Để có siêu cảng Cần Giờ, cần cuộc lột xác

Siêu cảng Cần Giờ là dự án lớn mang tầm quốc tế và khu vực. Đó là “trạm dừng chân” trên con đường thiên lý từ Đông sang Tây của hàng ngàn con tàu khổng lồ, với sự tham gia của hàng chục ngàn thuyền viên. Để giữ chân được những con tàu và thuyền viên đó, bến tàu, bãi đỗ thôi chưa đủ, điều quan trọng là hệ thống dịch vụ cho thuyền viên sau một chuyến hải trình dài ngày lênh đênh trên biển.

Huyện vùng sâu vùng xa

Với diện tích 704 cây số vuông, kém một chút so với tỉnh Bắc Ninh nhưng huyện Cần Giờ chỉ có 75 ngàn dân, kém xa so với phường tầm trung là Bình Hưng Hòa B (Quận Bình Tân) với hơn 88.000 dân và chỉ bằng quá nửa so với xã Vĩnh Lộc A (Huyện Bình Chánh), nơi có hơn 124.000 dân.

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Là huyện có diện tích lớn nhưng có trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch nên dân cư thưa thớt, cũng là huyện có chất lượng dịch vụ kém xa so với các quận nội đô.

Hiện nay, Cần Giờ được kết nối với thành phố chủ yếu qua phà Bình Khánh như một tuyến độc đạo khiến Cần Giờ như một huyện đảo. Để có sự đột phá, Cần Giờ cần có thêm nhiều tuyến kết nối với nội đô để có Cần Giờ xanh và cất cánh trong tương lai. Cũng do điều kiện địa lý như vậy nên Cần Giờ là huyện tụt hậu khá xa không chỉ so với các quận huyện khác trong thành phố mà còn tụt hậu so với Vũng Tàu.

Người viết bài này đã có dịp lưu lại thị trấn Cần Thạnh để cảm nhận được sự đìu hiu vắng vẻ nơi đây. Khi màn đêm buông xuống, nhìn từ Cần Giờ ra phía biển, có thể thấy rõ ánh đèn sáng rực phía Vũng Tàu. Những người dân ở đây cho biết, dù cách nhau khoảng 10km đường biển, TP Vũng Tàu suốt đêm sáng đèn, còn huyện đảo của TP. HCM gần như ngừng lại mọi hoạt động.

Cũng do vắng khách nên những hộ kinh doanh dịch vụ nơi đây hầu hết là nhỏ lẻ, làm theo kiểu kinh tế gia đình, tận dụng mặt bằng sẵn có, ít có hộ làm ăn lớn, thuê mướn nhiều nhân công. Cần Giờ cũng chưa có các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh để sẵn sàng cung cấp nhân lực chất lượng cao cho một đô thị hiện đại.

Nhiều dự án trọng điểm mang tầm quốc gia

Nhiều năm nay, cầu Cần Giờ vốn trở thành cây cầu mơ ước được cử tri hai huyện Nhà Bè, Cần Giờ mong muốn sớm được khởi công. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có cầu Cần Giờ còn gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, dự kiến cầu này sẽ khởi công vào dịp 30/4/2025. Theo đó cầu Cần Giờ sẽ được hoàn thành sau ba năm xây dựng giúp tăng cường kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP. HCM.

Để có siêu cảng Cần Giờ, cần cuộc lột xác - Ảnh 1

Trên nền móng vùng sinh quyển Cần Giờ, TP. HCM định hướng phát triển huyện với các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ vùng sinh quyển. Huyện đã chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP. HCM và các đơn vị có liên quan để tổ chức hội thảo bàn về năng lượng xanh, giao thông xanh, Cần Giờ xanh.

Để có nguồn năng lượng xanh, Thành phố đang tính đến việc xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ, diện tích khảo sát rộng hơn 325ha. Dự án được đầu tư với tổng công suất lắp đặt 6.000MW, được chia thành bốn giai đoạn. Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ sẽ cấp điện áp đấu nối vào lưới điện quốc gia 500kV, điểm đấu nối tại trạm Đa Phước.

Cùng với phà Bình Khánh, hiện huyện cũng đang kết nối với các địa phương lân cận thông qua tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Hiện nay, phà đang chạy công suất tối đa để phục vụ người dân TP. Ngoài ra, huyện Cần Giờ cũng đang kết nối với tỉnh Long An thông qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc.

Hiện nay, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang được các đơn vị tích cực tháo gỡ để sớm khơi thông, tăng cường kết nối với huyện Cần Giờ trong tương lai. Thêm vào đó, hai dự án lớn mang tầm vóc quốc gia là khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.

TP. HCM đang phấn đấu tổ chức đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đưa vào khai thác giai đoạn I trước năm 2030 (đầu tư 2/7 bến chính). Công tác chuẩn bị đầu tư từ năm 2023 đến 2024, xây dựng cảng từ năm 2025 đến 2026, năm 2027 sẽ chính thức đưa vào khai thác. Như vậy, với các đề án sắp được triển khai trong thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ thực sự trở thành địa phương có nhiều dự án lớn, mang tầm quốc gia.

Cần Giờ sẽ xanh và cất cánh

Theo quy hoạch chung TP. HCM, khu vực huyện Cần Giờ với vị thế trung tâm của vùng vịnh phía nam sẽ là hạt nhân dẫn dắt cho toàn vùng công nghiệp cửa biển (bao gồm Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai), là trung tâm tài chính, hội nghị sự kiện, giải trí, tập trung không gian ở chất lượng cao cho các chuyên gia đầu ngành của thế giới. Phát triển cảng ở khu vực Cần Giờ để mở thêm các cơ hội cho ngành logistics và du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: “Thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ thực hiện Nghị quyết 12 của Thành ủy, thực hiện 44 chương trình, đề án để phát triển huyện Cần Giờ trở thành TP trực thuộc TP. HCM - trở thành TP sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Hiện nay, huyện đang phối hợp với Sở GTVT TP. HCM để xin chủ trương đầu tư Dự án cầu Cần Giờ với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng theo hình thức BT trả chậm. Tiếp theo là dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ đã và đang điều chỉnh quy hoạch 1/5000, nếu được thông qua sẽ triển khai vào đầu năm 2025.

Ba dự án trên có vai trò vô cùng quan trọng với quốc gia và khu vực, là cơ hội đột phá để huyện Cần Giờ thực sự cất cánh trong tương lai. Đặc biệt là dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ cần phải đi trước một bước để thu hút tầng lớp trung lưu về Cần Giờ sinh sống. Họ sẽ là những hạt nhân để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các loại hình dịch vụ cao cấp.

Trong cuộc làm việc với thành phố mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: Cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, không cạnh tranh với Cái Mép - Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh.

Để có siêu cảng Cần Giờ có thể cạnh tranh với các nước khu vực, ngay từ bây giờ, Cần Giờ đã phải chuẩn bị cho một cuộc lột xác. Đặc biệt đó là sự đồng thuận của bộ máy hành chính trong việc tháo gỡ những vướng mắc. Cần Giờ đang có cơ hội để trở thành một đô thị hạt nhân của khu vực duyên hải phía Nam. Điều quan trọng là khát vọng của Cần Giờ, của thành phố có đủ lớn và xúc tiến mạnh mẽ để thay đổi Cần Giờ mỗi ngày.

 

Phan Thế Hải

Theo Vietnamfinance