Đầu tư vào dự án Green Oasis Cổ Bi - Gia Lâm của VIDEC, khách hàng có dám phiêu lưu?

Rủi ro phổ biến nhất và thường gặp với người mua nhà là Dự án bị chậm bàn giao. Có những Dự án thời gian chậm bàn giao nhà lên đến nhiều năm, thậm chí không biết khi nào khách mới được nhận nhà....

Chủ đầu tư dự án Green Oasis Cổ Bi là ai?

Gần đây, nhiều thông tin phản ánh về dự án “Xây dựng khu nhà ở dịch vụ xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm” do Công ty CP Tập đoàn Xây lắp 1 – Petrolimex (PCC 1) là chủ đầu tư đang được rao bán rầm rộ trên các kênh khác nhau với cái tên Green Oasis Cổ Bi - Gia Lâm. Điều kì lạ ở đây là chủ đầu tư dự án này không phải là PCC 1 mà thay vào đó là cái tên VIDEC Group.

Được biết, dự án “Xây dựng khu nhà ở dịch vụ xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm” được phê duyệt theo Quyết định số 4998/QĐ-UBND ngày 28/9/2009 của UBND Tp. Hà Nội. Toàn bộ dự án có diện tích là 32.494m2 do Công ty CP Tập đoàn Xây lắp 1 – Petrolimex (PCC 1) là Chủ đầu tư.

Trong quá trình triển khai, PCC 1 và Công ty CP Tập đoàn VIDEC (VIDEC Group) chính thức hợp tác với nhau cùng đầu tư dự án.

Việc hợp tác với lý do, tận dụng năng lực của VIDEC Group trong kinh doanh bất động sản, năng lực tài chính và nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư dự án nhà ở thương mại, thi công xây dựng công trình.

Lãnh đạo PCC 1 khẳng định: "Căn cứ luật pháp hiện hành, việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa PCC 1 và VIDEC Group là hoàn toàn hợp pháp. PCC 1 là Chủ đầu tư dự án, có trách nhiệm ký các hồ sơ, giấy tờ… để thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo đền nghị của VIDEC, tuân thủ đúng quy định về quản lý đầu tư và các quy định của pháp luật".

Theo vị lãnh đạo này, Công ty VIDEC Group đóng vai trò là Nhà đầu tư thực hiện dự án, được PCC 1 trao toàn quyền tiến hành mọi thủ tục pháp lý cần thiết để đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh dự án, khu đất. VIDEC chịu trách nhiệm về kết quả, hoạt động kinh doanh dự án, khu đất. Công ty PCC 1 ủy quyền cho VIDEC thực hiện các thủ tục, công việc với cơ quan có thẩm quyền, hoặc các bên khác để triển khai thực hiện công việc. Hiện tại, hai bên vẫn tuân thủ đúng theo quy định pháp luật về hợp tác đầu tư và kinh doanh.

Nhì nhằng pháp lý, dự án "ngâm" hơn 10 năm chưa triển khai, nhà đầu tư có dám phiêu lưu?

Theo tìm hiểu của PV, Dự án Khu nhà ở dịch vụ xã Cổ Bi, Gia Lâm ban đầu là khu đất được UBND TP Hà Nội quyết định cho Công ty xây lắp I – Bộ Vật tư, để sử dụng xây trụ sở làm việc theo Quyết định số 754/QĐ-XD-UB ngày 24/02/1986.

Sau đó, Công ty xây lắp I có xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, năm 2005, UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty Cổ phần Xây lắp I – Petrolimex xây dựng phát triển Dự án xây dựng khu ở và dịch vụ công cộng tại xã Cổ Bi theo Công văn số 5254/UB – XDĐT ngày 30/11/2005, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn thực hiện theo nội dung nêu tại Công văn số 2671/UB-NNĐC ngày 29/08/2003 và Sở Tài nguyên Môi trường Nhà đất kiểm tra nguồn gốc, quản lý sử dụng khu đất, đề xuất cơ chế thực hiện dự án theo Luật Đất đai 2003.

Đến năm 2006, Dự án đã được UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc chấp thuận về Quy hoạch tổng thể mặt bằng theo số 591/QHKT-P2 (ngày 26/04/2006).

Tháng 1/2007, Dự án đã được UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận về Phương án thiết kế sơ bộ các công trình, số 01/QHKT-P2 (ngày 03/01/2007).

Tháng 2/2009: Dự án được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000274 chứng nhận ngày 09/02/2009. Với tên dự án đầu tư: “Xây dựng khu nhà ở dịch vụ xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm”.

