Đại lý xăng dầu phải bán cả ruộng, vườn để cầm cự kinh doanh, phục vụ bình ổn thị trường

Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, nhiều đơn vị bán lẻ xăng dầu đã suy kiệt tài chính, tinh thần hoang mang. Một số không cầm cự nổi đã phải sang lại cửa hàng, số khác bán ruộng, vườn để cầm cự kinh doanh, phục vụ bình ổn thị trường.

Tọa đàm "Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc", sáng 6/3, đã mổ xẻ nhiều vấn đề liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

"Lúc đầu chúng tôi nghĩ sự đứt gãy này chỉ là ngắn hạn, nhưng giờ đã kéo dài hơn một năm", ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) nói.

Ông kể nhiều đơn vị bán lẻ đã suy kiệt tài chính, tinh thần hoang mang. Một số không cầm cự nổi đã phải sang lại cửa hàng, số khác bán ruộng, vườn để cầm cự kinh doanh, phục vụ bình ổn thị trường. Ông cũng gọi việc điều hành xăng dầu theo mệnh lệnh hành chính, khiến doanh nghiệp lỗ cũng phải bán, "là sự cưỡng bức".

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh), phát biểu tại toạ đàm về kinh doanh xăng dầu, ngày 6/3. Ảnh: Như Ý
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh), phát biểu tại toạ đàm về kinh doanh xăng dầu, ngày 6/3. Ảnh: Như Ý

Bà Nguyễn Thị Rim, Giám đốc Công ty TNHH Giang Chấn Hưng (Trà Vinh) đề nghị làm rõ việc doanh nghiệp nhà nước trong ngành năng lượng lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng và Chính phủ đang phải tìm chính sách hỗ trợ, trong khi doanh nghiệp bán lẻ không được bù lỗ.

“Doanh nghiệp bán lẻ cũng lỗ đã đến cả nghìn tỷ đồng, có được bù lỗ hay không? Nếu không thì dựa vào đâu để buộc doanh nghiệp bán lẻ phải hy sinh, trong khi doanh nghiệp nhà nước lại được cân đối bù lỗ”, bà Rim nói.

Cũng trong tọa đàm, nhiều doanh nghiệp bán lẻ than rằng họ đã không thể cầm cự nổi khi chiết khấu bán lẻ ở mức thấp kéo dài hơn một năm. Có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ.

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP), cho biết về bản chất, thương nhân phân phối phải đáp ứng đủ điều kiện theo Nghị định 83 mới được hoạt động, nhưng vẫn bị cho rằng đây là khâu trung gian, gây đứt gãy, khiến chi phí tăng cao. Đây là “nỗi oan” và các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân sâu xa của đứt gãy.

Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng nên tạo ra thị trường xăng dầu cạnh tranh để đảm bảo quyền lợi các bên. Ảnh: Trọng Quân
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng nên tạo ra thị trường xăng dầu cạnh tranh để đảm bảo quyền lợi các bên. Ảnh: Trọng Quân

Theo TS Vũ Đình Ánh, thị trường xăng dầu hiện nay đã tạo ra sự đối đầu, xung đột lợi ích giữa đầu mối - phân phối - bán lẻ. Dù sửa hay không sửa Nghị định 83, 95 thì vấn đề này cần phải được khắc phục. Hiện chúng ta chỉ kinh doanh xăng dầu, chưa có thị trường xăng dầu, nhưng lại đặt ra các vấn đề trên cơ sở đã có thị trường.

Bên cạnh đó, đang có sự lầm tưởng giữa giá và chiết khấu. Ngoài ra, hệ thống kinh doanh xăng dầu mới chỉ đề cập đến 3 bộ phận (đầu mối - phân phối - bán lẻ) nhưng bỏ quên lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, chiếm 70% hệ thống.

“Tôi cho rằng chỉ nên có hai bộ phận: đầu mối và phân phối, sẽ có tư duy khác. Khi quy định về chiết khấu, vô hình chung coi bán lẻ nằm trong chuỗi của đầu mối, phụ thuộc đầu mối. Dù luật coi là quan hệ dân sự, có thể tiếp cận nhiều đầu mối, nhưng thủ tục pháp lý phức tạp, nên thực chất vẫn là đại lý độc quyền”, ông Ánh nói. "Cần phải xem xét thêm quyền ra khỏi thị trường đối với bên phân phối. Doanh nghiệp lỗ thì có quyền được ra khỏi thị trường".

Đồng tình với quan điểm giá trần là giá hành chính sẽ làm vỡ thị trường, PGS TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đề nghị Bộ Công thương nên xem xét quy định để tạo thị trường cạnh tranh cho xăng dầu, như điều kiện gia nhập và rút khỏi thị trường theo nghĩa thực của nó.

“Về giá, cần gắn với quy định trần giá, ảnh hưởng tới khái niệm chiết khấu, tạo ra vị thế độc quyền, nên có 1 số nhóm bị ảnh hưởng. Đã có giá trần còn giao cho đầu mối quyền định giá chiết khấu, nên làm thị trường xăng dầu vỡ. Đây là dịp để nhận diện, tháo gỡ. Hiện hai nhà máy sản xuất chiếm tới 70% cung cấp nội địa. Bộ Công Thương phải kiểm điểm rõ nguồn cung trong nước”, ông Thiên nói.

Đặt ngược lại vấn đề, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát CPI nhà nước làm sao?

“Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít. Tại sao không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng”, ông Đông nói.

Đại diện hai Bộ Tài chính - Công Thương đều vẫn khẳng định đã tính đúng, đủ chi phí lợi nhuận định mức trong giá cơ sở. Tuy vậy, ông Đông nói, chi phí vừa qua biến động liên tục, quản lý Nhà nước khó theo kịp.

MINH THÀNH

Theo Kinh doanh và Phát triển