Đầu tàu kinh tế Việt Nam: Hơn 500 dự án đăng ký đất rồi 'bỏ không'

Theo thông tin từ tỉnh này, các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, lĩnh vực thương mại, dịch vụ , lĩnh vực phát triển đô thị ...

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM mới đây đã có báo cáo về những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

Cụ thể, tính đến hết năm 2020, TP. HCM còn hơn 560 công trình, dự án đã đăng ký có nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa thực hiện. Trong quá trình lập quy hoạch, các ngành và các địa phương đã đăng ký chưa xác định được thời gian, tiến độ xây dựng các công trình.

Hơn 560 dự án tại TP. HCM chỉ đăng ký dự án nhưng lại không thực hiện
Hơn 560 dự án tại TP. HCM chỉ đăng ký dự án nhưng lại không thực hiện

Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (117 dự án), lĩnh vực thương mại, dịch vụ (18 dự án), lĩnh vực phát triển đô thị (73 dự án), lĩnh vực giáo dục đào tạo (29 dự án), lĩnh vực công nghiệp (31 dự án)…

Các công trình, dự án điển hình gồm, tuyến cao tốc TP. HCM - Mộc Bài; các tuyến đường vành đai (3, 4); tuyến metro số 4b (ga công viên Gia Định - ga Lăng Cha Cả); tuyến metro số 5 (bến xe Cần Giuộc mới - cầu Sài Gòn); depot Đa Phước (tuyến số 5); tuyến metro số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm); tuyến monorail số 2 (Quốc lộ 50 - Khu đô thị Bình Quới).

Khu đô thị Tây Bắc; khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc; khu cảng hạ lưu Hiệp Phước, khu công viên phần mềm Quang Trung 2; khu đô thị đại học Hưng Long; khu đô thị đại học quốc tế VIUT; khu đô thị lấn biển Cần Giờ; công viên giải trí quốc tế; khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa ; khu công nghiệp Phạm Văn Hai; khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2 và 3)…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trên là do TP. HCM chưa có quy định mang tính nguyên tắc, cụ thể là về trình tự, thủ tục thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt và đưa đất đã giải phóng mặt bằng ra đấu giá để lựa chọn chủ đầu tư.

Ngoài ra, sự khác biệt giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị (chủ yếu là quy hoạch phân khu) có hiện tượng mâu thuẫn, trùng lắp, khiến tình trạng người dân được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất sản xuất, kinh doanh nhưng lại không được cấp phép xây dựng (vì không phù hợp quy hoạch phân khu) hoặc được cấp phép xây dựng nhưng chỉ cấp phép xây dựng tạm, có thời hạn. Người dân mua đất nhưng lại không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất... Từ đó, vướng mắc trên gây ra các khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai , xây dựng cũng như hiện tượng xây dựng không phép tại các vùng ven đô.

“Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự án kéo dài, đến nay vẫn chưa kết thúc, dẫn đến tiến độ dự án chậm, vốn đầu tư tăng. Các dự án có sử dụng vốn ngân sách để bồi thường, đầu tư xây dựng được bố trí vốn chậm, hạn chế”, văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM nêu.

TP. HCM là một trung tâm kinh tế lớn và luôn là đầu tàu, đóng góp tới 22% trong GDP chung của cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê, quy mô GRDP TP. HCM tăng hơn 16 lần, từ 919.000 tỷ đồng vào năm 2015 lên 1,49 triệu tỷ đồng vào năm 2020. Riêng năm 2021, GRDP của TP. HCM chiếm gần 23 % GDP cả nước và chiếm khoảng 48,4% GRDP của Vùng kinh tế trong điểm phía Nam.

Từ đầu năm 2023 đến tháng 9, bức tranh kinh tế TP đã “tươi sáng” trở lại, kỳ vọng có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7,5-8% cho cả năm 2023 như đã đề ra.

Theo báo cáo của UBND TP. HCM, trong 9 tháng đầu năm 2023, GRDP của TP tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,14%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,57%, khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 5,67%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,78%.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống