Đại gia Đặng Thành Tâm đang toan tính gì ở Saigontel?

Trong khi quỹ đất ở các tỉnh thành phát triển mạnh về khu công nghiệp đang dần cạn kiệt. Động thái đầu tư vào Saigontel đã cho thấy phần nào tham vọng mới của ông chủ Đặng Thành Tâm với bất động sản Khu công nghiệp.

Ông Đặng Thành Tâm đăng ký mua thêm 17,5 triệu cổ phiếu

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT CTCP Viễn thông Sài Gòn - SaigonTel (SGT) vừa đăng ký mua tổng cộng hơn 17,5 triệu cổ phiếu SGT theo đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng tỷ lệ 1:1 của công ty.

Cụ thể, ông Đặng Thành Tâm nắm hơn 17,5 triệu cổ phiếu SGT, tương đương tỷ lệ sở hữu 23,69% và sẽ phải chi 175 tỷ đồng cho thương vụ mua cổ phiếu này, dự kiến từ ngày 18-24/10. Cùng ông Tâm, các cổ đông khác góp tổng cộng thêm 740 tỷ đồng cho SGT.

CBTT TB đăng kí mua cổ phiếu SGT của Ông Đặng Thành Tâm.
CBTT TB đăng kí mua cổ phiếu SGT của Ông Đặng Thành Tâm.

Được biết, SGT sẽ dùng số tiền này để thanh toán hợp đồng tư vấn với các công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới - Mckinsey Việt Nam (29 tỷ đồng) và Roland Berger PTE. LTD (gần 6 tỷ đồng).

 

Saigontel là thành viên thuộc tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI), tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ.

Thành lập từ năm 2002, Saigontel là công ty cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin trong các khu công nghiệp thuộc tập đoàn, đến nay đã chuyển mình mạnh mẽ thành doanh nghiệp bất đổng sản với 3 mảng kinh doanh chính bao gồm: Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ.

Bên cạnh đó, dùng 706 tỷ đồng để trả nợ vay cho nhiều công ty gồm: Công ty TNHH MTV KCN Tân Phú Trung - Long An (41,5 tỷ đồng), CTCP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc (hơn 113 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Vinatex-Tân Tạo (7,1 tỷ đồng), Công ty TNHH SaigonTel Long An (327 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ cao SaiGonTel (115 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên (hơn 102 tỷ đồng).

Trước đó, SGT đã vay tiền từ các doanh nghiệp nói trên để đầu tư vào nhiều dự án được cho là sinh lời tốt như Dự án Khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn (Bắc Ninh), dự án đất Long An, dự án đất Hưng Yên…

Theo phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu, SGT sử dụng toàn bộ số tiền để bổ sung vốn lưu động và tái cơ cấu các khoản vay nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực về tài chính cho công ty. Ngoài ra, SGT sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 100 triệu cổ phiếu sau khi phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Mối quan hệ mật thiết giữa SaigonTel và các công ty thành viên?

Cách đây khoảng một thập kỷ, ông Đặng Thành Tâm nổi tiếng với vai trò là ông chủ hai ngân hàng là Navibank và WesternBank, rút nhiều nghìn tỷ đồng từ đây cho Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC – sàn HoSE) và SGT thông qua việc phát hành trái phiếu. SGT từng phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu không có bảo đảm cho WesternBank.Tuy nhiên, sau đó ông Đặng Thành Tâm đã rút ra khỏi hai ngân hàng này.

Ngoài ra, SGT cũng từng là công cụ của ông Đặng Thành Tâm khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bất động sản công nghiệp và cùng với KBC, Khoáng sản Sài Gòn Quy Nhơn (SQC) là bộ ba cổ phiếu giúp ông Tâm trở thành người giàu nhất trên sàn năm 2007.

Các công ty thành viên thuộc saigontel.
Các công ty thành viên thuộc saigontel.

Năm 2011, SGT cùng CTCP Đầu tư Sài Gòn chi ra 837 tỷ đồng để nắm giữ 40% cổ phần của CTCP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) - đơn vị chủ quản của mạng viễn thông S-Fone. Đến nay thì S-Fone gần như mất dấu trên thị trường.

