Đấu giá đất vùng ven bị thổi giá, Hà Nội vào cuộc xác minh

Sau khi ghi nhận các phiên đấu giá đất có giá trúng cao bất thường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp với cơ quan công an xác minh nhóm đối tượng kích sóng đất nền thông qua các phiên đấu giá.

Phối hợp với công an xác minh nhóm đối tượng "kích sóng"

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, gần đây công tác đấu giá đất ghi nhận tình trạng một số lô đất được trả giá cao vọt lên gấp nhiều lần trong các phiên đấu giá đất (tăng gấp 6-10 lần, thậm chí có lô tăng đến 18 lần giá khởi điểm).

Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp với cơ quan công an xác minh nhóm đối tượng kích sóng đất nền thông qua các phiên đấu giá.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tình trạng giá trúng đấu giá đất qua các phiên liên tục bị đẩy lên sẽ có tác động khiến đất nền vùng ven ngoại thành Hà Nội bị đẩy lên, tiềm ẩn bất ổn định cho thị trường bất động sản.

Hà Nội vào cuộc xác minh nhóm kích sóng đất nền thông qua các phiên đấu giá đất.
Hà Nội vào cuộc xác minh nhóm kích sóng đất nền thông qua các phiên đấu giá đất.

Như Tài chính Doanh nghiệp đã thông tin, đầu tháng 8, tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã diễn ra phiên đấu giá 68 thửa đất có diện tích từ 60m2 đến 85m2 với giá khởi điểm 8,6-12,5 triệu đồng/m2. Khoảng 7.000 bộ hồ sơ và khoảng 1.600 người đã tham gia phiên đấu giá. Kết quả trúng đấu giá gây bất ngờ, khi giá trúng lô góc cao nhất lên tới gần 101 triệu đồng/m2, các lô khác có giá trúng là 63-80 triệu đồng/m2.

So với giá khởi điểm, giá trúng đấu giá cao gấp cả chục lần, những lô vị trí kém đẹp, giá trúng cũng cao gấp 5-6 lần. Trong khi đó, theo khảo sát trên trang Batdongsan.com.vn, mặt bằng giá đất nền khu vực này đang dao động phổ biến ở mức 35-40 triệu đồng/m2.

Gần đây nhất, ngày 19/8, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hoài Đức, 19 thửa đất có diện tích từ 74-118 m2 ở thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng được đem ra đấu giá với mức khởi điểm thấp nhất từ 7,3 triệu đồng/m2.

Trải qua 19 giờ đồng hồ (từ 8h sáng ngày 19/8 đến gần 5h sáng ngày 20/8), với 10 vòng trả giá, cuối cùng phiên đấu giá này cũng kết thúc với thửa đất có giá trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Trong khi đó, 2 thửa trúng có giá đấu giá thấp nhất cũng lên đến 91,3 triệu đồng/m2.

Mức giá này được coi là cao bất thường vì một số nhà đầu tư, môi giới cho biết, giá đất thổ cư xung quanh khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đang ở mức 80 triệu đồng/m2 đối với đất mặt đường, trong khi mặt ngõ ở mức 40-50 triệu đồng/m2.

Theo kế hoạch, ngày 26/8 tới, huyện Hoài Đức tiếp tục tổ chức đấu giá 20 lô đất còn lại ở khu Lòng Khúc, thuộc các lô LK01 và LK02. Giá khởi điểm vẫn là 7,3 triệu đồng/m2; diện tích dao động từ 89 - 145m2; đặt cóc trước từ 130 - 212 triệu đồng/thửa. Ngày 23/8 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ tham gia đấu giá.

Cẩn trọng với "sốt" đất đấu giá

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến "cơn sốt" đất đấu giá trong thời gian gần đây tại một số vùng ven Hà Nội, giới chuyên gia bất động sản cho rằng, nguồn cơn bắt đầu từ việc một số huyện vùng ven sắp được lên quận, đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng xã hội. Nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã được mở rộng, trải nhựa, mang lại bộ mặt khang trang cho vùng nông thôn. Đặc biệt, tuyến đường Vành đai 4 quanh trung tâm Hà Nội hình thành ngày càng rõ, hứa hẹn tiềm năng phát triển kinh tế lớn. Trong khi đó, khoảng vài năm gần đây thị trường địa ốc khan nguồn cung mới, giá chung cư tăng cao.

Bên cạnh đó, khi các luật mới liên quan bất động sản có hiệu lực từ 1/8 siết chặt phân lô bán nền thì nhu cầu tìm đất ngoại ô trở nên sôi động. Hay thông tin một số huyện chuẩn bị lên quận vào năm 2025 đã tác động đến tâm lý của cả người dân và nhà đầu tư nên mới có cảnh hàng nghìn người đi đấu giá đất, trong khi nhiều phiên đấu giá cuối năm 2023 đìu hiu, thậm chí nhiều lô đất phải lùi thời gian đấu giá vì không đủ người tham gia.

Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, đất đấu giá tiếp tục sôi động khi bảng giá đất mới chưa được áp dụng, việc xác định giá khởi điểm áp dụng theo khung giá của Nhà nước hiện nay sẽ thấp hơn nhiều so với loại hình đất khác. Vì vậy, để tránh rủi ro trước sức "nóng" của đất đấu giá nói riêng và các phân khúc nhà đất nói chung do ảnh hưởng, hệ lụy của nhiều yếu tố trên, người dân cần tỉnh táo trước khi xuống tiền đầu tư hoặc có nhu cầu ở thực.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho rằng, kết quả đấu giá đất cao như trường hợp đấu giá ở huyện Hoài Đức, Thanh Oai và các huyện ngoại thành Hà Nội mới đây có thể sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn.

Theo ông Tuấn, với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 đến 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo. Tuy nhiên, mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng.

"Việc đẩy giá trên cũng có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác," ông Tuấn nói.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều biến động, nhà đầu tư cần thận trọng, tránh chạy theo những cơn sốt đất không bền vững.

Phó tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn khuyến nghị người mua và nhà đầu tư nên nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng trên các yếu tố: kinh tế khu vực, quy hoạch hạ tầng và tốc độ gia tăng dân số. Cùng với đó là quá trình tìm hiểu biến động giá. Sau khi tìm hiểu kĩ càng các yếu tố này, nhà đầu tư mới nên đưa ra quyết định xuống tiền, tránh rơi vào bẫy đầu tư đám đông như cơn sốt đất đấu giá vừa qua.

Hoàng Tư

Theo Tài chính doanh nghiệp