Bộ Tài chính yêu cầu siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, việc phát hành TPDN riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN); Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Công văn của Bộ Tài chính nêu rõ, trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) chủ trì, phối hợp với UBCKNN và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro  
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro  
 

Nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường TPDN, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành TPDN riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.

UBCKNN chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất;

Tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành TPDN. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những rủi ro trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT FiinRatings, có bốn rủi ro chính khi đầu tư vào thị trường trái phiếu mà các nhà đầu tư cần nhận diện.

Thứ nhất là rủi ro tín dụng, tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn.

Thứ hai là rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu.

Thứ ba là định giá lãi suất điều chỉnh với rủi ro chưa hợp lý, dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương xứng với lãi suất.

Thứ tư là các rủi ro khác bao gồm rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế, các thương vụ mua bán sáp nhập, thảm họa hay đại dịch…

Còn chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển mạnh, trong khi đó, kinh tế lại đang gặp khó khăn do tác động từ đại dịch COVID-19. Chỉ trong 8 tháng năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa và nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, có lẽ số lượng doanh nghiệp bị tạm ngừng kinh doanh có thể lên tới con số 100.000.

“Không ai có thể dám chắc rằng, trong số doanh nghiệp trên không bao gồm những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ suy giảm trầm trọng, chưa nói đến chuyện phá sản”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Minh Thái

Theo Đất Việt