Dấu ấn M&A 2024: Top 10 thương vụ của năm

Mặc dù nền kinh tế chung và DN còn khó khăn nhưng mua bán sáp nhập DN (M&A) năm 2024 tại Việt Nam vẫn khá nhộn nhịp với nhiều thương vụ lớn. Cùng VietnamFinance điểm lại những vụ M&A ấn tượng năm 2024.

Home Credit Việt Nam về tay NĐT Thái Lan

Cuối tháng 2/2024, Tập đoàn Home Credit đã chính thức công bố việc ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam cho bên mua là The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB), thành viên của SCBX Public Company Limited (SCBX).

Thỏa thuận chuyển nhượng trị giá khoảng 800 triệu Euro và quá trình chuyển giao dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025, sau khi có chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Thái Lan.

Dấu ấn M&A 2024: Top 10 thương vụ của năm - Ảnh 1

SCBX là công ty mẹ của SCB và là một trong những tập đoàn công nghệ tài chính hàng đầu tại Thái Lan. SCB là ngân hàng lớn có tổng tài sản đứng thứ tư trong nước. Giá trị chuyển nhượng thực tế sẽ được xác định vào thời điểm hoàn tất giao dịch.

Home Credit Việt Nam bắt đầu hoạt động năm 2009 và là công ty đầu tiên của Tập Đoàn Home Credit tại Đông Nam Á.

Home Credit Việt Nam đang là một trong những công ty trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, giữ thị phần lớn thứ hai chiếm khoảng 14% tổng giá trị thị trường. Công ty cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng ​ nổi bật với ba ngành hàng chính: cho vay trả góp hàng tiêu dùng (xe máy, đồ gia dụng, điện tử, nội thất...), cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng. 

Theo ông Radek Pluhar, CEO của Home Credit Group, Home Credit Việt Nam đã phát triển nhanh chóng để chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trên thị trường kể từ khi bắt đầu hoạt động cách đây mười lăm năm.

Vingroup thoái vốn Vincom Retail, bán VINBrain

Trong năm 2024, Tập đoàn Vingroup đã thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 100% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. SDI là đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Kinh doanh thương mại Sado và Sado đang là cổ đông lớn nhất của Vincom Retail với tỷ lệ sở hữu 41,5%.

Giao dịch này giúp Vingroup thu về 39.100 tỷ đồng (tương đương 1,54 tỷ USD). Sau chuyển nhượng, Vingroup vẫn còn sở hữu hơn 18% Vincom Retail.

Các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vốn góp tại SDI từ Vingroup là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh NP, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh vàpPhát triển Emerald, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Falcon, Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển Thiên Phúc.

Giao dịch được hoàn tất trong tháng 11/2024. Bước sang tháng 12, tại chuyến thăm thứ hai của ông Jensen Huang, nhà sáng lập/CEO của Tập đoàn NVIDIA tại Việt Nam, vị lãnh đạo này đã cho biết về việc đã mua lại VINBrain, công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.

Trước đó, website của VINBrain cũng thông báo doanh nghiệp này hiện nay là một phần của NVIDIA. Theo đó, VINBrain đã được NVIDIA mua lại vào tháng 11/2024 và không còn là một thực thể doanh nghiệp độc lập.

VINBrain là công ty liên kết của Vingroup. Tính đến ngày 30/9, Vingroup đã đầu tư 126,5 triệu USD vào doanh nghiệp này. Tỷ lệ biểu quyết và tỷ lệ lợi ích đều ở mức 49,74%.

Theo giới thiệu, VINBrain là công ty công nghệ tiên phong phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế. Sứ mệnh của VINBrain là ứng dụng AI và IoT trong chăm sóc sức khỏe, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống. Công ty hướng tới mục tiêu mang lại sự bình đẳng trong việc tiếp cận các giải pháp, kiến thức và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mọi người.

Dấu ấn M&A 2024: Top 10 thương vụ của năm - Ảnh 2

Trước đó, VINBrain đã thiết lập mối quan hệ với “gã khổng lồ” công nghệ khi gia nhập Nvidia Inception - chương trình toàn cầu hỗ trợ các startup AI xuất sắc. VINBrain là một trong số 1% đối tác được trở thành thành viên cao cấp trong tổng số hơn 1.300 startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tham gia chương trình.

Ngoài VINBrain, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới cũng được cho rằng đã từng cân nhắc mua lại VinAI - một thành viên khác của Vingroup.

Hiện thời gian chi tiết và kế hoạch cụ thể về thương vụ M&A giữa Nvidia và đối tác Việt Nam vẫn chưa được công bố. Song CEO Jensen Huang cho rằng, đây là thời điểm lý tưởng để Việt Nam xây dựng tương lai của trí tuệ nhân tạo.