Bằng văn bản này, mục tiêu dự án được dựng khu nhà ở để bán, phục vụ lợi ích công cộng theo quy định tại Quyết định số 153/2006/QĐ-UBND ngày 31/08/2006 của UBND TP. Diện tích đất sử dụng dự kiến khoảng 32.481,6m2.

Năm 2009, UBND TP Hà Nội quyết định cho phép Công ty CP Xây lắp I – Petrolimex chuyển mục đích sử dụng 32.494m2 đất tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm để thực hiện dự án đầu tư “Xây dựng khu nhà ở dịch vụ xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm” theo Quyết định số 4998/QĐ-UBND (ngày 28/9/2009).

Năm 2010, Dự án đã có Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC do Phòng Cảnh sát PCCC, Công an TP Hà Nội cấp cho các công trình, hạng mục trong dự án theo phê duyệt của TP.

Vào tháng 2/2010, UBND huyện Gia Lâm đã có công văn số 123/UBND-GPMB xác nhận hoàn thành GPMB dự án khu nhà ở dịch vụ tại xã Cổ Bi.

Đến năm 2014, UBND Tp. Hà Nội có Văn bản số 5713/UBND-XDGT đồng ý về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội tại dự án.

Tuy nhiên, tại Thông báo Kết luận số 219/TB-UBND ngày 28/02/2019, tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã kết luận: “Các văn bản chỉ đạo trước đây về việc chuyển nhà ở dịch vụ xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm do Liên danh: Công ty CP Xây lắp 1 – Petrolimex và Công ty CP Sông Hồng sang làm nhà ở xã hội là không đúng trình tự, thủ tục và các quy định của pháp luật nên không có cơ sở tiếp tục thực hiện".

Như vậy, có thế thấy, quá trình xin chuyển đổi dự án từ nhà ở dịch vụ sang nhà ở xã hội ở xã Cổ Bi của Chủ đầu tư bất thành. Điều này đồng nghĩa với việc, Chủ đầu tư phải thực hiện dự án như chấp thuận ban đầu là nhà ở dịch vụ.

Đầu tư vào dự án Green Oasis Cổ Bi - Gia Lâm của VIDEC, khách hàng có dám phiêu lưu? - Ảnh 1

Hiện tại dự án vẫn ngổn ngang, nhưng các sàn môi giới bất động sản đã giao bán rầm rộ

Đến ngày 6/12/2019, Thanh tra TP đã có Văn bản số 5904/KL – TTTP-P6 Kết luận Thanh tra toàn diện dự án và Văn bản số 61/TB – UBND ngày 17/01/2020 chỉ đạo các đơn vị, cơ quan, ban ngành liên quan cùng Chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các vấn đề liên quan, để dự án Khu nhà ở dịch vụ tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm sớm đưa vào triển khai thực hiện.

Mới đây nhất, ngày 12/3/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 1091/KH&ĐT-NNS về việc đề nghị các cơ quan, ban ngành liên quan cho ý kiến thẩm định về điều chỉnh dự án xây dựng Khu nhà ở dịch vụ tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, đảm bảo tuân thủ chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 4205/UBND-KD&ĐT ngày 26/09/2019.

Thông tin trên báo giới mới đây nhất, lãnh đạo tập đoàn Videc Group cho biết, "xét về tính pháp lý thì dự án Green Oasis Cổ Bi là nhà ở dịch vụ chứ không phải nhà ở xã hội".

Nhưng xin được nhắc lại, tại Phụ lục 2 kèm theo văn bản số 2316/UB-TH ngày 28/5/2018 của UBND TP. Hà Nội về việc thông tin các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố khẳng định: “Dự án nêu trên được thống kê tại số thứ tự 21 ở phụ lục Danh sách các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, dự án do Công ty Cổ phần Xây lắp I – Petrolimex và Công ty CP Sông Hồng làm chủ đầu tư trên diện tích 3,25ha, tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng, tổng số căn hộ là 1600 căn và tiến độ dự kiến hoàn thành là năm 2020”.

Đây chính vì sự nhì nhằng, chưa rõ ràng của dự án này trước khi có thông tin chính thức từ lãnh đạo VIDEC với thông tin "dự án Green Oasis Cổ Bi là nhà ở dịch vụ chứ không phải nhà ở xã hội". Như vậy, chỉ cần nhìn vào sự thay đổi "xoành xoạch", không ổn định của Chủ đầu tư, liệu khách hàng có thực sự yên tâm, tin tưởng để đầu tư? Đặc biệt, dự án này đã kéo dài trên dưới 15 năm và cũng "nằm trên giấy" suốt thời gian qua, nhưng không hiểu vì sao vẫn tiếp tục được triển khai?

