Bất động sản 24h: Có thể tính đến hình sự hóa hành vi thổi giá đất sốt ảo để trục lợi?
Có thể tính đến hình sự hóa hành vi thổi giá đất sốt ảo để trục lợi?; Phân lô bán nền là “tội đồ” tạo sốt đất?; Ông Nguyễn Thanh Nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.
Có thể tính đến hình sự hoá hành vi thổi giá đất sốt ảo để trục lợi?
Trước tình trạng sốt đất cục bộ nhiều địa phương gây ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp khi đền bù giải phóng mặt bằng, đã có ý kiến đề xuất hình sự hoá hành vi thổi giá gây sốt đất ảo...
Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: “Nói sốt đất đều do môi giới là không đúng bản chất”. Theo ông Lâm, sốt đất một phần do người dân có dòng tiền nhàn rỗi và kỳ vọng về giá bất động sản tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tín hiệu lạc quan… Một số kênh đầu tư tích trữ an toàn như tiền gửi có lãi suất thấp nên nhà đầu tư tìm đến kênh hấp dẫn hơn như bất động sản.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) lại cho rằng, tâm lý đám đông có phần đến từ giới đầu nậu, môi giới vì cả nước chỉ khoảng 300.000 môi giới được đào tạo chứng chỉ hành nghề, nên đòi hỏi tính chuyên nghiệp, đạo đức kinh doanh là rất khó. Và việc một số đầu nậu làm giá, thổi giá là khó tránh. Hiện nay, sốt giá bất động sản trên tất cả loại hình, không chỉ đất nền và đất nông nghiệp mà cả sốt giá căn hộ, dự án nhà biệt thự, nhà phố và cả khu vực đô thị cũ, giá nhà đất tại khu vực đô thị cũ cũng tăng lên rất cao…
Trong quý đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 2,13% nhưng tín dụng bất động sản lại tăng nhanh hơn mặt bằng chung. Nhiều ngân hàng thương mại đang chạy đua cho vay tiêu dùng, trong đó các gói cho vay bất động sản với lãi suất chỉ từ 4,99 - 10%/năm. Động thái này của các ngân hàng đã thúc đẩy người dân vay để đầu tư vào bất động sản.
Hệ quả của sốt đất là là đông đảo người thu nhập trung bình và thấp bị mất cơ hội mua nhà vì mặt bằng giá đẩy lên quá cao. Sốt đất, người dân cũng sẵn sàng bán đất nông nghiệp - vốn là tư liệu sản xuất hằng ngày. Sau đó khi cơn sốt đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập từ đó ảnh hưởng đến xã hội.
Phân lô bán nền là “tội đồ” tạo "sốt" đất?
Những tháng trở lại đây, "cơn sốt" đất bùng nổ mạnh mẽ trên nhiều tỉnh thành. Một số chuyên gia cho rằng, việc nới lỏng quy định phân lô bán nền tại các tỉnh là nguyên nhân dẫn tới "cơn sốt" đất khi tâm lý sính đất nền "ăn sâu, bám rễ" trong suy nghĩ của người dân.
Liên quan đến quan điểm này, đại diện một số cơ quan Nhà nước tham dự chương trình giao lưu trực tuyến "Phân lô bán nền: Quản hay cấm" diễn ra mới đây do báo Dân trí tổ chức, cho rằng hệ thống văn bản pháp luật quy định về phân lô bán nền đã đầy đủ. Nguyên nhân "sốt" đất đến một phần từ buông lỏng quản lý.
Vị Cục trưởng Cục Phát triển đô thị nhấn mạnh: “Hệ thống luật pháp quy định đã ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện, cả quản lý trong đô thị, trong nông thôn như thế nào. Vấn đề là câu chuyện có tuân thủ hay không? Tất nhiên cũng có những nội dung mới chúng ta chưa có như vấn đề về thuế. Thực tiễn, tình hình mới đòi hỏi chúng ta xây dựng pháp luật cho phù hợp. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, không thể quy kết là tại một luật nào gây ra sốt đất".
Trong khi đó, theo bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, yếu tố quản lý là nguyên nhân dẫn tới hoạt động phân lô bán nền tràn lan. Theo bà Vân Anh, khuôn khổ thực hiện phân lô bán nền đã có quy định, nhưng vẫn có vi phạm xảy ra. Do đó, yếu tố đầu tiên phải kể đến là quản lý Nhà nước.
Bà Vân Anh phân tích sâu hơn: “Trong Luật Đất đai, chúng tôi có điều khoản quy định rất rõ, chính quyền cơ sở là nơi đầu tiên phát hiện và ngăn chặn sai phạm. Nhưng thực sự có những trường hợp họ san lấp, phân lô bán nền trên diện rộng mà chính quyền không có phản ứng. Nếu địa phương bật đèn xanh làm ngơ thì người phát triển mới có thể làm được. Việc xây một bức tường có thể khó phát hiện, nhưng san lấp cả một diện tích lớn không thể nào không phát hiện được. Tôi nhấn mạnh vai trò của yếu tố quản lý ở đây!”
Ông Nguyễn Thanh Nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Sáng 8/4, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và một số thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Nghị được phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng; thay cho người tiền nhiệm là ông Phạm Hồng Hà mới được miễn nhiệm chiều 7/4.
Ông Nguyễn Thanh Nghị sinh ngày 12/8/1976, quê quán phường 9, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ông là Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật xây dựng, Kỹ sư Xây dựng; trình độ Cao cấp lý luận chính trị.
Ông từng là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XI (dự khuyết), XII, XIII; đại biểu Quốc hội khoá XIV.
Năm 2006, ông là giảng viên trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Đến năm 2008, ông giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.
Năm 2011, ông Nguyễn Thanh Nghị là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Đến tháng 3/2014, ông được Bộ Chính trị điều động, luân chuyển làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015. HĐND tỉnh Kiên Giang bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Đây là số liệu chính thức được Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến hết ngày 31/3/2021.
Như vậy, tốc độ tăng tín dụng của quý đầu năm 2021 đang cao hơn nhiều so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước. Và với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.
Vụ Tín dụng cũng cho biết thêm, đến cuối tháng 2/2021, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 776.918 tỷ đồng, tăng 0,16% so với năm 2020 (cùng kỳ 2020 giảm 0,09%; năm 2020 tăng 8,3%); ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2.615.593 tỷ đồng, tăng 1,13% (cao hơn mức tăng 0,95% của cùng kỳ 2020; năm 2020 tăng 9,58%); ngành thương mại, dịch vụ đạt 5.860.560 tỷ đồng, tăng 0,52% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,15%; năm 2020 tăng 13,9%).
Đối với các lĩnh vực ưu tiên, đến cuối tháng 2/2021, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 2.274.259 tỷ đồng, giảm 0,14% so với năm 2020 (cùng kỳ 2020 giảm 0,94%; năm 2020 tăng 11,52%); doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.816.970 tỷ đồng, giảm 0,12% (cùng kỳ 2020 giảm 1,7%; năm 2020 tăng 13,56%); xuất khẩu đạt 1.816.970 tỷ đồng, giảm 0,12% (cùng kỳ 2020 tăng 0,2%; năm 2020 tăng 13,66%); công nghiệp hỗ trợ đạt 232.896 tỷ đồng, tăng 2,45% (cùng kỳ 2020 tăng 0,96%; năm 2020 giảm 1,74%); doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 34.640 tỷ đồng, giảm 2,27% (cùng kỳ 2020 tăng 2,54%; năm 2020 tăng 5,26%).