Để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, cần có những giải pháp nào?

Chuyên gia nhận đinh, việc mở room tín dụng cấp vốn cho thị trường, đặc biệt cho hệ thống doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính tối 5/9, ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng, room tín dụng có thể xét trên hai mặt. Trước hết, các ngân hàng thương mại hiện đều có khả năng cung cấp tiếp lượng room tín dụng cho các doanh nghiệp, bởi tổng nguồn tiền gửi từ cư dân và tổ chức kinh tế 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng 3,6%. Thứ hai, năm nay kỳ vọng GDP khoảng 6% thì room tín dụng ở mức 16% là hợp lý, nếu để 14% thì sẽ khó cho các doanh nghiệp.

Theo ông Long, để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, nên có những chính sách như cho vay vốn với lãi suất 0% với những ngành nghề khó khăn trong hai năm COVID như du lịch. Hệ thống Chính phủ có thể dùng bớt một phần nguồn vốn từ đầu tư công để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, kèm theo những chính sách và có những điều kiện cụ thể.

Trong năm 2020 và 2021, phần lớn các doanh nghiệp đều giảm quy mô. Sang năm 2022, khi nhu cầu phục hồi trở lại, họ bắt đầu quay lại sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng sau hai năm không thể đáp ứng kịp với nhu cầu quay trở lại này. Bởi vậy, có thể nhận thấy rõ trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã dùng đến hơn 9% dư nợ tăng trưởng tín dụng trong tổng số 14%. 

Các chuyên gia trao đổi trong Talk Show Phố tài chính tối 5/9.
Các chuyên gia trao đổi trong Talk Show Phố tài chính tối 5/9.

Về phía các doanh nghiệp, ông Long cho rằng trong giai đoạn này, họ phải chủ động tìm kiếm những nguồn vốn khác ngoài ngân hàng, như thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực đó. Ngoài ra, việc nâng cao các kiến thức và các kinh nghiệm quản lý tài chính cũng rất cần thiết. Sau những khó khăn này các doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại, chủ động hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển đều và phát triển vững.

Cũng tại buổi Talk show, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay có hơn 800.000 doanh nghiệp, trong đó quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 98,5%. 

Cách thức tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp này đều thông qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022, xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán khoản vay với ngân hàng.

Theo ông Quốc Anh, việc mở room tín dụng cấp vốn cho thị trường, đặc biệt cho hệ thống doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phương án kinh doanh của các doanh nghiệp có khả thi không? Ngoài ra, phải tính về vấn đề lãi suất, như lãi suất hiện nay đã ở mức tương đối hợp lý cho doanh nghiệp.

Để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, ông Quốc Anh cho rằng đầu tiên phải thực hiện tốt Nghị quyết 42 trong việc xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo nên nâng cao về công nghệ, từ đó giảm chi phí quản trị, giảm lãi suất cho vay với hệ thống các doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra, để nhanh chóng có được nguồn vốn trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nên có quỹ trích lập dự phòng rủi ro từ 3-5%, cần thắt chặt các hoạt động quản trị về mặt tài chính, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, chuyên viên, đặc biệt là giám đốc tài chính, kế toán công nợ, kế toán tổng hợp và cả những bộ phận về mặt thu chi. Bên cạnh đó, cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ thanh toán, tránh những chi phí không chính thức.

Nói thêm về giải pháp đối với thị trường chứng khoán, theo ông Mạc Quốc Anh, đầu tiên, bản thân các doanh nghiệp phải hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, minh bạch và nghiêm túc, thực hiện đúng pháp luật và không vi phạm về mặt đạo đức.

Đối với phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá những tổ chức tín dụng, doanh nghiệp làm nghiêm túc và cả những doanh nghiệp vi phạm để có các giải pháp xử lý. Trong khối liên kết, hợp tác, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận một làn sóng mới là M&A giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư với nhau. Thêm vào đó, việc nâng hạng là vô cùng cần thiết.

 

Trong báo cáo về hoạt động điều hành tín dụng mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc phân bổ room tín dụng năm 2022 cho từng ngân hàng chủ yếu dựa trên cơ sở vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường theo kết quả xếp hạng với các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN.

Bên cạnh đó, các tiêu chí như giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của ngành ngân hàng năm 2022 là hợp lý. Mức tăng trưởng này đảm bảo được mục tiêu kiềm chế lạm phát và quan trọng hơn là không tạo ra cuộc đua lãi suất huy động trong những tháng cuối năm, vì tỷ lệ cho vay trên huy động tại một số ngân hàng hiện tại lên tới 90%.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống