Đầu tư LDG: Dòng tiền kinh doanh âm nặng, liên tục vay nợ ngân hàng và trái phiếu để ‘bù đắp’ dòng tiền

Mặc dù Công ty CP Đầu tư LDG (LDG Investment) được biết đến với việc sở hữu hơn 1.464ha đất dọc từ Bắc xuống Nam. Tuy nhiên tình hình tài chính của LDG lại đáng báo động khi doanh nghiệp liên tục ghi nhận dòng tiền âm qua các quý. Kéo theo việc doanh nghiệp liên tục gia tăng vay nợ để cơ cấu dòng tiền.

Dòng tiền kinh doanh của LDG liên tục âm

Vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (Mã CK: LDG) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022. Theo đó, trong quý I đầu năm, LDG ghi nhận doanh thu 126,57 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2,4 tỷ đồng.

Với việc giá vốn bán hàng tăng mạnh lên 68 tỷ đồng đã kéo theo biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 84,1% về chỉ còn 46,3%.

Đồng thời, lợi nhuận gộp ghi nhận 58,57 tỷ đồng (tăng 27,42 tỷ đồng so với cùng kỳ), tăng 88%. Chi phí tài chính cũng tăng 126,8%, tương ứng tăng thêm 14,96 tỷ đồng lên 26,76 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 32,5%, tương ứng tăng thêm 7,2 tỷ đồng lên 29,33 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Một số chỉ tiêu tài chính của LDG Invesment (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022).  
Một số chỉ tiêu tài chính của LDG Invesment (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022).  

Trong năm 2022, LDG đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.337 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty chỉ hoàn thành 0,8% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, mặc dù khoản doanh thu trong quý của LDG ghi nhận tăng mạnh nhưng dòng tiền lại ghi nhận âm đáng kể. Cụ thể, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính của LDG âm 284,36 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 2,75 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 81,6 triệu đồng và dòng tiền tài chính dương 271,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chủ yếu do doanh nghiệp tăng các khoản vay nợ.

Khoản tiền đi vay của LDG ngày càng tăng mạnh.  
Khoản tiền đi vay của LDG ngày càng tăng mạnh.  

Như vậy, có thể thấy với việc dòng tiền kinh doanh liên tục âm, LDG đã liên tục tăng vay nợ để bù đắp và cơ cấu lại dòng tiền.

Được biết, LDG đã trải qua 3 năm dòng tiền âm liên tiếp. Cụ thể, năm 2019 âm 1.770 tỷ đồng, năm 2020 âm 97 tỷ đồng và năm 2021 âm 956 tỷ đồng.

Liên tục vay nợ ngân hàng và trái phiếu để bù đắp dòng tiền âm

Tính đến ngày 31/3/2022, tổng tài sản của LDG đạt 7.024 tỷ đồng (tăng 2,7% so với hồi đầu năm). Báo cáo tài chính LDG cho thấy, tài sản công ty chủ yếu đến các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.688,9 tỷ đồng (chiếm 52,5% tổng tài sản); các khoản phải thu dài hạn đạt 1.232,9 tỷ đồng (chiếm 17,6% tổng tài sản); tồn kho đạt 1.021 tỷ đồng (chiếm 14,5% tổng tài sản) và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tiếp tục tăng 5,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 180,6 tỷ đồng lên 3.688,9 tỷ đồng.

Cơ cấu tài sản của LDG tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022.  
Cơ cấu tài sản của LDG tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022.  

Theo thuyết minh Báo cáo tài chính, tổng khoản phải thu ngắn hạn khác là 2.694,9 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 1.170,2 tỷ đồng các khoản đặt cọc, ký quỹ, ký cược ngắn hạn; 924 tỷ đồng đặt cọc chuyển nhượng cổ phần; 391,4 tỷ đồng tạm ứng…Trong khi đó, tổng phải thu dài hạn là 1.233 tỷ đồng chủ yếu đến từ đặt cọc, ký quỹ ký cược dài hạn.

Về các khoản nợ phải trả, tính đến hết quý I/2022, LDG ghi nhận 3.778 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.363 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.415 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính của LDG tăng  lên 1.543,5 tỷ đồng và chiếm 22% tổng nguồn vốn và chiếm 47,5% vốn chủ sở hữu.

Vay nợ của LDG chiếm 22% tổng vốn và chiếm 47,5% vốn chủ sở hữu.  
Vay nợ của LDG chiếm 22% tổng vốn và chiếm 47,5% vốn chủ sở hữu.  

Theo thuyết minh báo cáo tài chính tính hình nợ vay của LDG, doanh nghiệp đang vay ngắn hạn 581,2 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại. Cụ thể, công ty vay Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) 200 tỷ đồng, vay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 199,9 tỷ đồng, vay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 54,6 tỷ đồng, vay ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) 27,9 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) 98,6 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2022.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2022.  

Về khoản vay dài hạn, LDG vay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – chi nhánh Phương Nam 439,7 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các khoản nợ từ phát hành trái phiếu với lô trái phiếu có mã LDGH2123001 với tổng trị giá phát hành là 137,6 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất 12%/năm.

Lô trái phiếu thứ hai có mã LDGH2123002 với kế hoạch phát hành có tổng giá trị là 400 tỷ đồng. Lô trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 2 năm với lãi suất 11,5%/năm từ ngày phát hành đến và không bao gồm ngày tròn 12 tháng kể từ ngày phát hành, và 12%/năm từ ngày trong 12 tháng kể từ ngày phát hành đến và không bao gồm ngày đáo hạn.

Vay và nợ thuê tài chính dài hạn của LDG tính đến hết quý I/2022.  
Vay và nợ thuê tài chính dài hạn của LDG tính đến hết quý I/2022.  

‘Chật vật’ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư LDG đã thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần 3. Theo đó, đại hội sẽ được diễn ra vào ngày 30/6/2022.

Trước đó, LDG đã 2 lần tổ chức ‘hụt’ ĐHĐCĐ thường niên. Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên 2022 lần 1 của LDG tổ chức bất thành khi số cổ đông tham gia chỉ đại diện cho hơn 70 triệu cp có quyền biểu quyết, chiếm 29.56% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Sau đó, đến ngày 2/6 (ngày tổ chực ĐHĐCĐ thường niên 2022 lần 2) ông Huỳnh Anh Đăng Khoa – Trưởng Ban kiểm tra tư cách đại biểu thông báo đến 15h55, số lượng đại biểu tham gia là 1,728, số lượng đại biểu ủy quyền là 97, đại diện cho hơn 72 triệu cp, chiếm 30.14% tổng số biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết.

Căn cứ theo quy định hiện hành và điều lệ Công ty, ĐHĐCĐ thường niên lần 2 năm 2022 của LDG với thành phần tham dự như trên là không hợp lệ và không đủ điều kiện để tổ chức do điều kiện cần là phải đảm bảo được ít nhất 33% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo dự kiến, lãnh đạo LDG trình cổ đông xem xét điều chỉnh hình thức trả cổ tức năm 2019 từ tiền mặt sang chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ là 7%, tương ứng số cp phát hành 16,76 triệu đơn vị.

Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành tính theo số cổ phiếu lưu hành sau khi trả cổ tức là 46,84% và tính theo số cổ phiếu trước khi trả cổ tức năm 2019 là 50,12%.

Giá chào bán dự kiến 12.000 đồng/cp, tương ứng số tiền muốn huy động 1.440 tỷ đồng. Giá trị sổ sách của cổ phiếu LDG tại ngày cuối năm 2021 là 13.547 đồng/cp.

Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán dùng để đầu tư các dự án, trong đó dành 840 tỷ đồng góp vốn vào dự án Khu du lịch biển Bãi Bụt – Sơn Trà, 400 tỷ đồng để đầu tư Dự án Khu chung cư lô C1 – Khu đô thị mới Bình Nguyên, và 200 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Thủy sản Bình Minh.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển