Đấu giá đất ven đô: Lo ngại nguy cơ thổi giá, bỏ cọc

Tình trạng giới “đầu nậu”, “cò đất” đấu giá đất lên cao rồi bỏ cọc diễn ra tại nhiều địa phương, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Bỏ ra mức giá gần 90 triệu đồng để mua 1m2 đất ở khu vực hạ tầng chưa đồng bộ như Mê Linh khiến nhiều chuyên gia cho rằng, không loại trừ đây là chiêu trò để “làm giá”, “thổi giá đất”, cảnh báo nguy cơ “quay xe bỏ cọc” đất đấu giá.

Trúng đấu giá gần 90 triệu đồng/m2

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh (Hà Nội) vừa tổ chức thành công phiên đấu giá đối với 17 thửa đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm khiến nhiều người bất ngờ.

Theo đó, tổng diện tích khu đất đấu giá là 1.858,9 m2 (diện tích mỗi thửa từ 87,75 - 171,67 m2), giá khởi điểm từ 27,1- 35,2 triệu đồng/m2. Kết quả, lô đất có giá trúng cao nhất là 85,5 triệu/m2 và thấp nhất là 28,6 triệu/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá hơn 98 tỷ đồng.

Hình ảnh nhà đầu tư xếp hàng tham gia phiên đấu giá đất dự án HUD Mê Linh.
Hình ảnh nhà đầu tư xếp hàng tham gia phiên đấu giá đất dự án HUD Mê Linh.

Cũng mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tổ chức mở bán thành công đợt 1 gồm 202 lô biệt thự, nhà vườn (liền kề) xây thô hoàn thiện mặt ngoài hình thành trong tương lai gắn liền với quyền sử dụng đất ở đã có hạ tầng dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 tại Mê Linh (dự án HUD Mê Linh).

Theo đó, loại hình nhà vườn được đấu giá có diện tích 102 - 159 m2, giá khởi điểm dao động từ 4,2 - 8,3 tỷ đồng, tương đương 40,7 - 51,1 triệu đồng/m2; biệt thự song lập diện tích 210 - 305,5 m2, giá khởi điểm dao động từ 7,7 - 13,1 tỷ đồng, tương đương 36,7 - 47,4 triệu đồng/m2; biệt thự đơn lập diện tích 362 - 410 m2, giá khởi điểm dao động 12 - 18,9 tỷ đồng, tương đương 39,5 - 50,3 triệu đồng/m2.

Tại buổi trả giá cạnh tranh, có 225 cá nhân, tổ chức tham gia với số tiền cọc từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Điều đáng nói, các nhà đầu tư cho biết, sau phiên đấu giá tất cả các căn đã được "chốt" thành công với giá cao hơn giá khởi điểm rất nhiều, thậm chí có căn chênh tới vài tỷ đồng.

Cụ thể, một căn biệt thự song lập có diện tích 302,5 m2, giá khởi điểm là 12,62 tỷ đồng, giá mua là 14,73 tỷ đồng, chênh 2,11 tỷ đồng, tương đương 48,78 triệu đồng/m2, nhờ có ưu thế là nằm ở vị trí lô góc.

Trong khi đó, một căn biệt thự đơn lập có diện tích 410 m2, ở vị trí lô góc, giá khởi điểm là 18,9 tỷ đồng, giá mua khoảng 23,17 tỷ đồng, chênh gần 4,3 tỷ đồng, tương đương 56,5 triệu đồng/m2. Hai căn biệt thự đơn lập khác có cùng diện tích 362 m2 nằm, ở vị trí lô góc, giá khởi điểm khoảng 18,2 tỷ đồng, giá mua 21,1 tỷ đồng, chênh 2,9 tỷ đồng, tương đương 58,3 triệu đồng/m2.

Theo chủ đầu tư, sau 5 ngày khi buổi trả giá cạnh tranh kết thúc, chủ đầu tư sẽ quyết định và mời nhà đầu tư trả giá thành công thực hiện các thủ tục tiếp theo. Tiến độ bàn giao nhà cũng được chủ đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật và hợp đồng ký kết với khách hàng.

