Đất rừng Sóc Sơn: Nhiều người nơi khác đến lợi dụng người dân bản địa để vi phạm, trục lợi

Đây là nội dung được UBND huyện Sóc Sơn đề cập trong báo cáo công tác quản lý, xử lý vi phạm trên đất rừng trên địa bàn.

Có trường hợp lợi dụng người dân bản địa để trục lợi trên rừng Sóc Sơn.
Có trường hợp lợi dụng người dân bản địa để trục lợi trên rừng Sóc Sơn.

Về kết quả thực hiện Kết luận thanh tra năm 2019 của Thanh tra thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn cho biết còn 33 trường hợp công trình vi phạm được lập hồ sơ vi phạm năm 2017, 2018 (có 25 công trình trên xã Minh Trí; 8 công trình thuộc xã Minh Phú) chưa xử lý.

Đáng chú ý, sau kết luận thanh tra, đến nay phát sinh 139 trường hợp vi phạm đất đai có công trình xây dựng. Trong đó, có 94 trường hợp thuộc xã Minh Trí và Minh Phú đã được xử lý. Cụ thể, năm 2020 xử lý 14 trường hợp vi phạm xây dựng công trình; năm 2021 xử lý 16 trường hợp; năm 2022 xử lý 32 trường hợp; năm 2023 xử lý 32 trường hợp và giải toả 275 lều, lán tạm kinh doanh dưới tán cây rừng.

45 trường hợp xây dựng công trình còn lại chưa được xử lý dứt điểm, trong đó có một số công trình homestay, nhà kiên cố đã và đang xây dựng tại hồ Ban Tiện và hồ Đồng Đò xã Minh Trí và Minh Phú.

UBND huyện Sóc Sơn cho rằng nguyên nhân do bất cập trong quy hoạch rừng năm 2008. Cụ thể, quy hoạch rừng còn trùng lấn các loại đất của hộ gia đình, cá nhân, quốc phòng, an ninh, đất công trình dự án, trụ sở cơ quan, đất tôn giáo, tín ngưỡng.

Bên cạnh đó, một số trường hợp xử lý vi phạm còn chậm do có đơn khởi kiện của một số hộ dân và Toà án nhân dân có văn bản áp dụng biện pháp khẩn cấp dừng thi hành quyết định hành chính. Ngoài ra, một số hộ dân có đơn đến Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ có văn chỉ đạo tạm dừng việc cưỡng chế và giải quyết khiếu nại đồng thời làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án quy hoạch rừng Sóc Sơn.

Cũng theo UBND huyện Sóc Sơn, công tác phối hợp chưa quyết liệt của Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng PH-ĐD Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội trong kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu đối với các hành vi vi phạm. 

UBND huyện Sóc Sơn cũng cho rằng quyền lợi của người dân trong việc sử dụng đất đai, tài sản, trồng rừng qua nhiều năm, nhiều thời kỳ (có những hộ sinh sống, sản xuất trước thời điểm quy hoạch rừng) không được đảm bảo do quy hoạch rừng không được thực hiện dứt điểm. Dẫn đến các hành vi vi phạm (tự ý xây dựng công trình trong quy hoạch rừng). Bên cạnh đó còn có việc nhiều hộ dân ở nơi khác đến lợi dụng người dân bản địa để vi phạm, trục lợi.

Ngoài ra, một bộ phận cán bộ còn thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, chậm phát hiện báo cáo để xử lý kịp thời. Dẫn đến một số cán bộ phải xem xét xử lý trách nhiệm thậm chí xử lý hình sự.

Theo đó, huyện Sóc Sơn kiến nghị UBND thành phố Hà Nội hướng dẫn UBND huyện trong quá trình rà soát hiện trạng rừng theo Kế hoạch 57 năm 2022 của UBND thành phố làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008 huyện Sóc Sơn. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành tham mưu thành phố trong việc ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển rừng phòng hộ kết hợp phát triển du lịch sinh thái theo đúng định hướng phát triển của Quy hoạch rừng 2008.

Anh Hùng

Theo VietnamFinance