TS Đinh Thế Hiển: ‘Lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và ổn định vào cuối quý II/2023’
Đưa ra dự báo về tình hình lãi suất năm 2023, TS Đinh Thế Hiển dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II.
Phát biểu tại Tọa đàm: Dự báo Kinh tế - Vươt “cơn gió ngược” 2022, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, hiện nay các dự báo của thế giới đều nhất quán rằng, càng đến cuối năm 2022 các dự báo càng xấu đi đối với kinh tế thế giới nói chung.
“Nhìn lại toàn bộ năm 2022 sẽ thấy đây là năm có tăng trưởng GDP tốt, bởi các yếu tố là xuất phát điểm GDP năm 2021 quá thấp, làm cho tốc độ tăng vượt lên; yếu tố thứ hai là quý I và quý II, chúng ta có mức xuất khẩu tốt. Tuy nhiên đến quý III thì bắt đầu giảm và quý IV thực sự gặp khó khăn”, ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, những tháng cuối năm, chính sách của Chính phủ vẫn nhất quán như các năm trước, bảo vệ kinh tế vĩ mô và giữ ổn định đồng tiền.
“Tuy nhiên, tất cả nguồn lực vẫn được dồn vào hạ tầng, cụ thể chi cho tài nguyên môi trường, nông nghiệp là mạnh nhất, điều này cho thấy sự ưu tiên của Chính phủ và Việt Nam còn rất nhiều dư địa cho vấn đề phát triển của hạ tầng giao thông, nông nghiệp nông thôn”, TS. Đinh Thế Hiển nói.
Ông Hiển phân tích thêm, về FDI, mặc dù năm nay đăng ký giảm hơn so với cùng kỳ nhưng số tiền giải ngân thực vượt lên và tốt hơn các năm trước, đạt được 19,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm là một điểm sáng. Trong khu công nghiệp, giá thuê khu công nghiệp ở phía Nam đều tăng trung bình 20% so với đầu năm, chứng tỏ nhu cầu thuê đầu tư nhà máy vẫn rất tốt.
Năm 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đi xuống và đi ngang trong năm 2024 đâu đó khoảng trên 6% và dưới 7%. Riêng năm 2023, WB dự đoán cán cân xuất nhập khẩu chỉ ngang bằng và có thể không đạt thực dương, không góp vào tăng giá trị GDP.
Hay dự báo mới nhất tháng 12/2022 của các tổ chức tài chính thế giới đều nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 2023 sẽ giảm dưới 7%, song đây vẫn là mức tăng trưởng tốt so với khu vực ASEAN (4,9%), châu Á Thái Bình Dương (4,6%) và thế giới (2%). Vừa qua Quốc hội đã phê duyệt GDP trong năm 2023 của Việt Nam ở mức khoảng 6,5%, cũng gần ngang với các dự báo trên.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, về những khó khăn thách thức, từ các tổ chức tài chính thế giới đến các chuyên gia Việt Nam đều cho rằng, khó khăn đến từ yếu tố bên ngoài chứ không đến từ nội tại của Việt Nam. Đáng chú ý là sự suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, còn một số yếu tố phụ như chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn tác động đến Việt Nam.
Cũng theo ông Hiển, Việt Nam vẫn có những thuận lợi và cơ hội nhất định bên cạnh những bi quan về lãi suất và lạm phát. Theo quan sát xuyên suốt từ tháng 9 đến tháng 12/2022, ông thấy rằng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang từng bước kiểm soát những khó khăn xuất hiện như lãi suất cao, kẹt tín dụng,... không phải từ chính sách mà từ bất ổn của cách sử dụng vốn để từ đó kiểm soát từng bước uyển chuyển, không gây ra các cú sốc như giai đoạn 2011-2012.
“Những gì chúng tôi lo lắng từ hệ thống ngân hàng, kể cả trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước được kiềm chế, nên điểm xấu của lãi suất, tín dụng cuối năm nay mà chúng ta lo lắng thì ở năm sau sẽ được tháo gỡ.
Hiện nay các nước đã đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô. Ví dụ tập đoàn Lego (Đan Mạch) mới đầu tư vào Bình Dương 2 tỷ USD với tầm nhìn 10-20 năm, họ không chỉ đòi hỏi yếu tố hạ tầng mà chính sách cần phải ổn định, khi đó mới có thể chuyển dịch nhà máy. Vì vậy đây là một cơ hội chứ không phải rủi ro”, ông Hiển nói.
Cùng với đó, ông Hiển cho biết trong giai đoạn 2018 – 2021, sự chuyển dịch từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á đã giúp tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc đang từ 33% qua Mỹ giảm xuống 25%. Còn các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã tăng từ 10 - 14%.
“Như vậy, FDI vào Việt Nam là một tiến trình ổn định mặc dù có một vài gián đoạn trong quý I và II, nhưng tiến trình đó vẫn là một cơ hội vì khi FDI vào Việt Nam không chỉ giúp tiêu dùng nội địa tăng, tạo việc làm, mà còn tạo quá trình đô thị hóa, các khu công nghiệp phát triển, gián tiếp giúp bất động sản tạo ra nhiều ngành nghề khác, đồng thời gián tiếp phát triển các doanh nghiệp nội địa bao gồm nghiệp phụ trợ”, ông Hiển nói.
Một vấn đề đang lưu tâm hiện nay là nhiều chuyên gia đều mong muốn thị trường bất động sản phải là một thị trường hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững, chứ không phải tăng nhanh như 2020 – 2022, mà phải ổn định tăng trưởng, thậm chí chậm hơn một chút so với tăng trưởng kinh tế.
Vị tiến sĩ dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I-II/2023 và sẽ phục hồi tăng vào quý III.
"Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III, với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ, từ quý IV/2023 tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh”, vị chuyên gia phân tích.