Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp: Khả năng trả nợ suy giảm

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, không ai dám chắc trong số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không bao gồm những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Những rủi ro cần nhận diện

Tại buổi đối thoại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp với chủ đề: "Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử với rủi ro" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức trực tuyến vào ngày 30/8, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng sự phát triển đó tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường, trong đó có các nhà đầu tư cá nhân.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT FiinRatings cho rằng, có bốn rủi ro chính khi đầu tư vào thị trường trái phiếu mà các nhà đầu tư cần nhận diện.

Thứ nhất là rủi ro tín dụng, tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn.

Thứ hai là rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu.

Thứ ba là định giá lãi suất điều chỉnh với rủi ro chưa hợp lý, dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương xứng với lãi suất. 

Thứ tư là các rủi ro khác bao gồm rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế, các thương vụ mua bán sáp nhập, thảm họa hay đại dịch…

Theo ông Thuân, để phòng tránh rủi ro, nhà đầu tư cần sử dụng tư vấn chuyên nghiệp, tự đánh giá rủi ro nếu có khả năng, đa dạng hóa kênh đầu tư cùng đặc điểm như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí… Phát hành trái phiếu nếu làm khéo sẽ trở thành kênh “cứu cánh” cho cho thị trường tài chính Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân bị cuốn hút khi tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bởi mức lãi suất cao nhưng đi kèm với đó là những rủi ro. Ảnh minh họa  
Nhiều nhà đầu tư cá nhân bị cuốn hút khi tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bởi mức lãi suất cao nhưng đi kèm với đó là những rủi ro. Ảnh minh họa  
 

Chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển mạnh, trong khi đó, kinh tế lại đang gặp khó khăn do tác động từ đại dịch COVID-19. Chỉ trong 8 tháng năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa và nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, có lẽ số lượng doanh nghiệp bị tạm ngừng kinh doanh có thể lên tới con số 100.000.

“Không ai có thể dám chắc rằng, trong số doanh nghiệp trên không bao gồm những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ suy giảm trầm trọng, chưa nói đến chuyện phá sản”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo vị chuyên gia này, đối với nhà quản lý, giải pháp quan trọng để bảo vệ nhà đầu tư chính là xếp hạng tín nhiệm. Ông Hiếu cũng đề xuất cơ quan quản lý áp dụng việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện ngay từ đầu năm 2022.

Ông Hiếu cho rằng, trong giai đoạn vô cùng khó khăn của nền kinh tế, đây không phải lúc để nhà đầu tư bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cái khó của nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư không chuyên nghiệp khi mua trái phiếu là dù đã được kiểm soát kỹ hơn, chặt hơn, điều kiện đảm bảo nhưng vẫn còn bất cân xứng thông tin. Doanh nghiệp phát hành góc độ nào cũng là chuyên nghiệp rồi nhưng sẽ chỉ cung cấp thông tin chừng mực nào đó, có thể không sai nhưng lại không phản ánh hết mức độ rủi ro.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân khó xác định trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành. Ví dụ khi tư vấn, nhân viên ngân hàng chỉ nói bảo lãnh, nhưng nhà đầu tư lại dễ hiểu là đó là bảo lãnh thanh toán trong khi ngân hàng lại chỉ bảo lãnh phát hành. Ông Đức cũng nhấn mạnh, khi phát sinh nguy cơ doanh nghiệp phát hành mất khả năng thanh toán, việc đối phó không đơn giản trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân vốn là đối tượng yếu thế.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trái phiếu doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, việc hoàn thiện khung pháp lý trái phiếu doanh nghiệp luôn gắn với sự phát triển của thị trường. Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, về phía cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động đánh giá những rủi ro. Đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân ít có khả năng nhận định, lường trước các rủi ro khi tham gia thị trường.

Theo quy định mới hiện nay việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ chỉ dành cho những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, những người có khả năng nhận biết, đánh giá khả năng rủi ro khi đầu tư, việc phát hành trái phiếu ra công chúng dành cho mọi đối tượng nhà đầu tư.

Cụ thể, đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng được cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép chào bán; yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải có lãi; đối tượng mua là mọi nhà đầu tư; từ ngày 01/01/2023 khi chào bán trái phiếu phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành có có giá trị lớn; trái phiếu sau khi phát hành được được niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ: cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành trái phiếu như đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, ngoại trừ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng tại thị trường trong nước; không yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có lãi.

Đồng thời, quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các đợt chào bán phải được tư vấn bởi công ty chứng khoán; quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành, tổ chức lưu ký và các tổ chức cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm khi các tổ chức này không tuân thủ quy định của pháp luật; quy định cơ chế công bố thông tin đầy đủ của doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là công bố thông tin về mục đích huy động vốn trái phiếu;

“Việc quy định như trên nhằm phù hợp với khẩu vị nhà đầu tư, giữa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các nhà đầu tư nói chung”, Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cũng cho rằng, đối với các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã được quy định cụ thể tại Luật Chứng khoán 2020 (đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tổ chức có trách nhiệm xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xử phạt hành vi vi phạm…), các cơ quan chức năng căn cứ vào đó để có cơ sở xử lý khi có sai phạm xảy ra.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam đánh giá, quy định mới đã bóc tách giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Một mặt đã giúp các nhà đầu tư cá nhân có “bước chặn” ngay từ đầu để nhà đầu tư cá nhân không thể tiếp cận trái phiếu phát hành riêng lẻ. Đồng thời ngay cả với doanh nghiệp muốn tiếp cận nền tảng nhà đầu tư rộng hơn thì doanh nghiệp cần thay đổi, doanh nghiệp phải chấp nhận phương thức phát hành ra công chúng với chuẩn mực cao hơn về quản trị doanh nghiệp, sự minh bạch.

Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính đã đưa ra các quy định để hình thành trung tâm thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tập trung tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã giúp minh bạch hóa thị trường trái phiếu, đó là những bước cụ thể để nhà đầu tư cá nhân phòng ngừa, có thông tin khi đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mặt khác khi đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư cá nhân, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng nếu chưa thực sự hiểu thì các nhà đầu tư cá nhân chưa nên đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Minh Thái

Theo Đất Việt