Nội!
Có mặt tại Hội thảo “Đặc khu - thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” ngày 18/5 do VTV24 tổ chức, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, lại kể câu chuyện về chuyên tiếp đón vị tỷ phú Mỹ cách đây hơn 5 năm.
"Rồi chúng tôi đón về Quảng Ninh, dùng trực thăng đi khảo sát ba vòng Vân Đồn. Nhà đầu tư chỉ đặt ra 4 câu hỏi mà chúng tôi rất trăn trở, nó như yêu cầu đặt ra để hành động suốt thời gian qua”, ông Thành nhớ lại.
Lãnh đạo Quảng Ninh thuật lại: Câu hỏi 1 là tỉnh Quảng Ninh trả lời cho chúng tôi biết chủ trương định hướng quy hoạch tầm quốc gia, xác định Việt Nam xây dựng bao nhiêu đặc khu và ở vị trí nào?
Câu hỏi 2 là đã phát triển đặc khu thì đi theo phải là thể chế, cơ chế chính sách vượt trội đặc biệt và có nền hành chính hiện đại, vậy điều đó phải được điều chỉnh bằng luật. Bao giờ Việt Nam có luật về đặc khu?.
Câu hỏi 3 là thẩm quyền của tỉnh có đủ khả năng giải quyết vấn đề liên quan tới nhà đầu tư?
“Câu 4 ông ấy bảo: Các vị nói sẽ có sân bay đường cao tốc, vậy bao giờ có? Họ hỏi và yêu cầu phải đảm bảo bằng những cam kết hợp đồng cụ thể, chịu trách nhiệm kinh tế tài chính với họ.
“Bốn câu hỏi này vào thời điểm đầu 2013 dù rất nỗ lực nhưng Quảng Ninh chưa đủ cơ sở trả lời rõ ràng với nhà đầu tư”, ông Nguyễn Văn Thành thú thực. “ Vì vậy nhà đầu tư chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng”.
Thừa nhận Quản Ninh rất trăn trở suy nghĩ với câu hỏi của vị tỷ phú Mỹ cho nên từ đó những vấn đề nào vượt thẩm quyền Quảng Ninh chủ động báo cáo bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền Quảng Ninh thì chủ động không chờ đợi.
Sau nhiều năm không có câu trả lời cho nhà đầu tư, đến nay, lãnh đạo Quảng Ninh tỏ ra rất tự tin vào sự phát triển của những đặc khu như Vân Đồn. Các câu hỏi mà vị tỷ phú nọ hỏi đã có thể được trả lời khi quy hoạch tầm quốc gia đã xác định 3 đặc khu là Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong. Không có gì thay đổi, Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sắp được Quốc hội bấm nút tại kỳ họp thứ 5 tới đây. Hạ tầng giao thông kết nối Vân Đồn với các trung tâm kinh tế phát triển đã sẵn sàng như cao tốc, sân bay.
“Tuyến cao tốc nối Vân Đồn với Hải Phòng sẽ kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đầu tháng 7, các vị đi đến Vân Đồn chưa đầy 3 tiếng thay vì 5 tiếng như hiện nay”, ông Thành nói và khẳng định sẵn sàng bắt tay vào triển khai đặc khu khi Luật có hiệu lực.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Xây dựng dự án Luật Đặc khu là vấn đề mới, vấn đề khó, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Vì thế, nên xây dựng một bộ luật phải thận trọng, phải cập nhật thông lệ quốc tế, nhưng cũng không nên quá cầu toàn.
“Trong quá trình thực tế, nếu cần bổ sung hoàn thiện, thì sẽ bổ sung hoàn thiện”, Bộ trưởng Dũng khẳng định sau khi luật này được ban hành, thì phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm để luật có thể đi vào cuộc sống.
Cơ chế chính sách cho đặc khu đang được hoàn thiện.
Đặc khu cần gì?
GS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá: Dự thảo Luật đưa ra nhiều ưu đãi, chỉ thua mỗi “thiên đường thuế”. Nhưng nhấn mạnh ưu đãi mà quên xây dựng thể chế hiện đại, minh bạch, chi phí thực thi thấp thì chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Bởi vì, nhà đầu tư bỏ vốn làm ăn có lãi là một chuyện, đồng vốn và tài sản được an toàn cũng rất quan trọng.
“Cố gắng làm thế nào để luật này thể hiện phân quyền đầy đủ, rõ ràng, minh bạch đến mức đi thẳng vào cuộc sống không cần Nghị định, thông tư nào nữa. Bộ ngành hạn chế bớt chỉ thị, thông tư mang tính hành chính. Vấn đề nào chưa rõ giao cho Hội đồng nhân dân ở đặc khu giải quyết, cao hơn nữa thì do Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích luật”, ông Liên nói.
“Luật tốt đến mấy thực thi cũng quan trọng lắm. Nếu cán bộ yếu thì ý tưởng tốt đẹp của ta không đi vào cuộc sống và nhà đầu tư tiếp tục quan ngại”, ông Hoàng Thế Liên góp ý.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bày tỏ “chưa hài lòng” khi 3 yếu tố quyết định cho sự thành công của đặc khu đều chưa rõ nét trong dự thảo Luật. Đó là việc tự do dịch chuyển các nguyền lực, thể chế bộ máy, ưu đãi hỗ trợ. “Ba khía cạnh quan trọng nhất với một đặc khu, bản dự thảo này vẫn chưa thể hiện được tới tầm”, ông Võ Trí Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc pháp lý KPMG, cho rằng: Ưu đãi thuế chỉ chiếm 30-40% trong quyết định của một nhà đầu tư. Hai tiêu chí khác nhà đầu tư quan tâm là thể chế minh bạch, chính sách ổn định và cơ sở hạ tầng.
Đặc khu kinh tế có thể là một chương trình hiệu quả đối với phát triển kinh tế, nhưng ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore), khuyến cáo: Rất nhiều đặc khu kinh tế thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả. Mặt khác, nếu đặc khu kinh tế có một tầm nhìn rõ ràng, thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ sẽ là một cơ hội tốt để thành công.
4 nguyên nhân khiến các nhà đầu tư cá mập ngoại ít để ý đến đặc khu của Việt Nam
Theo Lương Bằng/VietNamNet