Đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị mới sau khi Quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt
Sau khi Đồ án QHC Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, hạ tầng kết cấu đô thị.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thế Thảo –Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XIV vừa diễn ra ngày 13/7.
Ông Thảo cho biết, sau khi trên cơ sở QHC đang đợi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ đẩy nhanh đồng bộ các loại quy hoạch như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Trên cơ sở đó để đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị hóa trong thời gian tới. Khâu đột phát phát triển kinh tế, xây dựng đô thị là đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt trong đó là hệ thống giao thông, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời huy động mọi nguồn vốn xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, đối tượng hưởng lương ngân sách. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm Hà Nội sẽ thực hiện trong những năm tới.
Theo định hướng phát triển không gian đô thị Hà Nội mở rộng vừa được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1081/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội Thành phố Hà Nội năm 2020 và định hướng năm 2030 ngày 6/7 vừa qua.
Trong đó, định hướng hướng phát triển không gian đô thị của Hà Nội theo hướng chùm đô thị bao gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai và đường hướng tâm với hệ thống giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh và các thị trấn bằng hành lang xanh.
Đô thị trung tâm được mở rộng theo hướng Tây, Nam từ nội đô đến vành đai 4 và về hướng Bắc đến khu Đông Anh và Mê Linh, về hướng Đông đến Gia Lâm và Long Biên. Khu đô thị mở rộng được giới hạn từ vành đai 2 đến sông Nhuệ là khu vực phát triển các khu đô thị mới.
Ngoài ra, ông Thảo cũng nhấn mạnh thêm, để có thể đảm bảo chương trình giãn dân khu vực nội đô ra ngoại thành, các khu đô thị mới xây dựng sẽ cần xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại hơn, bên cạnh đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng dịch vụ, hạ tầng xã hội tốt hơn mới có thể thu hút được người dân di chuyển ra nội thành.
Theo kế hoạch 10 năm tới, và được được định hướng trong đồ án quy hoạch chung từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ giảm dân số trong nội đô từ 1,2 triệu dân xuống còn 800.000 dân
Bên cạnh đó, kết hợp với việc di chuyển các trường Đại học, các cơ sở sản xuất công nghiệp để đưa bộ phận lớn dân cư ra khu vực ngoại thành. Dành quỹ đất để đầu tư nâng cấp các khu công viên công cộng, và các hạ tầng xã hội khác.
Bình An