Vinhomes chi gần 10.500 tỷ đồng mua lại cổ phiếu VHM

Trong những tháng cuối năm 2024, Công ty cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM) đã thực hiện thương vụ chưa từng có, mua vào tổng cộng gần 247 triệu cổ phiếu VHM.

Số lượng này bằng 66,75% tổng số đăng ký ban đầu (370 triệu cổ phiếu), số lượng còn lại chưa thể mua vào là 123 triệu đơn vị. Trung bình mỗi phiên, Vinhomes đã mua vào 11,2 triệu cổ phiếu VHM, mua được nhiều nhất trong phiên 15/11 (hơn 22,8 triệu đơn vị), và ít nhất trong phiên 8/11 (hơn 3 triệu đơn vị).

Dấu ấn M&A 2024: Top 10 thương vụ của năm - Ảnh 3

Giá giao dịch bình quân là 42.444,36 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng số tiền mà Vinhomes đã chi là gần 10.500 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất giao dịch, vốn điều lệ của Vinhomes đã giảm từ 43.544 tỷ đồng xuống còn 41.074 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết giảm tương đương từ hơn 4,3 tỷ cổ phiếu còn hơn 4,1 tỷ đổng phiếu.

Thương vụ mua lại cổ phiếu của Vinhomes được đánh giá là thương vụ lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng thị giá của VHM ở mức thấp hơn so với giá trị thực của doanh nghiệp, do đó việc mua lại cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông.

Whistler Investments thoái vốn ACB

Quý II/2024, quỹ ngoại Whistle Investment Limited đã thông báo về việc hoàn tất bán toàn bộ gần 194 triệu cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) trong phiên 22/3 và phiên 28/3. Số tiền thu về ước tính đạt hơn 5.471 tỷ đồng.

Giao dịch này đã kết thúc 6 năm ngồi ghế cổ đông lớn ACB của Whistle Investment Limited kể từ năm 2018. Ở thời điểm đó, Whistle Investment Limited cùng Sather Gate Investments Limited đã thế chân Standard Chartered Bank, nắm 9,95% vốn điều lệ ACB.

Được biết, cả hai quỹ ngoại này đều thuộc sở hữu của công ty mẹ là Alp Asia Finance Vietnam Limited. Hiện tại, Sather Gate Investments Limited vẫn đang nắm giữ gần 194 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 4,99%.

Nói cách khác, Alp Asia Finance Vietnam Limited mới chỉ chốt lời một nửa phần vốn đã đầu tư vào ACB. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại ACB luôn ở mức tối đa 30%, là một trong những cổ phiếu ngân hàng có sức hút đối với khối ngoại.

Dấu ấn M&A 2024: Top 10 thương vụ của năm - Ảnh 4

Sau khi Whistle Investment Limited thoái vốn tại ACB, nhiều nguồn tin cho rằng hai tổ chức tài chính có trụ sở tại Mỹ là bên mua trong thương vụ này. Tuy nhiên, các thông tin vẫn chưa được phía ACB xác nhận.

Mặt khác, ACB đã công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng này, bao gồm bà Đặng Thu Thủy, thành viên HĐQT (nắm giữ hơn 53,35 triệu cổ phiếu, chiếm 1,194%, số cổ phần của người liên quan của bà Thủy là hơn 467 triệu cổ phiếu, chiếm 10,457%), ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT (nắm giữ 153 triệu cổ phiếu ACB, chiếm 3,427%, số cổ phần của người liên quan của ông Huy nắm giữ hơn 367 triệu cổ phiếu, chiếm 8,218%); Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam (nắm giữ hơn 69,46 triệu cổ phiếu, chiếm 1,555%, số cổ phần của người liên quan nắm giữ 350.635 cổ phiếu, chiếm 0,008%).

Ngoài ra, tháng 9 vừa qua, ACB đã bổ sung vào danh sách này thêm 5 cổ đông nắm giữ 6,774% vốn, bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Giang Sen (sở hữu gần 80,3 triệu cổ phiếu ACB, chiếm 1,798%, người có liên quan cổ đông này sở hữu 228,1 triệu cổ phần ACB, chiếm 5,107%); Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bách Thanh (sở hữu 55,9 triệu cổ phiếu ACB, chiếm 1,252% vốn, số cổ phần sở hữu của người có liên quan đến cổ đông này là trên 250,2 triệu cổ phiếu, chiếm 5,609%); Công ty Cổ phần Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương (sở hữu 58,57 triệu cổ phiếu, chiếm 1,311%, số cổ phần sở hữu của người có liên quan đến cổ đông này là 107,75 triệu cổ phiếu, chiếm 2,412%).