Tiềm ẩn nguy cơ “thổi giá đất” và “quay xe” bỏ cọc

Ngay sau khi thông tin về buổi trả giá vừa diễn ra xuất hiện, nhiều người bày tỏ sự bất ngờ, cũng như cho rằng giá mua đất của các nhà đầu tư tại Mê Linh là đang khá cao so với mặt bằng chung.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam nhận định, mức giá 40 – 60 triệu đồng/m2, thậm chí gần 90 triệu đồng/m2 là không cao trên thị trường bất động sản nhưng so với tiềm năng hiện tại của Mê Linh thì mức giá này khá cao. Bởi lẽ, thời gian qua có những đề xuất về việc Mê Linh lên thành phố trực thuộc Thủ đô, nhưng việc này mới dừng lại ở mức đề xuất.

Đặc biệt, ông Điệp cho rằng cũng không loại trừ trường hợp nhà đầu tư tham gia đấu giá để “làm giá”, “thổi giá đất” khu vực lân cận. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ, các cơ quan liên quan và các ngân hàng tăng cường “phanh” tín dụng bất động sản đã phần nào khiến thị trường hạ nhiệt, thì câu chuyện “quay xe bỏ cọc” đất đấu giá rất có thể sẽ diễn ra.

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, mức giá của phiên đấu giá vừa nêu đang được các nhà đầu tư kỳ vọng cao quá.

Cụ thể, ông Đính cho rằng, đối với dự án HUD Mê Linh, chỉ cần tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 50%, với mức giá nhà đầu tư đưa ra thì chủ đầu tư đã thành công lớn. Bởi lẽ, dự án này dẫu có hạ tầng nhưng là hạ tầng độc lập, trong khu đô thị, còn xét về yếu tố khu vực thì hạ tầng của Mê Linh chưa đồng bộ, nên việc giá mua ở mức 50 – 60 triệu đồng/m2 là chưa thực sự đúng với hiện trạng. “Tôi cho rằng, mức giá hơi ảo, nhà đầu tư rất dễ đã mua hớ”, ông Đính thẳng thắn nói.

Chủ tịch VARS cũng cho rằng nhiều nhà đầu tư bỏ tiền ở Mê Linh đang kỳ vọng nhiều vào dự án tuyến đường Vành đai 4, nhưng thực tế hiện nay dự án này chưa khởi công và cần có lộ trình nhiều năm mới xây dựng tới khu vực Mê Linh. Đồng thời, chỉ dựa vào tuyến đường này để đẩy giá bất động sản khu vực Mê Linh lên cao là điều khó xảy ra…

Những lần đấu giá bỏ cọc gần đây

Không chỉ riêng các khu vực vùng ven tại Hà Nội gặp tình trạng thổi giá bỏ cọc, tình trạng đấu giá đất với giá cao sau đó bỏ cọc cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác. 

Nghệ An: Đất nền “hạ nhiệt”, nhà đầu tư bỏ cọc 73 lô mất hàng tỷ đồng.
Nghệ An: Đất nền “hạ nhiệt”, nhà đầu tư bỏ cọc 73 lô mất hàng tỷ đồng.

Mới đây, một cá nhân đến từ Hà Nội đã trúng đấu giá 19 lô đất tại Nghệ An với số tiền cọc 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó người này cũng đã "bỏ cọc". Những người trúng đấu giá đặt cọc số tiền từ 110 - 385 triệu đồng/lô, tổng số tiền cọc thu được trên 15 tỷ đồng.

Hay như khu vực Tây Nguyên, một số huyện thuộc các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk thời gian qua đã trở thành “điểm nóng” của thị trường bất động sản khu vực, các nhà đầu tư từ nhiều nơi đã rầm rộ kéo về tìm hiểu, mua đất khiến giá đất nơi đây tăng chóng mặt. Tuy nhiên đến nay, giá nhà đất cũng như giao dịch bất động sản khu vực này đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, thậm chí giá bán một số nơi “lao dốc không phanh”.

Trước đó, hồi tháng 11, UBND thị xã Điện Bàn cũng đã ra 11 quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của một cá nhân ở Đà Nẵng đối với 11 lô đất diện tích từ 118 - 134 m2 tại khu Lô Tháp, thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng. Lý do là người trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

11 lô đất này có giá khởi điểm 5,3 tỷ đồng. Để tham gia đấu giá, cá nhân trên đã nộp tiền cọc 975 triệu đồng. Các lô đất được người này trả giá lên cao gần 13 tỷ đồng, trong đó, nhiều lô được trả giá cao gấp đôi giá khởi điểm.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống