Đại lộ dài nhất Việt Nam đi qua hàng loạt khu đô thị lớn: Trở thành con đường 'huyết mạch' dẫn tới thành phố khoa học thông minh
Đây là tuyến đường giúp cho người dân tham quan những di tích lịch sử nổi tiếng (chùa Thầy, chùa Tây Phương, Khu di tích K9 - Đá Chông,…) và các bảo tàng, công viên, điểm du lịch.
Là đại lộ dài nhất Việt Nam, Đại lộ Thăng Long có chiều dài hơn 29km, chiều rộng trung bình 140m, có những đoạn được mở rộng lên tới 16 làn xe.
Tuyến đường Đại lộ Thăng Long đi qua những khu đô thị lớn như: Vinhomes Green Bay Mễ Trì, Mễ Trì Thượng, Vinhomes Smart City, Geleximco, Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Sunny Garden Quốc Oai, Ngôi Nhà Mới, Quốc Oai, Hòa Lạc…
Hệ thống cây xanh tại tuyến đường dày đặc giúp giảm tiếng ồn, giảm bụi bẩn, cải thiện chất lượng không khí, mang lại cảm giác dễ chịu cho người tham gia giao thông, giống như lạc vào một khu rừng rậm nhiệt đới.
Tuyến đường cũng thuận tiện cho người dân tham quan những di tích lịch sử nổi tiếng (chùa Thầy, chùa Tây Phương, Khu di tích K9 - Đá Chông,…) và các bảo tàng, công viên, điểm du lịch.
Đại lộ Thăng Long có 13 cầu vượt và gần 20 hầm, cầu chui dân sinh, hầm cho ô tô ngang đường giúp cho người dân lưu thông sang hai bên tuyến đường được thuận lợi.
Đồng thời, tuyến đường cũng đóng vai trò huyết mạch nối nội đô Hà Nội với các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, sinh thái nghỉ dưỡng ở đô thị Hòa Lạc.
Theo quy hoạch đến năm 2030, Hoà Lạc sẽ là đô thị khoa học công nghệ, sinh thái nghỉ dưỡng có quy mô dân số lên đến 600.000 dân. Thời điểm đấy, đại lộ dài nhất Việt Nam sẽ là cung đường chính của nhiều người dân
Với tốc độ tối đa lên đến 100km/h, việc đi từ trung tâm Hà Nội đến Hoà Lạc chỉ mất khoảng 20 phút. Cùng với cảnh quan thơ mộng 2 bên, việc đi trên đại lộ Thăng Long mang lại cảm giác dễ chịu cho người tham gia giao thông
Cho tới năm 2026, Đại lộ Thăng Long vẫn đang được tiếp tục mở rộng và kéo dài - từ nút giao hoa thị giữa Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình với tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng. Dự án có chiều dài khoảng 6,7km, mặt cắt ngang 120-180m.
Kể từ đi vào hoạt động cho đến nay, Đại lộ Thăng Long đã phát huy vai trò chiến lược trong việc thúc đẩy sự phát triển khu vực phía Tây Hà Nội và các tỉnh xung quanh.
Theo ông Lê Thanh Sơn - Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Quy hoạch tổng thể khu công nghệ cao Hòa Lạc được phê duyệt tại Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998 với quy mô diện tích 1.650ha và đã được điều chỉnh 2 lần (lần 1 năm 2008 tại Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008, lần 2 năm 2016 tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 27/5/2016).
Sau khi điều chỉnh quy hoạch, diện tích toàn khu công nghệ cao Hòa Lạc là 1.586ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai với quy mô dân số dự báo đến năm 2030 là 229.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300 người.
Tính đến hết ngày 31/12/2023, diện tích đã giải phóng mặt bằng (GPMB) khu công nghệ cao Hoà Lạc là 1.425,14/1.586ha (đạt 89,3%) trong đó, huyện Quốc Oai 147ha; huyện Thạch Thất 1.278,05ha. Diện tích còn lại cần GPMB là 160,86ha, trong đó huyện Quốc Oai 8,67ha, huyện Thạch Thất 152,19ha.
Sau năm 2030, khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh, có đầy đủ và toàn diện các chức năng theo mô hình “4 trong 1”; tập trung đầu tư và phát triển theo chiều sâu, dần chuyển đổi các hoạt động sản xuất công nghiệp sang hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm, đào tạo, ươm tạo.