Điều đáng nói hơn, dù đây là dự án gì đi chăng nữa nhưng khi vẫn còn đang vô cùng ngổn ngang và mới đang triển khai thi công các hạng mục phụ trợ khác thì rất nhiều sàn bất động sản rao bán rầm rộ các căn biệt thự, shophouse thông qua các sàn BĐS như: Kinh Bắc Land, Việt For Land… tại vị trí dự án này của VIDEC (!?). Điều này được, các sàn này đều quảng bá dưới danh nghĩa là sàn phân phối độc quyền cho CĐT dự án là Công ty CP Tập đoàn VIDEC.

Chủ đầu tư tai tiếng

Cũng cần nhớ rằng, Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC cũng từng để lại tai tiếng khi bán biệt thự, nhà liền kề trái luật tại dự án The Diamond Park tại huyện Mê Linh (Hà Nội) do doanh nghiệp này là chủ đầu tư.

Cụ thể, năm 2019, Thanh tra Hà Nội đã thanh tra toàn diện và chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án The Diamond Park, nhưng tới năm 2017 Công ty CP đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam sau khi đổi tên thành Công ty CP tập đoàn VIDEC lại tiếp tục ký hợp đồng mua bán 6 căn liền kề. Tới năm 2018, VIDEC lại ký kết hợp đồng mua bán 81 biệt thự và nhà liền kề với tổng giá trị hợp đồng khoảng 215,4 tỉ đồng.

Dù đã bán hàng trăm biệt thự, nhà liền kề thuộc dự án The Diamond Park để thu lợi nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 4-2019), VIDEC chưa hề báo cáo Sở Xây dựng để đưa dự án vào kế hoạch phát triển nhà của TP.

Việc bán nhà tại dự án The Diamond Park của VIDEC cũng được cơ quan thanh tra xác định là vi phạm quy định của Luật kinh doanh bất động sản về bán nhà ở hình thành trong tương lai. Các giao dịch nhà tại dự án này diễn ra tự phát và trái quy định pháp luật.

Dù đã thu về hàng trăm tỉ đồng từ việc bán hàng trăm căn biệt thự, nhà liền kề tại dự án The Diamond Park nhưng đến nay VIDEC vẫn đang nợ tiền sử dụng đất dự án. Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư mới nộp 28,8 tỉ đồng tiền sử dụng đất, còn nợ ngân sách khoảng 31,1 tỉ đồng tiền sử dụng đất.

Rồi sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch dự án, năm 2015 Thanh tra Hà Nội tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật của 18/19 dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn, trong đó có dự án The Diamond Park.

Khách hàng cần cẩn trọng đến tính pháp lý

Theo Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định để có thể mở bán dự án nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng, văn bản xác nhận cho phép bán nhà của Sở Xây dựng, được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng.

Đầu tư vào dự án Green Oasis Cổ Bi - Gia Lâm của VIDEC, khách hàng có dám phiêu lưu? - Ảnh 2

Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Chủ đầu tư hoàn thiện đầy đủ những điều kiện trước khi mở bán cũng là sự khẳng định năng lực triển khai dự án cả về tài chính và yếu tố pháp lý. Tuy nhiên, hiện nay, cũng có những chủ đầu tư lách luật mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện nhằm huy động vốn để thực hiện dự án, một số khách hàng chấp nhận mua nhà trên giấy để thu được lợi nhuận khi đầu tư hoặc để hưởng ưu đãi.

"Rủi ro phổ biến nhất và thường gặp với người mua nhà là Dự án bị chậm bàn giao. Có những Dự án thời gian chậm bàn giao nhà lên đến nhiều năm, thậm chí không biết khi nào khách mới được nhận nhà. Bên cạnh đó, việc chậm được cấp, chưa có giấy tờ sở hữu nhà (dù đã nhận nhà vào ở) cũng rất phổ biến, kéo dài", Luật sư cho biết.

Luật sư Tuấn cũng phân tích thêm: "Mỗi người sẽ có quyết định riêng của mình trong việc cân nhắc, lựa chọn mua một căn hộ phù hợp, nhưng yếu tố cần thiết phải được đặt lên hàng đầu, đó là yếu tố pháp lý".

 

Theo Lâm Anh (T.H)/Sở hữu trí tuệ

 

 

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/dau-tu-vao-du-an-green-oasis-co-bi--gia-lam-cua-videc-khach-hang-co-dam-phieu-luu-d72996.html

Tin liên quan