MHT bán 100% cổ phần Công ty H.C. Starck Holding

Ngày 18/12, Masan High-Tech Materials (MHT, UPCoM: MSR) công bố đã hoàn tất thành công việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding (Đức) cho Mitsubishi Materials Corporation (MMC) Group. Thương vụ đã được thông báo lần đầu vào tháng 5/2024, chính thức hoàn tất sau hơn nửa năm.

HCS là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Masan High Tech Materials, là nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao. MHT đầu tư vào HCS năm 2020 với mục tiêu đưa công nghệ tinh chế và tái chế vonfram về Việt Nam để chuyển dịch sang mô hình kinh doanh tuần hoàn bền vững.

Masan​sẽ giữ phần sở hữu và lợi nhuận tiềm năng tại Nyobolt, một công ty có trụ sở tại Anh chuyên cung cấp giải pháp pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobium ở cực anode. Nyobolt đang tiến gần đến giai đoạn thương mại hóa sản phẩm với quy mô lớn. Đối với công nghệ tái chế “black mass” do HCS phát triển, Masan giữ đặc quyền hưởng một phần lợi nhuận khi công nghệ này được thương mại hóa trong tương lai.

Sau khi hoàn tất giao dịch, Masan Group sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế một lần. Số tiền thu được từ giao dịch sẽ được sử dụng để giảm nợ của MHT từ khoảng 670 triệu USD xuống còn khoảng 490 triệu USD. Tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA của Masan Group dự kiến vào khoảng 3,17 trong cuối năm 2024, phù hợp với mục tiêu duy trì tỷ lệ này dưới 3,5.

DB Insurance nhận chuyển nhượng AIC và BHI

Trong 1 ngày 27/2, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài gòn – Hà Nội (BSH, UPCoM: BHI) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI, UPCoM: AIC) đã tổ chức lễ công bố cổ đông chiến lược nước ngoài là DB Insurance (Hàn Quốc).

Hai thương vụ đều được công bố trước đó trong năm 2023, tuy nhiên phải đến đầu năm 2024 mới chính thức hoàn tất. Theo đó, DB Insurance sẽ nắm giữ 75% vốn của BSH và VNI, tỷ lệ sở hữu ở mức chi phối.

Với VNI, cổ phiếu AIC ghi nhận giao dịch khớp lệnh tăng đột biến với hơn 75 triệu cổ phiếu sang tay (tương đương tỷ lệ hơn 75%), giá trị chuyển nhượng 1.263 tỷ đồng trong phiên 31/1. Với BSH, cổ phiếu BHI được khối ngoại thực hiện 21 lệnh thoả thuận để mua 75 triệu cổ phiếu BHI, giá trị giao dịch đạt 1.628 tỷ đồng.

Cả hai giao dịch này đều được cho là do DB Insurance thực hiện. Như vậy số tiền mà “cá mập” Hàn Quốc này đã chi ra để thâu tóm hai doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam ước tính đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.

Ngoài BSH và VNI, DB Insurance hiện còn là cổ đông lớn của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI). Từ năm 2015, DB Insurance đã mua vào 30 triệu cổ phiếu PTI, chiếm 37,3% vốn điều lệ của Bảo hiểm Bưu điện.

MWG bán 5% Bách Hoá Xanh

Tháng 4/2024, Công ty Cổ phần Thế giới Di động (HoSE: MWG), Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Bách Hoá Xanh (Công ty Đầu tư BHX) đã hoàn tất giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư. Tỷ lệ cổ phần chào bán là 5% trên tổng số cổ phần đã phát hành của Công ty Đầu tư BHX.

Theo kế hoạch ban đầu, Đầu tư Bách hóa Xanh sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư với tỷ lệ chào bán cổ phần tối đa là 20%. Sau đó, MWG hạ tỷ lệ chào bán xuống còn từ 5-10%.

MWG cho biết, Bách Hoá Xanh đã liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện, cùng tình hình dòng tiền tích cực, đặc biệt là mục tiêu có lợi nhuận sau thuế ở cấp độ công ty từ năm 2024, Công ty Đầu tư BHX không có nhu cầu chào bán cổ phần tối đa lên tới 20%.

Theo tiết lộ của Công ty Chứng khoán SSI, số tiền mà MWG thu được từ đợt chào bán là 1.770 tỷ đồng, tương đương với P/S 2023 là 1,1 lần. Số tiền sẽ được dùng để tài trợ nhu cầu hoạt động và phát triển kinh doanh nói chung của Công ty Đầu tư BHX và Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh (công ty con của Công ty Đầu tư BHX).

