Đại gia Vũ Văn Tiền: 'ABBank nợ cổ đông quá nhiều, nhất là việc chia cổ tức'

HĐQT ABBank cho biết ,sẽ để lại toàn bộ/chưa phân phối số lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2024 sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

Tinh gọn bộ máy cũ

Phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 sáng 18/4, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, lợi nhuận quý I/2025 ước đạt gần 400 tỷ đồng. Theo lãnh đạo ABBank, đây là bước khởi đầu thuận lợi để ngân hàng tự tin với kế hoạch đề ra trong năm 2025.

Trong năm 2025, ABBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2024. Huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 115.458 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước đó.

Về tăng trưởng tín dụng, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương đương dư nợ 127.810 tỷ đồng và kiểm soát nợ xấu dưới mức 3%, phấn đấu hạ xuống mức 2%. Tỷ lệ CASA đạt 14,6%, tăng trưởng 2% so với 2024.

“2024 là vùng trũng nhất của ABBank, tuy nhiên, ngân hàng đã sẵn sàng để bước sang một giai đoạn mới. ABBank sẽ quyết tâm đạt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 1.800 tỷ đồng, thậm chí là vượt chỉ tiêu đề ra dù còn nhiều thách thức”, lãnh đạo ABBank nhấn mạnh.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ABBank.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ABBank.

Một trong những điểm đáng chú ý của trong kế hoạch kinh doanh của ABBank trong năm 2025 là thực hiện tinh gọn và tối ưu hóa bộ máy vận hành nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả và đáp ứng xu hướng phát triển hiện đại.

Phó Chủ tịch HĐQT Vũ Văn Tiền cho biết: “Chúng ta phải nhìn nhận mô hình tổ chức hiện hữu của chúng ta đã lạc hậu và có tính chất bảo thủ, dẫn đến hiệu qua không cao. Thời gian qua, ABBank đã mạnh dạn tinh giản bộ máy, có những khối tinh giản 30 – 40% nhân sự. Trong thời đại số hóa, một người có thể làm được công việc của nhiều người”.

Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2025, ABBank đã thông qua kế hoạch miễn nhiệm ông Trần Bá Vinh, Thành viên độc lập HĐQT. Đồng thời, bầu 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2027 là ông Syed Ahmad Taufik Albar, Giám đốc Điều hành Khối Dịch vụ Tài chính Cộng đồng của Maybank - người đại diện 50% vốn cổ phần của Maybank (8,197%) tại ABBank và ông Trịnh Thanh Hải, hiện là Thành viên độc lập HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban kiểm tra CTCP Đầu tư Văn Phú; Thành viên HĐQT không điều hành Quỹ Đầu tư Vinacapital Vietnam Opportunity (VOF).

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Trước kiến nghị của cổ đông về việc tăng thêm vốn điều lệ, không chỉ ở mức 10.000 tỷ đồng mà phải lên đến 15.000 tỷ, 20.000 tỷ, thậm chí là 30.000 tỷ đồng, lãnh đạo ABBank cho biết: “Việc tăng nhanh vốn điều lệ là mong muốn của đại đa số cổ đông ABBank. Và chúng ta bắt buộc phải tăng vốn để đảm bảo cho hoạt động của ngân hàng”.

Ông Vũ Văn Tiền chia sẻ thêm, hiện ABBank đã có cổ đông nước ngoài lớn là Maybank và vẫn còn “room” cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Ngân hàng sẽ nghiên cứu và tận dụng các cơ hội để mời thêm những cổ đông chiến lược nước ngoài khác, chẳng hạn như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

“Tuy nhiên, chúng ta phải cố gắng 1, 2 năm nữa, lợi nhuận cao, thị phần tốt thì giá trị cổ phiếu của ABBank tốt lên, lúc đấy, sẽ có lợi cho ngân hàng và cả cổ đông”, ông Tiền nói.

Theo ông Tiền, ABBank đã nợ cổ đông quá nhiều, nhất là kỳ vọng về việc chia cổ tức.
Theo ông Tiền, ABBank đã nợ cổ đông quá nhiều, nhất là kỳ vọng về việc chia cổ tức.

HĐQT ABBank cho biết, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank hiện đang là 2.311 tỷ đồng và ngân hàng sẽ để lại toàn bộ/chưa phân phối số lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2024 sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

“Nhiều năm qua, ABBank đã nợ cổ đông quá nhiều, nhất là kỳ vọng về việc chia cổ tức. Song, ở thời điểm hiện tại, an toàn vẫn phải là ưu tiên số một", ông Vũ Văn Tiền nói.

Về vấn đề nợ xấu, Chủ tịch Đào Mạnh Kháng cho biết, dù nợ xấu tại ABBank là 2,48% tính đến cuối năm 2024, thấp hơn mức 3% theo quy định của NHNN nhưng vẫn đang là mức khá cao.

“Tuy nhiên, bộ phận xử lý nợ xấu của ngân hàng vẫn đang là điểm sáng với đội ngũ chuyên trách luôn đạt kết quả tốt. Như trong năm 2024, thu hồi nợ xấu đóng góp một phần không nhỏ vào kết quả kinh doanh của ngân hàng. Trong năm nay, ABBank đã xây dựng một kế hoạch tổng thể và chi tiết nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới ngưỡng 3% trong thời gian tới”, ông Kháng nói.

Trong khi đó, ông Tiền yêu cầu, ban điều hành ABBank cho vay phải có tài sản đảm bảo, như tiền, vàng hay bất động sản.

“Tôi khẳng định bất động sản không bao giờ chết và dư địa của bất động sản còn đến mấy chục năm sau. Tiêu chí đầu tiên là tài sản đảm bảo là bất động sản, sau đó mới đến nhà máy. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải xem xét kỹ lưỡng về kế hoạch phát triển, chiến lược của nhà máy. Tôi làm nhà máy rồi nên tôi hiểu rõ. Nếu nhà máy hoạt động thì sẽ mang lại giá trị nhưng khi không hoạt động nữa thì chỉ là bãi rác. Đồng tiền đi liền khúc ruột, ngân hàng đưa tiền ra phải an toàn”, ông Tiền nhấn mạnh.

Khánh Tú

Theo Vietnamfinance