Ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn trong quý I/2025

Nhiều ngân hàng đã đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý I/2025. Trong số đó, có không ít nhà băng ghi nhận những tín hiệu tích cực về lợi nhuận.

Mới đây, SHB đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2025. Theo đó, kết thúc quý I, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt gần 4.400 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch của cả năm 2025.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản hợp nhất của SHB đạt 790.742 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024. Dư nợ cấp tín dụng đạt 575.777 tỷ đồng, tăng 7%. Phía SHB cho biêt, tín dụng trong quý I/2025 tập trung vào những lĩnh vực sản xuất – kinh doanh chủ lực và các ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng gắn với định hướng phát triển bền vững của nền kinh tế.

Ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn trong quý I/2025 - Ảnh 1

Không riêng SHB, nhiều ngân hàng khác cũng báo lãi lớn trong quý I/2025. Theo báo cáo tài chính quý I/2025, VietA Bank ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 292,93 tỷ đồng, tăng 90,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giải trình về lợi nhuận sau thuế, VietA Bank cho biết, quy mô tổng tài sản và tín dụng quý I/2025 của ngân hàng tăng trưởng tốt, kéo theo thu nhập lãi thuần quý I tăng so với cùng kỳ.

Đồng thời, thu nhập từ hoạt động dịch vụ được cải thiện, đóng góp tích cực vào việc tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý I/2205 giảm so với cùng kỳ năm trước do công tác xử lý nợ, đôn đốc khách hàng thanh toán nợ thực hiện liên tục, hiệu quả, tình hình tài chính của khách hàng vay tiếp tục được cải thiện.

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/3, tổng tài sản của VietABank là 129.046 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng đạt 84.910 tỷ đồng, tăng 6,3%. Trong quý đầu tiên của năm, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của VietA Bank tăng nhẹ 3,5%, đạt 665,7 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động giảm từ 228,2 tỷ đồng, xuống còn 225,3 tỷ đồng (tương ứng giảm 1,3%).

Tương tự, nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giúp Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I vừa qua.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của LPBank trong quý I/2025 đạt hơn 3.175 tỷ đồng, tăng 10,23 % so với cùng kỳ 2024. Tính đến 31/3/2025, quy mô tổng tài sản của LPBank ở mức 499.895 tỷ đồng, giảm 1,65% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 352.194 tỷ đồng, tăng 6,2%. Tiền gửi khách hàng tính đến cuối quý I đạt 293.155, tăng 3,5%.

Phía LPBank cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2025 tăng chủ yếu là do lãi thuần từ hoạt động khác trong quý I/2025 tăng 420,41 tỷ đồng, tương ứng tăng 1.514% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng tín dụng, tinh gọn tổ chức hướng tới hoạt động hiệu quả và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cũng giúp cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí hoạt động giảm so với cùng kỳ.

Nam A Bank cũng nằm trong top ngân hàng báo lãi quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng (tương ứng tăng 21,52% so với cùng kỳ năm 2024). Đây cũng là quý I ghi nhận lợi nhuận cao nhất của Nam A Bank từ trước đến nay.

Ngoài ra, tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản ngân hàng đạt gần 263.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm 2025. Hoạt động tín dụng đạt gần 178.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Huy động vốn đạt gần 204.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với đầu năm 2024.

Ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn trong quý I/2025 - Ảnh 2

TPBank cũng chứng kiến một quý I/2025 thành công khi ghi nhận mức lãi quý I cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng. Theo kết quả kinh doanh quý I/2025, lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm của TPBank đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương 26% kế hoạch năm.

Những chỉ số khác của TPBank cũng tích cực. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong quý I đạt gần 4.500 tỷ đồng, trong đó, thu nhập từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 3.380 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ dịch vụ đạt 910 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I/2024.

Tổng huy động vốn trong quý I của TPBank đạt 337.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng đạt hơn 263.100 tỷ đồng, tương ứng tăng 30% so với cùng kỳ 2024. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,75%, cao hơn mức trung bình ngành.

Trong khi đó, MBS ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I đạt 1,630 tỷ đồng, tăng so với mức 1,530 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, lãnh đạo MSB cho biết, đến hết quý I, tổng tài sản của ngân hàng đạt 314,000 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 192,000 tỷ đồng, tăng 8.92% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng đạt 163,000 tỷ đồng, tăng 6%. Tỷ lệ CASA cuối quý I đạt 24%.

Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo ABBank cho biết lợi nhuận ngân hàng đạt gần 400 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng gấp đôi so với lợi nhuận trước thuế của quý I/2024. Cùng ngày, VietinBank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I/2025 tăng khoảng 6% so với cùng kỳ 2024, ước tính khoảng hơn 6.100 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/4/2025, tổng tài sản VietinBank đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm.

Trái với bức tranh khởi sắc trên, lợi nhuận trước thuế của PGBank trong ba tháng đầu năm lại giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 96 tỷ đồng. PGBank cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm 2024. Theo báo cáo tài chính quý I/2025, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của PGBank ở mức 147 tỷ đồng, tăng đột biến 248,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, về cơ cấu doanh thu, bức tranh tăng trưởng thể hiện rõ nét với nhiều mảng ghi nhận kết quả tích cực. Thu nhập lãi thuần của PGBank tăng 21%, lên 458 tỷ đồng. Mảng dịch vụ tạo bất ngờ lớn khi xoay chuyển ngoạn mục từ khoản lỗ gần 9 tỷ đồng cùng kỳ sang mức lãi 13,5 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng bứt phá, nhảy vọt từ vỏn vẹn 26 triệu đồng lên tới 13 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng ghi dấu ấn khi tăng gấp đôi, đạt 18 tỷ đồng.

Khánh Tú

Theo Vietnamfinance