Chuỗi bán lẻ Bách Hoá Xanh từng được giới phân tích định giá ở mức 1,5 - 1,7 tỷ USD, dù MWG đã phủ nhận thông tin này.

Nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 5% vốn của Bách Hoá Xanh là Quỹ đầu tư CDH Investments đến từ Trung Quốc. Trong thông báo ngày 9/4/2024, quỹ này cũng chính thức công bố hợp tác với chuỗi bán lẻ thực phẩm hàng đầu Việt Nam Bách Hóa Xanh.

Đại gia Lê Văn Tám bán 49% cổ phần kho cảng LNG Cái Mép

Tháng 3/2024, AG&P đã thông báo về việc mua 49% cổ phần của Cảng LNG Cái Mép - cảng nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ được phát triển và xây dựng bởi Công ty TNHH Hải Linh của "đại gia xăng dầu" Lê Văn Tám.

Kho cảng này có vị trí chiến lược gần Đồng bằng sông Cửu Long và có 3 bể chứa trên bờ với tổng sức chứa 220.000m3 chứa LNG và khả năng phân chia LNG cho phép nạp LNG vào các tàu nhỏ hơn.

Với tổng số 14 khu vực để tải CNG và LNG cho xe tải, Kho cảng LNG Cái Mép được kết nối thuận tiện thông qua nhiều đường cao tốc đến một số trung tâm nhu cầu gần đó để cung cấp khả năng tiếp cận LNG đáng tin cậy. Đây sẽ là kho cảng LNG thứ hai của Việt Nam bắt đầu hoạt động, sau kho cảng LNG Thị Vải của Petrovietnam Gas, cũng thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Giá trị thương vụ không được bên mua và bên bán công bố. Được biết, cảng nhập LNG Cái Mép có trị giá 500 triệu USD (hơn 12.700 tỷ đồng), với công suất 3 triệu tấn/năm và có thể nâng cấp lên 6 triệu tấn/năm.

Kho cảng LNG Cái Mép do Công ty TNHH Hải Linh làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp vận hành là Công ty Cổ phần Kho cảng LNG Cái Mép, có mức vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng.

NĐT Thái mua trước hạn 50% SHBFinance

Thương vụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) bán/chuyển nhượng vốn tại Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHBFinance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản) đã được ấn định vào năm 2021, lộ trình diễn ra theo hai giai đoạn.

Tháng 5/2023, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn tại SHBFinance cho đối tác Krungsri, đồng thời SHBFinance được chuyển đổi từ Công ty Tài chính TNHH MTV thành Công ty Tài chính TNHH theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Nửa còn lại của vốn điều lệ tiếp tục được chuyển nhượng sau ba năm.

Tuy nhiên, vào tháng 11 vừa qua, Krungsri đã có đề nghị với SHB về việc muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance. Ngày 5/11 vừa qua, SHB cũng đã công bố nghị quyết thông qua việc bán/chuyển nhượng vốn tại SHBFinance cho đối tác.

Như vậy, thay vì chờ đến năm 2026, phần còn lại của thương vụ đã được thực hiện trong giai đoạn 2024-2025. Thương vụ này mang lại nguồn vốn thặng dư đáng kể cho cổ đông của SHB, đồng gia nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng này.

Giá trị thương vụ được công bố trước đó là 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD. Theo ông Đỗ Quang Hiển, giá bán SHBFinance được đánh giá cao nhất trong số các thương vụ tài chính mà Việt Nam thoái vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bitexco hoàn tất bán siêu dự án tứ giác Bến Thành

Tháng 10/2024, Tập đoàn Bitexco chính thức chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH Saigon Glory (chủ đầu tư dự án One Central HCM) cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội.

One Central HCM là một dự án phức hợp rộng 8.600 m2 nằm tại khu tứ giác Bến Thành, đối diện chợ Bến Thành (quận 1, TP. HCM) với 4 mặt tiền: Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính.

Trước đây, Bitexco đã thế chấp toàn bộ vốn góp tại Saigon Glory cho Techcombank để làm tài sản đảm bảo cho 10 lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng do Saigon Glory phát hành. Các lô trái phiếu này sẽ đáo hạn từ tháng 6/2025 đến tháng 11/2026.

Sau thoái vốn, Bitexco cam kết tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi của 10 lô trái phiếu Saigon Glory từ 1/9/2024 đến hết kỳ ngày 12/6/2025 và số tiền lãi của kỳ 18/6/2025. Còn Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội sẽ tiếp tục thanh toán số tiền gốc của kỳ thanh toán ngày 18/6/2025, cũng như nghĩa vụ trả gốc và lãi của 10 lô trái phiếu sau mốc thời gian trên.

Hải Đường

Theo VietnamFinance