Đến năm 2012, nhiều công ty của ông Đặng Thành Tâm đã ghi nhận những kết quả kinh doanh "buồn thảm". Hai công ty Kinh Bắc và SGT đã chứng kiến mức thua lỗ lên đến hàng trăm tỷ. Hoạt động kinh doanh khó khăn, công ty Saigontel đã lỗ gần 400 tỷ trong 2 năm 2011 và 2012. SGT có danh mục đầu tư tài chính rất lớn nhưng hầu hết đầu chưa mang về lợi nhuận.

Năm 2014, SGT đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc vì lỗ năm thứ 3 liên tiếp và vướng những sai phạm về công bố thông tin. Vợ chồng ông Đặng Thành Tâm có những khoảng thời gian ghi nhận tài sản sụt giảm vì cổ phiếu SGT bốc hơi. SGT cũng từng nhiều lần thông qua kế hoạch hủy niêm yết trong những năm 2011-2013.

Sau nhiều năm không nổi bật, đến năm 2020, khi có sự tham gia của KBC, SGT đã chuyển sang đầu tư lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và phát triển mạnh mẽ. Trong khoảng thời gian 1-2 năm, quỹ đất của SGT tăng lên 3.000 ha, bất chấp dịch bệnh.

Ngoài ra, điểm đáng lưu ý trong BCTC 6 tháng đầu năm, Saigontel có nhiều giao dịch với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng. Trong đó, 20 tỷ đồng cho vay tiền; 63,8 tỷ đồng phải thu liên quan đến hợp đồng hợp tác đầu tư; 2,36 tỷ đồng lãi cho vay…

Saigontel có nhiều giao dịch với bên liên quan là CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng (Nguồn: BCTC).
Saigontel có nhiều giao dịch với bên liên quan là CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng (Nguồn: BCTC).

Theo tìm hiểu, tính tới cuối năm 2021, Saigontel có 5 cổ đông lớn gồm ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Saigontel và Kinh Bắc (mã KBC) sở hữu 23,69% vốn điều lệ; Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC – sàn HoSE) sở hữu 21,48% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Kim Xuân sở hữu 10,07% vốn điều lệ; bà Đặng Thị Hoàng Phượng (em gái ông Đặng Thành Tâm) sở hữu 9,88% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Sài Gòn sở hữu 7,2% vốn điều lệ; và còn lại 24,68% thuộc sở hữu của nhóm cổ đông khác.

Như vậy, Saigontel, Kinh Bắc và CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng đều có mối liên hệ với nhau liên quan tới trực tiếp sở hữu hoặc ông Đặng Thành Tâm.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi lỗ 75,82 tỷ đồng trong quý II/2022

Trong quý II/2022, Saigontel ghi nhận doanh thu đạt 165,38 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 60,42 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 15,41 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 75,83 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 59,4% về chỉ còn 13,6%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 51,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 24,22 tỷ đồng về 22,55 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 266,3%, tương ứng tăng thêm 13,45 tỷ đồng lên 18,5 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 430,2%, tương ứng tăng thêm 61,04 tỷ đồng lên 75,23 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 225%, tương ứng tăng thêm 4,05 tỷ đồng lên 5,85 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 4,1%, tương ứng tăng thêm 0,91 tỷ đồng lên 23,14 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Nguồn: BCTC quý 2/2022.
Nguồn: BCTC quý 2/2022.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Saigontel ghi nhận lỗ 75,82 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 10,35 tỷ đồng, tức giảm 86,17 tỷ đồng. Như vậy, trong kỳ hoạt động cốt lõi âm, Công ty giảm lỗ nhờ doanh thu tài chính, lãi công ty liên doanh và liên kết.

Được biết, Saigontel ghi nhận lỗ quý gần nhất là quý IV/2019 với giá trị lỗ 14,81 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 quý có lãi liên tiếp, Công ty bất ngờ báo lỗ trong quý II/2022.

