Để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh: Góc nhìn từ việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước

Cùng với chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị định 15/202/NĐ-CP được ban hành ngày 1/2/2022, đầu tháng 4/2022 Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thành Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất, thuê mặt nước. Động thái tích cực này được đông đảo dư luận và các chuyên gia kinh tế xem là liều thuốc quý giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh có thêm nguồn tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc lại doanh nghiệp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. 

 

Để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh: Góc nhìn từ việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước - Ảnh 1

Từ việc gia hạn thuế…
Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ gia hạn 6 tháng, thời gian từ tháng 3 – 5/2022 và quý I/2022; gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2022 và quý II/2022; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2022; gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2022 của doanh nghiệp (DN), tổ chức thuộc đối tượng áp dụng nêu trên. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Với việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT theo phương án nêu trên, theo tính toán của Tổng cục Thuế thì tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8/2022 và quý I, quý II/2022 là khoảng 53.300 – 54.300 tỷ đồng. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho DN nhất là trong giai đoạn hiện nay, cơ quan soạn thảo đề xuất gia hạn nộp thuế như sau: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I và quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2022. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Với việc gia hạn áp dụng cho sắc thuế nay như đề xuất, ước tính số thuế được gia hạn khoảng 51.000 – 52.000 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất: Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2022, chậm nhất là ngày 31/12/2022. Dự kiến, số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 15.304 tỷ đồng. Đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước, Bộ Tài chính đề xuất được áp dụng đối với 50% số tiền thuê đất, thuê mặt nước phát sinh phải nộp năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022 đến ngày 30/11/2022. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 – 3.700 tỷ đồng.
… đến cơ sở đạo lý
Phân tích về cơ sở đạo lý khi Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án gia hạn và miễn giảm các loại thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là điều hết sức cần thiết. Bởi lẽ, dịch bệnh Covid-19 đã gây khó khăn cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Cùng với đó, trong suốt gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh, Nhà nước đã phải chi ngân sách số tiền khá lớn cho hoạt động phòng chống dịch, mua vaccine, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sau dịch bệnh là giai đoạn phục hồi và giai đoạn này là rất quan trọng. Đối với doanh nghiệp có tiềm năng có thể tận dụng cơ hội này để phát triển nhanh và mạnh, nhưng đối với những doanh nghiệp đuối sức thì lại càng quan trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính vì vậy, Nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn và động thái cho gia hạn và miễn giảm nhằm giúp cho doanh nghiệp tạm thời được sử dụng nguồn tài chính này thay vì phải nộp ngay cho Nhà nước thực hiện quá trình tái cấu trúc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh là một việc làm hữu ích và thiết thực cho người nộp thuế nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Mặt khác, việc đưa ra vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh được gia hạn, miễn giảm về chính sách thuế đặt ra trong lúc này cùng là để đồng bộ với các chính sách hỗ trợ khác, bởi lẽ mỗi chính sách chỉ có thể tác động vào một nhóm đối tượng hoặc một lĩnh vực nhất định, nếu nó đơn lẻ thì tác dụng tích cực sẽ không nhiều. Khi kết hợp đồng bộ với các chính sách hỗ trợ cùng một lúc thì giá trị cộng hưởng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ngoài ra, tại Tờ trình Chính phủ có đề cập đến đối tượng được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trực tiếp theo quyết định, hoặc hợp đồng, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất, thuê mặt nước hàng năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Không chỉ có vậy, dự thảo còn quy định áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước đang được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, đối tượng được hỗ trợ lần này là tương đối rộng, hợp lý, đảm bảo được tính bình đẳng, kịp thời cho cả khu vực sản xuất kinh doanh lẫn dịch vụ. Điều đặc biệt hơn nữa đó là đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chỉ có dưới 10 lao động, khi giảm được 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước, chi phí thuê mặt bằng là rất quý, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn, ít nhất là áp lực về chi phí cho giá thành, việc làm và lao động “dễ thở” hơn.

Để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh: Góc nhìn từ việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước - Ảnh 2

Để chính sách đi vào cuộc sống

Theo các chuyên gia, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh hồi phục phát triển kinh tế, ngay sau khi được Chính phủ ban hành, việc triển khai cần phải được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng hơn vì thời điểm này đã hết quý I/2022 và bước vào quý II/2022. Theo đó, Nghị định và các văn bản hướng dẫn cần phải xác định, khoanh vùng cụ thể các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi chính xác và hợp lý, tránh những trường hợp áp dụng không thống nhất để chính sách bị lợi dụng, làm mất đi đạo lý tốt đẹp của việc gia hạn, miễn giảm tiền nộp thuế.

Tại dự thảo này có hai điểm mới quan trọng về việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính so với chính sách tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2020. Thứ nhất là điều kiện giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước được Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Phương án 1 vẫn giữ điều kiện “ngừng sản xuất, kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” như năm 2020, nhưng không yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan nhà nước mà để doanh nghiệp tự cam kết và tự chịu trách nhiệm.

Phương án 2 thì không yêu cầu điều kiện trên (tương tự như năm 2021). Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án 2 thì Chính phủ cần phải sửa Nghị quyết số 11/NQ-CP để phù hợp và đồng bộ với thực tế và phương án đề xuất giảm và giãn thời gian nộp thuế. Không chỉ có vậy, Bộ Tài chính còn đề xuất đơn giản hóa hồ sơ giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo đó, chỉ cần hai loại giấy tờ là giấy đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước, hoặc hợp đồng thuê đất, thuê mặt nước hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (bản sao).

Tất cả những phương án đề xuất nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính là điều rất cần thiết, tuy nhiên cơ quan quản lý cần đưa ra các giải pháp hợp lý để có thể kiểm soát để đảm bảo đối tượng đều được hưởng đúng chính sách miễn giảm thuế theo chủ trương đề ra tại Tờ trình.

Bên cạnh đó, việc triển khai nộp thuế sau thời gian thực hiện gia hạn thuế cũng cần được tính toán kỹ về mặt kỹ thuật và nghiệp vụ để có thể thực hiện online trên hệ thống và tránh những sai sót không đáng có. Để làm tốt được điều này thì một yếu tố rất quan trọng đó là việc phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ để người nộp thuế hiểu và áp dụng đúng qui định. Tránh tình trạng hiểu sai và áp dụng không chính xác. Song song với những giải pháp trên, cơ quan thuế cần tăng cường tuyên truyền phổ biến rộng rãi các qui định về biểu mẫu.

Hồng Chuyên

Theo Kinh doanh và phát triển