Trong năm 2022, Saigontel đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 251,86% và 253,98% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 156,65 tỷ đồng, Công ty hoàn thành 52,2% so với kế hoạch năm.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Saigontel tăng 6,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 286,1 tỷ đồng lên 4.702,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản đầu tư tài chính dài hạn đạt 1.852,4 tỷ đồng, chiếm 39,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.329 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng tài sản; tồn kho đạt 773,6 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, tồn kho tăng 21,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 138,8 tỷ đồng lên 773,6 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 4,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 62,6 tỷ đồng lên 1.329 tỷ đồng…

Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 84,5 tỷ đồng lên 2.184,7 tỷ đồng và chiếm 46,5% tổng tài sản. Trong đó, Công ty tăng nợ vay ngắn hạn thêm 554,4 tỷ đồng lên 1.464,1 tỷ đồng và giảm nợ vay dài hạn 469,9 tỷ đồng về 720,6 tỷ đồng.

Được biết, SGT đang hợp tác phát triển thành công hơn 30 khu công nghiệp toàn quốc. Có thể kể đến như: Quần thể khu công nghiệp đô thị dịch vụ Tràng Duệ - Hải Phòng; Quần thể KCN đô thị dịch vụ Quế Võ - Bắc Ninh; KCN Đại Đồng Hoàn Sơn - Bắc Ninh; KCN Quang Châu - Bắc Giang; KCN Tân Phú Trung - TP.HCM; KCN Tân Đức – Long An và 170 ha tại Thái Nguyên; khu công nghiệp và khu phi thuế quan tại Khu kinh tế Chân Mây với 118 ha.

Đầu năm 2022, SaigonTel bắt tay cùng VinaCapital và đối tác Aurous Capital (công ty quản lý quỹ) của Singapore triển khai tổ hợp công nghiệp - đô thị 2,5 tỷ USD tại Bắc Giang, trên diện tích 700ha (500ha tổ hợp công nghiệp).

Mới đây, SGT cho biết sẽ thu xếp nguồn vốn hơn 2.000 tỷ đồng để triển khai loạt dự án như: cụm công nghiệp Tân Phú 1 và 2 với tổng diện tích 131 ha tại Thái Nguyên, cụm công nghiệp Lương Sơn (34.53 ha), khu công nghiệp Nam Tân Lập quy mô 244,74ha tại Long An, khu công nghiệp Tân Lập (654 ha).

Bên cạnh đó, SGT sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp lý cho khu công nghiệp Phú Bình, 100 ha nhà xưởng tại khu kinh tế Quảng Yên và mở rộng nghiên cứu phát triển dự án tại Hưng Yên, Hải Dương, Đồng Nai.

Ông Đặng Thành Tâm là ai?

Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT SGT.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT SGT.

Ông Đặng Thành Tâm sinh năm 1964 và là doanh nhân nổi tiếng với bất động sản khu công nghiệp. Tên tuổi của ông gắn liền với Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group), Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT), từng là cổ đông có sức ảnh hưởng tại Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA).

Ông là người sáng lập ra KBC và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, năm 2007 KBC được niêm yết trên sàn chứng khoán. Năm 2007, ông được đánh giá là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi năm giữ 30 triệu cổ phiếu KBC và 4,2 triệu cổ phiếu ITA, ước tính khoảng 6.300 tỷ đồng.

Ông Tâm và KBC đã đầu tư đa ngành nghề từ chứng khoán, giáo dục, viễn thông, y tế, bất động sản. Đặc biệt, ông còn đầu tư mạnh vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt – Navibank (nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân) và Ngân hàng Thương mai cổ phần Phương Tây – Western Bank (nay là PVCombank).

Năm 2012, ông Tâm dần thoái lui khỏi ngân hàng khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. KBC lúc đó phải ôm khối nợ trái phiếu lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Sau đó, ông Tâm buộc phải thoái lui khỏi những dự án tâm huyết như dự án tòa tháp 100 tầng diện tích 4.2 ha (cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội) và Saigon SunBay (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) có tổng mức đầu tư dự kiến 1.5 tỷ USD.

Hiện nay, ông được biết đến là ông trùm bất động sản khu công nghiệp khi nắm giữ trong tay quỹ đất khủng. Tính đến 31/12/2021, KBC của ông Đặng Thành Tâm quản lý khoảng 5.188ha đất khu công nghiệp. KBC có quý đất lớn hơn các ông lớn cùng ngành như Idico và Becamex IDC.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống